QĐND - Bị chất vấn về cái gọi là “đường 9 đoạn” tại diễn đàn Đối thoại Shangri La lần thứ 13 diễn ra ở Xin-ga-po mới đây, tướng Vương Quán Trung, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa tuyên bố: “Có người cho rằng “đường 9 đoạn” là vấn đề Trung Quốc khó giải thích với thế giới, nhưng sự thật lại không phải như vậy!”.
Vì sao? Tướng họ Vương giải thích: “Ngay từ đời Hán cách đây hơn 2000 năm, Trung Quốc đã phát hiện và dần dần thực hiện quản lý đối với Nam Hải (tức Biển Đông), nhất là với các đảo ở Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam). “Đường 9 đoạn” cũng không phải là chuyện mới. Năm 1946, sau khi giành lại quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) và Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) bị Nhật xâm chiếm trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Trung Quốc đã xác định phạm vi và tuyên bố về “đường 9 đoạn” như hiện nay vào năm 1948”.
Tướng Vương Quán Trung, dĩ nhiên, đã lờ đi cái xuất xứ mù mờ của yêu sách “đường 9 đoạn”, cũng như những “biến đổi” tùy hứng mà phía Trung Quốc đã áp dụng đối với cái yêu sách phi lý này.
Năm 1946, lợi dụng tình hình rối ren sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch cử một hạm đội gồm 4 tàu chiến do Lâm Tuân chỉ huy, tiếng là đi giải giáp quân Nhật, nhưng thực tế là đi chiếm đóng trái phép các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đoàn của Lâm Tuân có một ông quan chức thuộc Bộ Địa chất và Khoáng sản tên là Bạch Mi Sơ (Bai Meichu). Sau khi quay về, ông ta phóng bút vẽ trên bản đồ một đường đứt quãng gồm 11 đoạn, hình giống cái lưỡi bò, “liếm” khoảng 80% diện tích của Biển Đông, mà không có bất cứ một lời giải thích nào về luật pháp và thực tiễn làm cơ sở cho việc vẽ nên cái “lưỡi bò” khổng lồ này cả; đến tháng 2-1948, Trung Hoa dân quốc cho xuất bản một tấm bản đồ phỏng theo đường phóng bút của ông Bạch Mi Sơ!
Đến khi Tưởng Giới Thạch thua trận và phải rút ra Đài Loan, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp quản và cho ấn hành bản đồ, trong đó “đường lưỡi bò” được thể hiện giống như trong bản đồ trước đó của ông Bạch Mi Sơ.
Đây chính là cái “cơ sở” cho việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với tất cả các đảo và vùng nước xung quanh các đảo nằm trong “đường lưỡi bò”!
Có thể dễ dàng nhận thấy sự tùy tiện trong việc vạch ra cái “đường lưỡi bò” đòi chủ quyền phi lý này ở chỗ nó chỉ là một đường vẽ phóng tác của một ông quan chức, không hề có tọa độ. Nói như ông Lý Lệnh Hoa, một học giả Trung Quốc tại Hội thảo “Tranh chấp Biển Đông, chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” do Viện Nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com tổ chức, thì đó là một “con đường hư ảo, không hề có kinh độ, vĩ độ, cũng chẳng có căn cứ pháp lý”.
Sự tùy tiện còn thể hiện khá hài hước ở chỗ sau năm 1949, các bản đồ do Trung Quốc vẽ “đường lưỡi bò” gồm 11 đoạn. Đến năm 1953, không có bất cứ lời giải thích nào, trên các bản đồ của Trung Quốc, đường 11 đoạn rút xuống còn 9 đoạn, bớt đi 2 đoạn ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (có lẽ do thấy chướng quá!).
Tháng 1-2013, Tập đoàn Xuất bản bản đồ Trung Quốc (Sinomap Press) phát hành bản đồ, lúc này, “đường 9 đoạn” lại được thêm vào một đoạn nữa, thành 10 đoạn! Đoạn thứ 10 này bao bên ngoài Đài Loan và vươn tới gần hòn đảo cực tây của Nhật Bản là đảo Yonaguni!
Nhìn lại, thấy “lịch sử” những “đường 11 đoạn”, “đường 9 đoạn” rồi “đường 10 đoạn” phi lý trên Biển Đông của Trung Quốc có vẻ như “sử đời nhà… tùy”, không phải là nhà Tùy trong chính sử Trung Quốc, mà là “tùy tiện” vẽ ra và “tùy thuộc” vào tham vọng lãnh thổ theo từng giai đoạn của phía Trung Quốc.
Một thứ “lịch sử” kỳ quái!
GIANG MINH