QĐND - Chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa là ngân sách Mỹ sẽ gần như cạn kiệt và Oa-sinh-tơn sẽ không có khả năng trả nợ nước ngoài. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Nhà Trắng và phe đối lập không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới lâm vào cảnh vỡ nợ?
Theo Wall Street Journal, mức trần nợ công là giới hạn khoản vay của chính quyền liên bang Mỹ. Việc đặt ra trần nợ công cho phép Quốc hội kiểm soát chiếc ví liên bang, Quốc hội có thể sử dụng các đặc quyền theo hiến pháp để kiểm soát các khoản chi. Mức nợ trần cũng giúp tạo ra một dạng trách nhiệm về mặt tài chính, buộc Quốc hội và Tổng thống phải thực thi các hành động rõ ràng để tăng hạn mức vay nợ liên bang khi chính phủ chi nhiều hơn thu.
 |
Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma thảo luận với lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện về việc nâng trần nợ công hôm 15-10. Ảnh: AFP.
|
Hiện tại, Quốc hội Mỹ đang đặt ra mức nợ trần là 16,7 nghìn tỷ USD, tức là bằng 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, theo tạp chí American Thinker. Với mức trần này, Kho bạc Mỹ đã liên tục làm việc "trên bờ vực" kể từ ngày 18-5 vừa qua, tránh vượt mức nợ trần bằng cách xoay chuyển các nguồn vốn giữa các tài khoản khác nhau. Tuy nhiên, "chiêu trò" này sẽ không giúp Kho bạc Mỹ tránh khỏi hạn mức 16,7 nghìn tỷ USD sau ngày 17-10 (tức vào ngày hôm nay). Sau thời điểm đó, việc phát hành thêm các khoản nợ của Kho bạc Mỹ sẽ thành bất hợp pháp.
Thay vào đó, chính quyền Mỹ sẽ phải thanh toán các hóa đơn bằng khoản tiền mặt có sẵn trong kho bạc và các khoản thu từ thuế. Kho bạc Mỹ sẽ có khoảng 30 tỷ USD vào ngày 17-10. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết, khoản tiền này sẽ nhanh chóng cạn kiệt, sớm nhất vào ngày 22-10 và muộn nhất vào ngày 31-10, trừ khi Quốc hội quyết định nâng mức nợ trần. Bộ Tài chính Mỹ cũng đã cảnh báo Bộ này không còn bảo đảm rằng Mỹ có thể thanh toán tất cả các khoản nợ sau ngày 17-10 trừ phi Quốc hội quyết định nâng mức trần nợ. Nếu sau ngày 17-10, Quốc hội Mỹ không thống nhất nâng mức trần nợ công thì có nghĩa, Chính phủ Mỹ chính thức vỡ nợ.
Theo phân tích của các chuyên gia, thông thường khi một quốc gia thấy chính phủ không thể hỗ trợ cho nền kinh tế đang sa sút thì điều đầu tiên họ sẽ làm là gặp gỡ các quốc gia khác để thành lập các hiệp định thương mại nhằm thúc đẩy thương mại hoặc tìm kiếm các khoản vay từ đồng minh thân cận. Song nếu những nỗ lực trên thất bại thì quốc gia đó có nguy cơ phải đối mặt với việc thị trường chứng khoán sụp đổ và tín dụng sẽ bị đóng băng, tất cả các định chế tài chính sẽ phá sản, tất cả các chương trình có vốn chính phủ sẽ kết thúc, doanh nghiệp đóng cửa, người lao động thất nghiệp...
Hãng tin Bloomberg dự đoán, nếu Mỹ công bố vỡ nợ và không có khả năng thanh toán nợ của nước ngoài thì không chỉ nước Mỹ bị ảnh hưởng mà nền kinh tế thế giới cũng sẽ rơi vào suy thoái. Cụ thể, nếu Mỹ không còn khả năng thanh toán các món nợ, thì điều đó sẽ làm mất ổn định trên các thị trường chứng khoán, dẫn đến sự sụp đổ của đồng USD, giá vàng tăng vọt. Hệ thống tài chính với hình thức hiện nay cũng sẽ không còn tồn tại bởi công cụ chính để thanh toán trên các thị trường tài chính là các trái phiếu Mỹ. Nếu chúng biến mất thì điều đó sẽ dẫn đến sự sụp đổ của các thị trường tài chính… Hậu quả của một vụ vỡ nợ chính phủ khó có thể lường hết, nhất là với nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đóng cửa chính phủ và vỡ nợ thực ra chỉ là một vở kịch hay của giới chính trị Mỹ và rằng, Mỹ vỡ nợ là khả năng khó xảy ra.
Trong diễn biến mới nhất, các nghị sĩ hai chính đảng lớn ở Mỹ vẫn tìm cách “đá quả bóng trách nhiệm” sang nhau và không bên nào tỏ dấu hiệu nhượng bộ trước. Trên thực tế, cốt lõi của mọi vấn đề trên chính trường Mỹ hiện nay bắt nguồn từ cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa hai chính đảng mà vấn đề cắt giảm chi tiêu, tăng thuế hay cải cách chăm sóc y tế chỉ là những hậu quả trực tiếp trước mắt. Đảng Cộng hòa muốn tận dụng những khó khăn hiện nay của chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma (B.Obama) để giành lại quyền kiểm soát Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới, từ đó kiểm soát lưỡng viện Quốc hội và tạo đà cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Vì vậy, không quá khó để hiểu, vì sao việc đóng cửa lần này của chính phủ lại kéo dài và vấn đề nâng trần nợ công lại phức tạp hơn so với dự đoán.
HÙNG HÀ