Mấy năm qua, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam giảm rất mạnh, từ 330 triệu USD xuống chỉ còn 30 triệu USD. Trong khi đó, các nhà vườn cả nước phải đối mặt với thực trạng "được mùa, rớt giá", trái cây ngoại "lên hương" chiếm lĩnh thị trường. Điều đó cho thấy sức cạnh tranh của trái cây trong nước là rất đáng báo động. Câu hỏi làm thế nào để nâng cao sức cạnh tranh cho trái cây Việt Nam cho đến giờ vẫn khiến nhiều cấp, ngành băn khoăn, trăn trở…
Những con số đáng lo ngại
Trong những năm gần đây, thị trường xuất khẩu rau quả của nước ta không ngừng được mở rộng, riêng tháng 11-2006, xuất khẩu rau quả đã vươn tới 55 thị trường, tăng 5 thị trường so với tháng trước đó, trong đó chủ yếu là thị trường châu Âu, Ác-hen-ti-na, Li Băng, Qua-ta, Bê-la-rút… Các loại trái cây như thanh long, dừa, dứa, hồ đào, chuối vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Chúng ta đã và đang hình thành một số hợp tác xã (HTX) sản xuất trái cây hiệu quả và xây dựng được một số vùng chuyên canh cây ăn quả khá nổi tiếng, chủ yếu tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như dứa Tiền Giang, Kiên Giang; quýt hồng Đồng Tháp; vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang); thanh long, nho Bình Thuận…
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan thì tình hình xuất khẩu trái cây trong những tháng cuối năm 2006 giảm mạnh, chỉ đạt xấp xỉ 9 triệu USD, giảm 10% so với tháng 10-2006 (chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước). Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan vẫn là các thị trường xuất khẩu trái cây chủ yếu. Nguyên nhân khiến trái cây nước ta khó cạnh tranh với các nước trong khu vực là bởi giá vẫn còn quá cao, lại không đồng đều cả về mẫu mã và chất lượng. Ví dụ: xoài cát Hoà Lộc có giá tới 60.000 đồng/kg, sầu riêng Chín Hoá 30.000 đồng/kg, nhãn xuồng cơm vàng 30.000 đồng/kg…Trong khi đó, trái cây cùng chủng loại của Thái Lan giá thấp hơn từ 30 đến 40%. Một nghịch lý đã và đang xuất hiện ngay trên "vựa" trái cây lớn nhất cả nước đó là các loại trái cây ngoại đang lấn át hàng nội. Theo Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, tại TP Hồ Chí Minh, trong khoảng 500 tấn trái cây về chợ hàng ngày thì có đến 300 tấn là nhập khẩu, trong đó 90% lượng hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các vùng khác trên cả nước hiện vẫn còn sản xuất theo kiểu "hôm nay trồng, mai đốn bỏ", chưa có bất kỳ vùng chuyên canh nào vài trăm ha (trung bình miền Bắc khoảng 0,3 ha/hộ, miền Nam là 0,5 ha/hộ). Lượng sản xuất không ổn định, dẫn đến việc trái cây sản xuất ra nhưng chất lượng chưa cao, không đồng đều và không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện chỉ có khoảng 15- 20% trên tổng số 7 triệu tấn trái cây của cả nước đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng thư ký Hiệp hội Trái cây Việt Nam cho biết: Nhiều bạn hàng ở Mỹ, Nhật, Ô-xtrây-li-a gửi đơn đặt hàng về nhưng đáng tiếc là chúng ta không có đủ lượng trái cây đúng quy cách, đúng tiêu chuẩn mà họ yêu cầu. Từ đó rất nhiều khách hàng đã không trở lại, tình trạng thiếu nguyên liệu trong các nhà máy chế biến xảy ra như cơm bữa…
Không thể trách người nông dân nếu như họ không được quan tâm tập huấn đầy đủ, hướng dẫn kỹ thuật, huấn luyện một cách chuyên nghiệp trong canh tác và kỹ năng nắm bắt thị trường. Bị cạnh tranh khốc liệt ngay cả trên sân nhà, đến bao giờ người nông dân mới có thể tự cứu được mình, tự mình có thương hiệu và khẳng định được tên tuổi?
Liên kết để giành lợi thế cạnh tranh
Hiện phong trào trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP (Good Agriculture Practice - An toàn cho người sản xuất; người sử dụng về môi trường) đã dấy lên khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, để có được ngày càng nhiều lượng trái cây đủ tiêu chuẩn GAP thì mối liên hệ của các "nhà" là một trong những yếu tố quyết định. Vấn đề này đã được đặt ra từ lâu song chúng ta cũng mới chỉ dừng ở việc phát động là chính, các "nhà" vẫn mạnh ai nấy làm. Trong khi đó, Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc liên kết giữa bốn nhà nhưng dường như các cấp đều chưa quan tâm đúng mức, không làm hết trách nhiệm đối với nông dân nói chung và Nhà nước nói riêng.
Muốn cải thiện những nghịch lý và hiện trạng đáng lo ngại đó, cần phải tiến hành thay đổi tận gốc, biết đầu tư, điều tra thị trường, quy hoạch vùng sản xuất trái cây hàng hoá quy mô lớn. Diện tích đất canh tác của các nhà vườn rất nhỏ lẻ, nông dân khó có thể mua thêm đất để canh tác, phát triển vườn cây ăn quả. Do đó, cách giành lợi thế cạnh tranh nhanh nhất và hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay là những người nông dân phải hợp tác lại với nhau, chấm dứt tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tình trạng đầu ra liên tục lao đao vì kém chất lượng, giá thành cao, không đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Lưu Văn Nhiều, xã viên của Hợp tác xã Măng cụt Tân Thanh (Trà Vinh) cho biết: Nhờ vào HTX mà chúng tôi có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, bảo quản cây trái. Cũng chính nhờ HTX mà trái cây của chúng tôi đã có tên tuổi, xuất xứ. Hiện nay, gia đình ông Nhiều có 2,4ha măng cụt. Vụ vừa qua ông thu được trên 17 tấn quả, giá bán bình quân 14.000 đồng/kg (cho thu nhập gần 240 triệu đồng). Điều dễ thấy trong trang trại của ông Nhiều đó là do chuyên canh một loại cây, áp dụng tốt những tiến bộ khoa học kỹ thuật nên giảm chi phí sản xuất, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với những trang trại trồng nhiều loại cây.
Chủ nhiệm HTX măng cụt Tân Thanh ở xã An Phú Tân (Cầu Kè, Trà Vinh), ông Đỗ Văn Tài cho rằng: Khi nông dân gia nhập HTX sẽ có rất nhiều cái lợi, tuy chưa thể thu mua toàn bộ sản phẩm của xã viên nhưng ban chủ nhiệm đã tìm thương lái, công ty thu mua để bán sản phẩm cho bà con. Hiện nay, 1ha măng cụt của xã viên đã tăng thêm ít nhất 7 triệu đồng/năm so với trước khi vào HTX hoặc so với diện tích của các hộ dân chưa vào HTX. Gia nhập WTO nông dân chúng tôi sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách trong các thị trường lớn. Và chỉ có làm ăn hợp tác như thế này nông dân chúng tôi mới có thể cạnh tranh được với nông sản ở các nước khác…
Theo bà Võ Mai - Phó Chủ tịch HLV Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam thì "đã đến lúc chúng ta phải mạnh dạn nhìn lại những nhược điểm tồn tại nhiều năm, xoá bỏ ngay việc trồng cây theo cảm tính mà cần tập trung vào những loại cây đặc sản chủ lực, hình thành vùng chuyên canh đủ lớn để tăng tính cạnh tranh. Hiệp hội Trái cây cũng vừa thành lập tổ chức Liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây sông Tiền (GAP sông Tiền) gồm 6 tỉnh - thành ở ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh tham gia. Theo đó, tổ chức này sẽ tập trung nâng cao chất lượng, củng cố các HTX trái cây, tăng cường biện pháp kỹ thuật, giống giúp bà con sản xuất an toàn, đẩy mạnh vấn đề bảo quản và chế biến sau thu hoạch, vốn là điểm yếu lâu nay của trái cây nội".
Hiện nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chọn được 11 loại trái cây chủ lực để đầu tư như cam sành, nhãn xuồng cơm vàng, vải, dứa và sẽ có chính sách đầu tư phát triển, kêu gọi giới khoa học tham gia hỗ trợ nông dân canh tác. Tiềm năng xuất khẩu trái cây miền Nam nói riêng và cả nước nói chung sẽ sớm biến thành hiện thực nếu được các tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Đối với các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Niu Di-lân, rau quả Việt Nam vẫn chưa xuất sang được do chưa có hiệp định kiểm dịch thực vật. Vì vậy, Chính phủ cần sớm xúc tiến việc ký kết các hiệp ước này, tạo điều kiện cho trái cây, rau quả Việt Nam mở ra những thị trường mới.
T.S Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam khẳng định: Cần thay đổi cách làm để phát huy thế mạnh. Hiện nay một số tỉnh đã có quy hoạch phát triển cây ăn trái nhưng tổ chức thực hiện lại không làm đến nơi đến chốn, diện tích bao nhiêu, phát triển ở đâu, thời gian xúc tiến dự án… đều không có gì cụ thể. Nông dân chỉ còn biết thích trồng cây trái nào thì trồng rồi tự xoay xở tìm đường tiêu thụ. Ở một vài nơi, người dân không thể trông chờ sự trợ giúp của các ban ngành nên đã mạnh dạn thành lập HTX, tạo thành mối liên hệ chặt chẽ trong việc sản xuất và tiêu thụ trái cây hiệu quả. Nhưng để đưa sản phẩm ra thế giới, họ vẫn cần sự hỗ trợ của các "nhà". Tôi cho rằng, mỗi tỉnh, thành phố cần chủ động xác định 1 - 3 loại trái cây đặc sản, phát triển theo từng giai đoạn để tập trung sản xuất nhằm ổn định chất lượng và đầu ra. Chẳng hạn, phó chủ tịch tỉnh phụ trách kinh tế phải đứng ra đảm trách vai trò "tổng tư lệnh" phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái, với chương trình hành động cụ thể, bảo đảm việc tổ chức thực hiện quy hoạch một cách hiệu quả, chọn loại cây nào, hỗ trợ ra sao, người nông dân trong vùng phải chấp hành trồng loại cây trái chủ lực. Điều quan trọng là phải tổ chức tiếp thị, tìm kiếm thị trường và có sự hợp tác chặt chẽ giữa người nông dân với các ban ngành.
Minh Huệ