Ùn tắc giao thông diễn ra phổ biến trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo nhận định chung, thì chưa bao giờ ở Thành phố Hồ Chí Minh, nạn ùn tắc giao thông (UTGT) lại xảy ra trầm trọng như bây giờ. Lãnh đạo và các sở, ngành chức năng của thành phố đã tìm ra nhiều nguyên nhân, đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng này, song vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Vậy, chống UTGT phải làm như thế nào? Đây là câu hỏi xuyên suốt buổi tọa đàm “Nói và làm” do HĐND, UBND và đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng ngày 4-5.

“Nghìn lẻ một” nguyên nhân gây ùn tắc

Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND thành phố, nêu vấn đề: “Tình trạng UTGT hiện nay khá nhức nhối, làm cho người dân rất bức xúc. Vậy thành phố chúng ta cần có những biện pháp gì để khắc phục?”. Tất cả các đại biểu tham gia buổi tọa đàm đều chau mày trước vấn đề hóc búa này.

Hệ thống giao thông quá tải, không theo kịp với sự phát triển của đô thị thì tai nạn và UTGT xảy ra là điều khó tránh khỏi. Nếu sự việc diễn ra như vậy thì cũng không cần phải bàn cãi nhiều, nhưng ý kiến của nhiều người dân lại cho rằng: “UTGT của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay còn do việc điều hành giao thông và thi công các công trình giao thông kém hiệu quả, chậm trễ”. Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nêu: “UTGT có nguyên nhân khách quan liên quan đến cơ chế, chính sách, giá cả… Nhưng nguyên nhân chủ quan là do năng lực tổ chức thực hiện các công trình cải tạo, nâng cấp giao thông của các chủ thầu rất chậm”. Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Thành phố Hồ Chí Minh), hiện nay mỗi ngày có khoảng 100 xe ô tô và 1.000 xe gắn máy được đăng ký, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kẹt xe. Từ ngày 1-10-2007 đến ngày 30-4-2008, có hơn 26.000 ô tô, xe máy được đăng ký mới. So với năm 2006, số ô tô đăng ký tăng gấp 79%, xe gắn máy tăng 6%. Đó là chưa kể khoảng gần 800.000 ô tô, xe máy ở các tỉnh khác đến.

Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu HĐND thành phố, nhận xét: “Thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương hạn chế mở đường trong nội thành, được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, đường không được mở, mà cao ốc lại được xây dựng nhiều, kéo theo hàng loạt phương tiện và người vào thành phố và góp phần làm UTGT thêm trầm trọng”. Thực tế, việc phát triển của thành phố không thể không xây thêm những cao ốc hiện đại, nhưng nếu cứ làm ồ ạt thì rất khó giải quyết vấn đề kẹt xe. Hơn thế nữa, tắc đường thường xảy ra tại trước các trường học, công sở vào giờ tan học, tan ca, nhưng lại thiếu lực lượng điều hành giao thông. Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường diễn ra khá phổ biến, làm người đi bộ phải đi xuống lòng đường, xe cộ chen lấn nhau và gây nên sự ùn tắc. Mặt khác, vào mùa mưa, nước không được thoát ngay làm cho hàng chục tuyến đường bị ngập úng và gây nên cảnh tắc đường.

Tình hình đã được cải thiện?

Phát biểu trong buổi tọa đàm, ông Trần Quang Phượng-Giám đốc Sở Giao thông công chính thành phố- lại đưa ra những con số thống kê để đánh giá: “Tình hình giảm ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) thời gian qua đã có tiến bộ rõ rệt”. Ông Phượng đưa ra con số quí 4-2007, số vụ ùn tắc giao thông tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2006, nhưng số người chết vì tai nạn giao thông là 251 người (trung bình mỗi ngày có 2,3 người chết, giảm 0,9 người so với năm 2006). Quý 1-2008, số vụ ùn tắc và TNGT giảm đáng kể. Từ ngày 1-1 đến 31-3, số vụ ùn tắc giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2007, số vụ TNGT là 232 vụ (giảm 68 vụ), số người chết vì TNGT là 216 người (giảm 51 người)… Tương tự, ông Võ Văn Vân-Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá: “Sau 7 tháng thực hiện kế hoạch số 6650 của UBND thành phố (từ 1-10-2007 đến nay), TNGT giảm 134 vụ, số người chết giảm 82, nạn ùn tắc giao thông xảy ra 16 vụ (không tăng, không giảm so với cùng kỳ những năm trước).

Trước những con số này, ông Trần Thế Tuyển-Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Đình Xê –Thư ký tòa soạn báo Người Lao Động nêu vấn đề: “Liệu thực tế hiện nay có đúng như báo cáo của Sở GTCC và Công an thành phố hay không?”. Ông Tuyển lý giải, qua theo dõi và điều tra của các cơ quan báo chí, tình trạng ùn tắc và TNGT đang diễn ra khá nhức nhối. Hiện nay, tại thành phố có 65 điểm sửa chữa đường sá, hay còn gọi là “lô cốt” giữa đường, tức là có thêm 65 điểm UTGT. Có người còn cho rằng, kế hoạch chống ùn tắc và giảm TNGT của thành phố trong quí 1-2008 đã bị phá sản. Cụ thể, số vụ TNGT trong tháng 3-2008 là 88 (tăng 54% so với tháng 2) và số người chết là 74 (tăng 42%), số người bị thương cũng tăng 138% so với tháng 2. Các giải pháp làm việc và học lệch giờ, lệch ca, phân luồng giao thông, chống lấn chiếm lòng, lề đường vẫn chưa mang lại hiệu quả tốt.

Qua theo dõi của chúng tôi, hiện tượng UTGT xảy ra khá phổ biến trên nhiều tuyến đường, nhất là ở khu vực các quận: 2, 4, 6, 9, Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân… Nói gì thì nói, UTGT vẫn là hiện tượng bức xúc mà bất cứ người dân nào của thành phố đều gặp hằng ngày.

Cần có những biện pháp hiệu quả

Theo bà Phạm Phương Thảo, trong thời gian vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều biện pháp để giảm UTGT và TNGT. Ngoài các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ở các nhà trường, các cơ quan, công sở, thành phố đã tích cực triển khai các lực lượng tham gia giữ gìn, điều hành giao thông như công an, thanh niên xung phong, bộ đội, dân phòng. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố đã tiến hành kiểm tra và đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục sửa chữa, nâng cấp hệ thống giao thông. Vừa qua, Sở GTCC đã xử phạt nhiều chủ thầu vì thi công chậm và phá bỏ các hàng rào lô cốt vì 30 ngày chưa thi công. Tuy nhiên, tình trạng UTGT vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Trước tình hình UTGT hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị khác, theo chúng tôi là phải giảm xe cá nhân và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trên đường. Thống kê của Sở GTCC Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, số xe máy hiện chiếm hơn 70% các loại phương tiện đi lại trên đường. Song muốn giảm xe cá nhân, phải làm tốt các dịch vụ vận chuyển công cộng. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có nhiều tuyến xe buýt với hàng trăm đầu xe, nhưng theo ông Lê Hiếu Đằng-Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh thì, xe buýt quá cồng kềnh, nên cũng là một yếu tố gây ra UTGT. Nhân dân cũng mong các ngành chức năng cần khảo sát kỹ từng tuyến đường để điều hành các phương tiện đi lại, vì không phải đường nào cũng ùn tắc. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông cần xử lý thật nặng những phương tiện và người vi phạm Luật Giao thông. Trong những giờ cao điểm, cần tăng cường sự có mặt của cảnh sát giao thông, thanh niên tình nguyện và các lực lượng tại các điểm nóng. Phát huy cao nhất trách nhiệm của chính quyền quận, huyện và xã, phường, thị trấn trong việc tham gia tổ chức chống ùn tắc giao thông trên địa bàn. Và một vấn đề quan trọng là phải tạo ra sự cân đối giữa sự phát triển của hệ thống giao thông với các phương tiện tham gia giao thông.

Hạn chế UTGT và TNGT, vừa thể hiện của văn minh đô thị mà còn mang ý nghĩa kinh tế-xã hội sâu sắc. Khi Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác... không còn hiện tượng UTGT, lúc đó mới có thể gọi là những thành phố văn minh, phát triển.

Bài và ảnh: LÊ PHI HÙNG