NEC cho biết, gần 70.000 nhân viên an ninh sẽ được triển khai tại tất cả 22.967 điểm bỏ phiếu và hơn 200 quan sát viên quốc tế đã đăng ký giám sát cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI của Campuchia. Theo luật bầu cử của Campuchia, đảng nào giành thắng lợi với tỷ lệ 50%+1 số phiếu bầu sẽ được quyền đứng ra thành lập chính phủ mới.
Lâu nay, CPP và Thủ tướng Hun Sen đã không còn là những cái tên xa lạ với cử tri đất nước Chùa tháp. Trong khi CPP từng giành thắng lợi liên tiếp trong 4 kỳ bầu cử Quốc hội kể từ năm 1998 thì ông Hun Sen đã liên tục đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Campuchia trong hơn 30 năm qua.
Bước vào cuộc tranh cử lần này, hành trang mang theo của CPP là những bề dày thành tích. Không ai có thể phủ nhận vai trò của CPP đã dẫn dắt nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, giúp đất nước Chùa tháp không những hồi sinh từ đống tro tàn mà còn bứt phá ngoạn mục để trở thành “con hổ kinh tế mới” của châu Á trong tương lai gần như đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Và theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Campuchia sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ khoảng 6,9% trong năm nay.
Cùng với đó, dưới sự lãnh đạo của CPP, vị thế của Campuchia ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đơn cử như mới đây, quốc gia Đông Nam Á này đã trúng cử Ủy viên Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ năm 2019 và được bầu làm Phó chủ tịch phiên họp toàn thể lần thứ 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhiệm kỳ từ tháng 9-2018 đến tháng 9-2019.
Một lợi thế khác đối với CPP phải kể đến trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI sắp tới là sự vắng mặt của đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP). Từng là đảng đối lập lớn nhất ở đất nước Chùa tháp nhưng CNRP đã bị giải thể vào cuối năm 2017 do vi phạm Luật Chính đảng sửa đổi. Trong khi các lãnh đạo của CNRP, người đang sống lưu vong ở nước ngoài, người phải thụ án tù thì các thành viên cấp cao của đảng này còn bị Tòa án Tối cao Campuchia ra phán quyết cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.
Bên cạnh đó, trước cuộc đua vào ngày 29-7 tới, CPP đã có bước “chạy đà” suôn sẻ khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử xã-phường hồi tháng 6-2017 và cuộc bầu cử Thượng viện tháng 2 vừa qua. Kết quả những cuộc bầu cử này đã tái khẳng định vai trò chính trị hàng đầu của CPP tại Campuchia, tạo tiền đề thuận lợi cho họ bước vào cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI.
Cũng cần phải lưu ý rằng, có tới 1/3 trong khoảng 8,3 triệu cử tri Campuchia tham gia bỏ phiếu lần này là những người trẻ tuổi, một con số không nhỏ có tác động đáng kể tới cục diện của bất kỳ cuộc bầu cử nào. Những cử tri trẻ tuổi ở Campuchia được đánh giá là ngày càng có xu hướng ủng hộ sự thay đổi, nhạy bén trước những “mặt trái” còn tồn tại của đất nước.
Nhận thức rõ điều đó, ngay từ năm 2015, CPP đã kịp thời có những điều chỉnh chiến lược, hướng đến cải cách sâu rộng, trong đó có việc tăng số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương với hầu hết là những người mới, ở độ tuổi dưới 50. Trong cương lĩnh tranh cử của mình, CPP cũng chú trọng đến củng cố đoàn kết dân tộc, nâng cao quyền lợi và đời sống của người dân, bảo vệ luật pháp và công bằng xã hội, bảo vệ độc lập chủ quyền, hòa bình và an ninh quốc gia cũng như phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng 7%/năm.
Không chỉ có vậy, nếu như trước kia, CPP còn ngần ngại sử dụng mạng xã hội thì facebook hiện đã trở thành một kênh trợ giúp đắc lực đưa CPP đến gần với cử tri hơn, nhất là những người trẻ tuổi vốn chiếm đa số trong những người dùng mạng xã hội. Giờ đây, việc Thủ tướng Hun Sen đăng tải những bài viết về các nhiệm vụ chính trị hay phát trực tiếp những sự kiện ông tham dự trên trang facebook cá nhân đã không còn xa lạ với người dân đất nước Chùa tháp. Vì lẽ đó, không có gì quá ngạc nhiên khi đương kim Thủ tướng Campuchia hiện là một trong số những nhà lãnh đạo có số lượng người theo dõi trên facebook nhiều nhất thế giới.
Trong khi CPP nắm trong tay nhiều lợi thế như vậy khi bước vào cuộc đua sắp tới, quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào các cử tri Campuchia. Do đó, cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI chính là thước đo tín nhiệm của cử tri đất nước Chùa tháp đối với CPP nói chung và cá nhân đương kim Thủ tướng Hun Sen nói riêng-người đã đặt mục tiêu tiếp tục lãnh đạo Campuchia vì mục tiêu duy trì ổn định chính trị và phát triển đất nước.
HOÀNG VŨ