Trong báo cáo trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết:Chính phủ dự kiến điều chỉnh lương tối thiểu từ 450.000 đồng lên 540.000 đồng/tháng, từ ngày 1-1-2008.
Như vậy, các đối tượng hưởng lương và trợ cấp bảo hiểm xã hội trong đó có cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, người lao động trong các doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh lương, phụ cấp, trợ cấp. Nhưng mức độ điều chỉnh ra sao? Đây là một trong những vấn đề mà bạn đọc của báo Quân đội nhân dân quan tâm nhiều nhất.
Lương tối thiểu sẽ tăng thêm 90.000 đồng/tháng
Theo Tờ trình Chính phủ của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội thì mức lương tối thiểu chung hiện nay còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tái sản xuất sức lao động. Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung nhằm bảo đảm góp phần cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, từng bước tiếp cận với mức tiền công trên thị trường.
Sau thời gian khảo sát và nghiên cứu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng xong dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu chung và hai dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu theo vùng đối với người lao động làm việc ở các doanh nghiệp trong nước; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam trình Chính phủ và công bố rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân.
Mức lương tối thiểu chung là mức lương tối thiểu để trả công cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Mức lương này từ ngày 1 tháng 1 năm 2008 là 540.000 đồng/tháng, tăng 90.000 đồng/tháng so với thời điểm hiện nay. Mức lương tối thiểu chung được điều chỉnh tuỳ thuộc vào mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá sinh hoạt và cung cầu lao động theo từng thời kỳ. Mức lương tối thiểu chung được áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ…
Không áp dụng mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam.
Lương tối thiểu của người lao động tại các doanh nghiệp sẽ được tính theo vùng
Theo dự thảo hai Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc ở công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động; mức lương tối thiểu đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam thì các lương tối thiểu của các đối tượng nói trên sẽ được tính theo từng vùng kể từ ngày 1-1-2008.
Vùng 1 là các quận thuộc thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại vùng này, lương tối thiểu của người lao động ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một triệu đồng/tháng. Ở các doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh tế khác của Việt Nam có mức 620.000 đồng/tháng.
Vùng 2 là các huyện thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; các quận thuộc thành phố Hải Phòng; thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Biên Hoà thuộc tỉnh Đồng Nai; thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; thị xã Thủ Dầu Một, các huyện Thuận An, Di An, Bến Cát và Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương. Tại các địa phương thuộc vùng này, mức lương tối thiểu chung được áp dụng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 900.000 đồng/tháng và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước là 580.000 đồng/tháng.
Vùng 3 là các địa phương còn lại. Người lao động ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở đây có mức lương tối thiểu là 800.000 đồng/tháng và tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác của Việt Nam áp dụng mức lương tối thiểu 540.000 đồng/tháng.
Dự thảo Nghị định còn nêu rõ, mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng.
Lương cán bộ trong quân đội sẽ được điều chỉnh như thế nào?
Quan điểm của Chính phủ về tiền lương của lực lượng vũ trang đã thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội khoá XI: "Tiền lương và phụ cấp của lực lượng vũ trang phải phản ánh được mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ, trách nhiệm cống hiến của lực lượng vũ trang là "một ngành lao động đặc biệt", vì vậy có bảng lương riêng và giữ mức ưu đãi so với cán bộ công chức như hiện nay".
"Tiếp tục cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội. Từ ngày 1 tháng 1 năm 2008, điều chỉnh mức lương tối thiểu chung từ 450.000 đồng/tháng lên 540.000 đồng/tháng. Để việc điều chỉnh lương tối thiểu không trở thành nguyên nhân tăng lạm phát, Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện các biện pháp tạo nguồn tăng lương như đã thực hiện trong các năm trước đây; đồng thời, yêu cầu các ngành, các cấp, các đơn vị thực hiện triệt để Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, trong chi tiêu ngân sách và sử dụng tài sản công". (Trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII)
|
Theo Nghị định 204 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì hệ số lương (so với lương tối thiểu) của sĩ quan quân đội ở một số cấp bậc như sau: Cấp thiếu úy là 4,2 (có nghĩa là gấp 4,2 lần lương tối thiểu), cấp trung úy là 4,6, cấp thượng úy là 5,0. cấp đại uý là 5,4, cấp thiếu tá là 6,0, cấp trung tá là 6,6, cấp thượng tá là 7,3, cấp đại tá là 8,0.
Tổng mức lương và phụ cấp của sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương bằng 1,8 lần, của quân nhân chuyên nghiệp bằng 1,7 lần so với tổng mức lương và phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức tương đương; công nhân viên quốc phòng xếp lương như công nhân viên Nhà nước và hưởng phụ cấp phục vụ quốc phòng. Binh sĩ không quy định chế độ tiền lương mà thực hiện chế độ ăn định lượng và phụ cấp sinh hoạt phí theo cấp hàm. Như vậy, nếu theo dự thảo Nghị định về điều chỉnh lương tối thiểu chung thì từ 1-1-2008, dự kiến tiền lương hàng tháng (chưa kể tới các khoản phụ cấp theo lương tăng) của cấp thiếu uý sẽ tăng thêm 378.000 đồng, của cấp thiếu tá tăng thêm 540.000 đồng, cấp đại tá tăng thêm 720.000 đồng.
Trong dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu chung áp dụng từ ngày 1-1-2008 đã ghi rõ : " Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với lực lượng vũ trang". Như vậy, sau khi Chính phủ chính thức ban hành Nghị định, Bộ Quốc phòng sẽ có hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung cho các đơn vị quân đội.
Thực tế hiện nay, đời sống của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội vẫn còn rất nhiều khó khăn. Việc "động viên vợ bằng... thư, nuôi con bằng... kẹo" không phải là cá biệt với các cán bộ quân đội sống ở xa gia đình. Nhiều cán bộ quân đội khi đi trả phép đã phải “ngửa tay” xin tiền vợ. Trong khi đó cán bộ quân đội ở cơ sở gần như không có ngày nghỉ, giờ nghỉ, không có khái niệm thu nhập ngoài lương. Vì vậy, trong lộ trình cải cách tiền lương sắp tới, dư luận mong muốn cần phải có chế độ ưu đãi hơn nữa đối với cán bộ quân đội.
Tăng lương phải đi kèm với kiềm chế giá
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Để việc điều chỉnh lương tối thiểu không trở thành nguyên nhân tăng lạm phát, Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện các biện pháp tạo nguồn tăng lương như đã thực hiện trong các năm trước đây, đồng thời yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện triệt để Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong sản xuất, chi tiêu ngân sách và sử dụng tài sản công.
Theo ba dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc điều chỉnh lương tối thiểu thì kinh phí thực hiện đối với các đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm từ các nguồn: Tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) đối với từng cơ quan hành chính, từng đơn vị sự nghiệp thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với các đơn vị sự nghiệp có thu sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ. Riêng các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ (sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hoá chất). Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ của các cơ quan hành chính có thu. Sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương. Ngân sách Trung ương sẽ bảo đảm bổ sung nguồn kinh phí để thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu trong trường hợp các cơ quan, địa phương khó khăn.
Kinh phí khi thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với người lao động làm việc trong các công ty, doanh nghiệp do công ty, doanh nghiệp bảo đảm và được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua đã trả lương cho người lao động cao hơn nhiều lần mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, trước thông tin điều chỉnh tối thiểu từ ngày 1-1-2008, nhiều người làm công, ăn lương vẫn không khỏi băn khoăn vì rất có thể trên thực tế, giá cả luôn “chạy trước lương".
Một trong những vấn đề mà người dân quan tâm nhất hiện nay là việc đảm bảo thu nhập thực tế, tiền lương thực tế. Nghĩa là cùng với việc điều chỉnh lương, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là các giải pháp không để điều chỉnh lương kích giá hàng tiêu dùng; cân bằng trong việc điều chỉnh lương ở các khu vực kinh tế khác nhau, tạo nhân tố mới trong việc kiểm soát, điều chỉnh khoảng cách thu nhập; kiểm soát chặt chẽ các khoản thu nhập ngoài lương mà dân gian thường gọi là "lậu". /.
Đỗ Phú Thọ