QĐND - Mới đây, nhân chuyến thăm Ô-xtrây-li-a của Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê (Shinzo Abe), Can-bơ-rơ và Tô-ki-ô đã ký kết một thỏa thuận quốc phòng chưa từng có. Trọng tâm của thỏa thuận này là việc Ô-xtrây-li-a sẽ mua 10 tàu ngầm lớp Soryu do Nhật Bản sản xuất, trị giá hơn 20 tỷ AUD (tương đương 18,72 tỷ USD), để thay thế các tàu ngầm lớp Collins do Ô-xtrây-li-a sản xuất, khi hạm đội này ngừng hoạt động vào đầu năm 2026...

Sự lựa chọn số 1!

Tàu ngầm lớp Collins do Tập đoàn Tàu ngầm Ô-xtrây-li-a (ASC) đóng tại Ô-xtrây-li-a theo giấy phép của Thụy Điển. Tuy nhiên, hầu hết các tàu ngầm lớp Collins được chuyển giao trong giai đoạn 1996-2003 đều gặp trục trặc về kỹ thuật, như động cơ điện, ắc-quy, máy phát điện, hệ thống kiểm soát vũ khí. Thậm chí, động cơ đi-ê-den của tàu chưa bao giờ hoạt động tốt và còn bị nghi ngờ không đủ khả năng vận hành tốt đến năm 2026, thời điểm mà các tàu này được thay thế bằng hạm đội tàu ngầm mới. Đã có lúc, Bộ trưởng Quốc phòng Ô-xtrây-li-a khi đó là ông Xtê-phen Xmít (Stephen Smith) phải thốt lên rằng: “Ô-xtrây-li-a có những khó khăn dài hạn đối với hạm đội tàu ngầm lớp Collins”.

Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản được xem là sự lựa chọn số 1 của Hải quân Ô-xtrây-li-a. Ảnh: abc.net.au

Trước việc thời gian hạm đội tàu ngầm lớp Collins nằm trong xưởng sửa chữa nhiều hơn hoạt động trên biển, năm 2009, Ô-xtrây-li-a buộc phải tính đến việc thay thế những con tàu này sớm hơn so với kế hoạch.

Và tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản được xem là sự lựa chọn số 1!

Nặng hơn 4000 tấn, tàu ngầm lớp Soryu lớn hơn 0,2 lần so với tàu ngầm lớp Collins. Tàu ngầm Soryu có tầm hoạt động hơn 11.000km, được trang bị tên lửa Harpoon. Loại tàu này có 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm, có khả năng bắn cả ngư lôi dẫn đường và tên lửa chống tàu. Đặc biệt, tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản có khả năng “tàng hình” vượt trội so với các tàu ngầm đi-ê-den - điện thông thường nhờ vào 4 hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP) cho phép nó có thể cơ động trên một đoạn đường dài khi lặn. Theo hãng tin Kyodo, tàu ngầm loại mới nhất này của Nhật Bản có khả năng cơ động ở dưới nước tới hai tuần mà không cần nổi lên mặt nước. Giới phân tích quân sự Ô-xtrây-li-a nhận định, loại tàu này thích hợp nhất đối với Hải quân Ô-xtrây-li-a vốn phải bảo vệ những vùng biển bao quanh vô cùng rộng lớn.

Dự kiến, các tàu ngầm lớp Soryu sau khi mua về sẽ được neo đậu tại cảng Đác-uyn và một số căn cứ hải quân khác của Ô-xtrây-li-a.

Lợi cả đôi đường

Theo Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Tô-ni A-bót (Tony Abbott), điều quan trọng nhất là Ô-xtrây-li-a được trang bị tàu ngầm tốt với giá cả hợp lý (chi phí bằng 1/2 giá thành của tàu ngầm lớp Collins).

Chính phủ của ông Tô-ni A-bót cho rằng, việc mua tàu ngầm của Nhật Bản mang lại nhiều lợi ích chiến lược. Thứ nhất, tàu ngầm lớp Soryu hiện đại đáng tin cậy hơn bất kỳ loại tàu ngầm nào được thiết kế trong nước. Thứ hai, việc mua tàu ngầm của Nhật Bản sẽ nâng cấp quan hệ quốc phòng Ô-xtrây-li-a với Nhật Bản, nước mà Thủ tướng Tô-ni A-bót đánh giá là “người bạn tốt nhất ở châu Á”. “Ô-xtrây-li-a sẽ nhận được những gì họ đang tìm kiếm, đó là một loại tàu ngầm đáng tin cậy với mức giá tốt”, một chuyên gia quốc phòng Ô-xtrây-li-a nhận định.

Một điều quan trọng khác là Mỹ đã ngầm ủng hộ việc Ô-xtrây-li-a mua tàu ngầm của Nhật Bản trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách mở rộng và nâng cấp năng lực tàu ngầm của mình ở Thái Bình Dương.  Các tàu ngầm chế tạo ở Nhật Bản phù hợp với những vũ khí và hệ thống chiến đấu của Mỹ, giúp Mỹ thâm nhập sâu hơn trong quan hệ quốc phòng Ô-xtrây-li-a - Nhật Bản.

Tuy nhiên, việc Chính phủ Ô-xtrây-li-a quyết định mua tàu ngầm từ Nhật Bản đã phá vỡ lời hứa của Thủ tướng Tô-ni A-bót trước cuộc bầu cử hồi năm ngoái, đó là sẽ cam kết xây dựng một hạm đội tàu ngầm mới nhằm giúp đỡ các công ty đóng tàu trong nước đang gặp khó khăn; việc mua tàu ngầm của Nhật đã đi ngược lại với cam kết này. Tuy nhiên, Thủ tướng Tô-ni A-bót nhấn mạnh rằng, tàu ngầm là loại vũ khí trang bị nòng cốt trong chiến lược quân sự của quốc gia đại dương này, vì thế không thể vì hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mà hy sinh vấn đề an ninh quốc gia. “Điều quan trọng nhất là có được những con tàu ngầm tốt nhất, với mức giá hợp lý đối với người đóng thuế Ô-xtrây-li-a", Thủ tướng Tô-ni A-bót khẳng định. Ông cũng cho hay, quyết định này được đưa ra dựa trên yêu cầu về quốc phòng, chứ không phải dựa trên cơ sở chính sách công nghiệp.

Trong khi đó, đối với Nhật Bản, hợp đồng bán tàu ngầm cho Ô-xtrây-li-a là một sự kiện mang tính bước ngoặt. Đây sẽ là thương vụ xuất khẩu vũ khí lớn nhất trong 70 năm qua và là một biểu tượng trong chiến lược mới của Thủ tướng Sin-dô A-bê. Chính phủ của Thủ tướng Sin-dô A-bê đã nới lỏng "3 nguyên tắc về xuất khẩu vũ khí" của Nhật Bản, cho phép bán thiết bị quân sự sang các quốc gia khác. Trước đó, lệnh này cấm tất cả việc bán vũ khí, đạn dược, ngoại trừ những vũ khí nhỏ được sản xuất vào những năm 50 của thế kỷ trước và một số tàu tuần tra nhỏ được đóng cho các nước châu Á. Nhật Bản đã không xuất khẩu vũ khí từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Theo Báo The Australian, Trung Quốc có thể xem việc này là một sự nâng cấp quan hệ quân sự đầy khiêu khích giữa Ô-xtrây-li-a và Nhật Bản, trong bối cảnh Tô-ki-ô và Bắc Kinh đang có tranh chấp lãnh thổ căng thẳng trên Biển Hoa Đông. Mác Thôm-xơn (Mark Thomson), chuyên gia quốc phòng của Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược (ASPI) Ô-xtrây-li-a cảnh báo rằng, việc Ô-xtrây-li-a mua tàu ngầm của Nhật Bản sẽ làm cho việc bình thường hóa vị thế quốc phòng của Nhật Bản diễn ra nhanh hơn, nhưng cũng sẽ báo động Trung Quốc, làm Trung Quốc nâng cao hơn cảnh giác đối với Mỹ và các đồng minh. Việc Ô-xtrây-li-a quyết định mua tàu ngầm của Nhật Bản cũng có thể khiến cho Trung Quốc nhìn nhận về một liên minh đang dần được hình thành giữa Mỹ, Nhật Bản và Ô-xtrây-li-a ở Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc.

BÌNH NGUYÊN