QĐND - Theo quy định hiện hành, cứ 3 tháng một lần, ngành điện và cơ quan chức năng sẽ xem xét các yếu tố cấu thành để quyết định việc tăng, hay giảm giá điện. Giá điện được điều chỉnh lần gần đây nhất là vào 1-7. Như vậy, tới 1-10 này là vừa tròn 3 tháng. Sẽ ra sao nếu như đầu tháng 10 tới đây, giá điện sẽ được điều chỉnh (mà xu hướng tăng giá là cao hơn)?

Thuận lợi từ thủy điện, nhưng chưa đủ để giảm giá?

Trả lời câu hỏi về khả năng điều chỉnh giá điện vào đầu tháng 10, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải tính toán tổng chi phí giá thành phát điện thương phẩm đối với mỗi kWh, so sánh với kế hoạch đầu năm để đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ tương ứng.

Năm nay, mưa nhiều, lượng nước về các hồ thủy điện nhìn chung khá dồi dào, trong khi tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện giảm so với các năm trước, vì thế nhiều người hy vọng đó sẽ là lý do để hạ giá bán điện. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Rõ ràng, giá thành sản xuất của thủy điện thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất của nhiệt điện chạy dầu, chạy than, chạy khí".

Tuy nhiên, ông Đặng Huy Cường lại cho rằng: "Việc tận dụng được thủy điện trong các tháng mùa lũ không có nghĩa là sẽ giảm được giá bán điện. Vấn đề là so sánh chi phí phát điện thực tế và chi phí phát điện kế hoạch của cả năm 2012". Ông Đặng Huy Cường khẳng định, phương án giá điện 2012 sẽ phải tính cả các khâu phân phối, bán lẻ cả năm và cả yếu tố mùa khô sản lượng thủy điện thấp.

Trước những khó khăn của ngành than, gần đây, giá than bán cho ngành điện đang được Bộ Tài chính và Bộ Công Thương tính toán để tăng. Theo lộ trình, giá than bán cho điện dần dần sẽ bằng với giá thành sản xuất than như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng sẽ là một tác động đáng kể cho giá điện trong thời gian tới đây. Hiện nay, giá than bán cho điện mới chỉ bằng 50% - 60% giá thành sản xuất.

Có nên thành lập một hội đồng độc lập để thẩm định giá?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, ông cảm thấy lo lắng cho "sức khỏe" của các doanh nghiệp nếu tới đây giá điện lại tăng nữa, bởi hiện nay khó khăn đã quá nhiều. Nếu buộc phải tăng giá, ông đề nghị, kỳ này ngành điện phải giải trình rõ các chi phí sản xuất như thế nào, những cải tiến trong giảm tổn thất điện năng ra sao, rồi những cải tiến nâng cao hiệu quả quản lý?... "Theo tôi biết, tổn thất điện năng của EVN lên tới 9,5% năm 2012 và có thể tăng lên thành 9,7% vào năm 2013. Lương của nhân viên văn phòng của EVN quá cao... Phải chăng đó là những điều chưa thật sòng phẳng với người dân? Hiện nay, người dân chỉ biết mua điện của EVN, nếu không làm rõ những vấn đề này, không làm cho người dân cảm thấy thuyết phục thì họ không thể yên tâm mỗi khi ngành điện rục rịch tăng giá.", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói. Vì thế, theo ông, nên lập một hội đồng độc lập để thẩm định giá thành sản xuất điện và tất cả các yếu tố cấu thành giá điện của EVN.

Thủy điện Sơn La sắp phát điện tổ máy thứ 6 - tổ máy cuối cùng. Như vậy, tổng công suất 2400MW của nhà máy sắp được huy động hoàn toàn. Ảnh: Mạnh Hưng

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, điều khiến ông băn khoăn nhất không phải là giá tăng (mặc dù việc tăng giá sẽ có tác động tiêu cực trong thời điểm hiện nay), mà là việc tăng giá đó có hợp lý hay không? "Các chuyên gia kinh tế cũng không có đủ số liệu để đánh giá chính xác vấn đề này. Chúng ta chỉ biết ngành điện đang kêu "lỗ" và đưa ra những con số "lỗ" rất lớn. Nhưng thật khó để thẩm định vấn đề "lỗ" của ngành điện là do nguyên nhân khách quan, do giá đầu vào tăng, các chi phí sản xuất tăng, hay là do các nguyên nhân nội tại yếu kém của ngành điện?", Tiến sĩ Phong nói.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhận định, có thể hiện nay ngành điện đang phải vận hành để thu lại các khoản lỗ đã tích tụ từ những năm trước (những lúc thiếu điện đã phải vận hành các nguồn sản xuất điện từ dầu DO có giá thành cao-PV). Thế nhưng, cũng phải làm rõ rằng: Các khoản lỗ hiện còn lại là bao nhiêu? Nếu có tăng giá thì thời gian cần thiết để thu lại các khoản lỗ là thế nào?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, EVN kêu thiếu vốn đầu tư trong khi chính đơn vị này lại mang tiền đi đầu tư các lĩnh vực khác như: Khách sạn, viễn thông, nhà hàng, bất động sản, chứng khoán tràn lan và bị thua lỗ, trong khi nhiệm vụ chính của mình thì không lo nổi. Do đó, bà Lan cũng đề nghị, nên thuê các chuyên gia giám sát độc lập để xem cơ cấu giá của các ngành điện có chính xác không, hợp lý không.

 Về vấn đề minh bạch của ngành điện, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian tới đây, giá điện sẽ tiến tới mức giá thị trường, điều chỉnh minh bạch, người dân có thể kiểm tra, giám sát. Việc tăng giá, giảm giá đều phải rõ ràng. "Về mặt pháp lý đã ban hành đầy đủ, nhưng các thông tư thì vẫn còn thiếu", ông Tri nói.

Cần công bố số liệu quốc gia trong quản lý giá mặt hàng "nhạy cảm"

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đề xuất việc xây dựng một bảng số liệu quốc gia để quản lý giá các mặt hàng "nhạy cảm" như điện, xăng dầu. Bảng số liệu ấy thể hiện cập nhật tất cả các yếu tố cấu thành nên giá điện, giá xăng dầu. Số liệu ấy được công bố công khai, để từ nhà quản lý, doanh nghiệp, cho tới người dân đều được biết.                

Theo Tiến sĩ Phong, Nhà nước cần xây dựng khung giá chuẩn cho điện và xăng dầu. Khung giá này sẽ gồm giá sàn và giá trần, trong đó giá sàn là phần cứng và giá trần là phần mềm. Giá sàn chuẩn sẽ là mức giá bán tối thiểu để doanh nghiệp kinh doanh điện và xăng dầu không bị lỗ. Giá sàn sẽ chỉ gồm các chi phí sản xuất, truyền tải, tổn thất điện năng tối thiểu (đối với điện), chi phí mua nhập khẩu, lưu thông và hao hụt  định mức kỹ thuật tối thiểu (đối với xăng dầu) để có được một đơn vị điện và xăng dầu tới tay người tiêu dùng (có tính đến biến động của tỷ giá).

Giá trần = Giá sàn + phần mềm gồm: Các khoản lãi định mức của doanh nghiệp kinh doanh điện và xăng dầu, cũng như các nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách Nhà nước (như thuế, phí, và các khoản thu đặc biệt khác), do Nhà  nước quy định và linh hoạt điều chỉnh trong từng thời điểm, đối tượng cụ thể.

Khi đó, cùng với việc công bố các chỉ số, doanh nghiệp kinh doanh điện sẽ được cộng hoặc trừ thêm vào giá bán lẻ các mức tăng giảm thực tế của giá đầu vào; tỷ giá, mức thu ngân sách Nhà nước và lợi nhuận định mức, cùng các cấu thành giá đã được phê duyệt tùy theo thực tế thị trường và quy định của Nhà nước.

Hồ Quang Phương