Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” do Bộ Công Thương xây dựng, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 25/5/2012. Dự án thực hiện thành công sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN), tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa công nghiệp trên thị trường…

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp - Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Công Thương), dự án được triển khai từ nay đến năm 2020, chia làm 2 giai đoạn: 2012-2015 và 2016-2020. Trong giai đoạn 2012-2015, sẽ biên soạn 500 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) phục vụ công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực; xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), bảo đảm quản lý 100% sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương. Giai đoạn 2016-2020, sẽ biên soạn 500 TCVN phục vụ công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực; hoàn thiện hệ thống QCVN, bảo đảm quản lý 100% sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; 100% DN sản xuất các sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng…

Cần làm rõ ai quản lý quy chuẩn hàng hóa của doanh nghiệp?

Nhiều chuyên gia đã khẳng định sự cần thiết ra đời cũng như việc nhanh chóng triển khai dự án. Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn về mục tiêu của dự án, đồng thời kiến nghị những giải pháp thực hiện.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam - lo ngại về lượng tiêu chuẩn, quy chuẩn khó có thể ban hành như mục tiêu dự án. Bởi, xây dựng tiêu chuẩn rất khó và lâu dài, có những tiêu chuẩn làm vài năm cũng chưa xong. Về quy chuẩn do cơ sở quản lý, nếu không có sự kiểm soát sẽ dẫn đến việc lợi dụng quy chuẩn. Ví dụ: Sản phẩm thịt lợn xay, có thời hạn sử dụng đến 4 năm, vậy ai quản lý quy chuẩn của DN này? Do đó, phải huy động lực lượng của toàn xã hội tham gia vào xây dựng các tiêu chuẩn như của các hiệp hội, ngành nghề. Phải có kế hoạch hàng năm và dài hạn, xem xét các điều kiện của nền kinh tế trong nước để ban hành tiêu chuẩn.

Hiện nay, số lượng DN đình đốn sản xuất và phá sản tăng cao, trong đó có không ít DN sản xuất công nghiệp. Việc thúc đẩy, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng công nghiệp là yêu cầu cấp thiết.

Theo ông Đỗ Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) - không nâng cao năng suất, chất lượng thì không thể phát triển ngành công nghiệp, nhất là trong điều kiện nền kinh tế đang tái cơ cấu. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn là chỉ tiêu cơ bản cho sản phẩm hàng hóa, cần có sự phù hợp, hài hòa, thích ứng với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến và phải “đi tắt, đón đầu”.

Ngành dệt may có đặc thù là hệ thống quản lý chất lượng phải tuân thủ, đáp ứng yêu cầu của khách hàng (chủ yếu tiêu chuẩn: ISO 9000 và 14000, GOST, REACH ). Bên cạnh hệ thống tiêu chuẩn đã có, hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật chưa được quan tâm. Trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Thông - Viện trưởng Viện Dệt may - đề nghị, nhanh chóng xây dựng quy chuẩn cơ bản cho ngành dệt may để nâng cao tính minh bạch, chất lượng hàng hóa.

TS. Chử Văn Nguyên - Trưởng Ban kỹ thuật - Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) - khẳng định: Việc triển khai dự án thực sự đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất - kinh doanh ngành công nghiệp hóa chất nói chung, DN trong Vinachem nói riêng. Để việc thực hiện dự án có hiệu quả, các DN thuộc Vinachem mong muốn nhận được sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động: tuyên truyền, quảng bá; đào tạo chuyên gia; nghiên cứu, xây dựng mô hình điểm; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, các chỉ tiêu, phương pháp đo lường.

Theo Báo Công Thương