QĐND - Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tạm dừng cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước, vấn đề này lại tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây. Không khó để nhận ra rằng, thực trạng của hoạt động cấp phép và khai thác khoáng sản ở nước ta từ lâu đã tồn tại nhiều bất ổn. Theo ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý thì cần có những biện pháp quyết liệt để tăng cường quản lý, lập lại trật tự trong lĩnh vực kinh tế then chốt này.
Khai thác khoáng sản tràn lan
Trong một thời gian dài, việc khai thác khoáng sản rồi xuất khẩu thô đã có những đóng góp tích cực đối với nền kinh tế nước ta, trở thành một động lực quan trọng giúp đất nước thoát ra khỏi đói nghèo. Cùng với đó những hoạt động điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản trên cả nước đã mở rộng, trữ lượng nhiều loại khoáng sản của Việt Nam nằm trong tốp đầu thế giới. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) từ năm 1996 đến hết năm 2008, Bộ Công Thương (trước đây là Bộ Công nghiệp) và Bộ TN và MT đã cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép chuyển nhượng, thừa kế tổng cộng 928 giấy phép hoạt động khoáng sản, trong đó có 571 giấy phép thăm dò và 353 giấy phép khai thác. Về phía địa phương, UBND cấp tỉnh đã cấp đến 3.882 giấy phép khai thác và 331 giấy phép thăm dò khoáng sản tính đến tháng 6-2009. Sự nở rộ của hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản cộng với nhiều đầu mối quản lý đã dẫn đến hệ lụy là tình trạng khai thác tràn lan, khó kiểm soát. “Một trong những điểm mấu chốt là ngành khoáng sản không theo kịp với sự chuyển mình của kinh tế đất nước, khi nước ta đã thoát khỏi đói nghèo, đã “khỏe” lên thì ngành khoáng sản vẫn tiếp tục con đường khai thác để xuất thô mà chưa thể chuyển sang chế biến tinh, sâu”- ông Phạm Quang Tú, Giám đốc Văn phòng hỗ trợ tư vấn, phản biện và giám định xã hội (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đánh giá. Theo ông Phạm Quang Tú, những điểm yếu nhất trong hoạt động khai thác khoáng sản thời gian qua là đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thấp, lãng phí tài nguyên bởi xuất thô quá nhiều, để lại nhiều hậu quả môi trường trong khi nguồn lợi chủ yếu lại về tay doanh nghiệp, Nhà nước và người dân thu được rất ít.
 |
Khai thác than tại Quảng Ninh.
|
Báo cáo tổng kết 13 năm kể từ khi Luật Khoáng sản ra đời (1996) đến trước khi được sửa đổi năm 2010, Bộ TN và MT cũng chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập của hoạt động khoáng sản, từ việc chưa chú trọng đến chế biến sâu, trữ lượng một số mỏ đang cạn kiệt cho đến hoạt động khai thác thủ công, nhỏ lẻ, nguồn thu cho ngân sách Nhà nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý, nhất là tại các địa phương lại quá sơ sài, chồng chéo và chưa có ràng buộc về trách nhiệm trong quá trình khai thác.
Đến thời điểm này, khi Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2010 đã chính thức có hiệu lực từ 1-7-2011, nhưng có thể thấy việc chấn chỉnh hoạt động khoáng sản vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN và MT), đến ngày 31-8-2011, tổng số giấy phép khai thác khoáng sản của 51 tỉnh, thành phố trên cả nước đã cấp là 3.899 giấy phép và con số này còn nhiều hơn thời điểm năm 2009. Trong khi đó, số liệu tính đến ngày 30-6-2011, Bộ TN và MT và Bộ Công Thương cấp 659 giấy phép khai thác và 768 giấy phép thăm dò khoáng sản, chỉ tính riêng từ đầu năm 2006 đến nay, số giấy phép khai thác được cấp là gần 300 và giấy phép thăm dò là 429. Với số lượng giấy phép được cấp rất lớn như vậy, Thủ tướng Chính phủ bên cạnh chỉ đạo dừng cấp phép mới từ 30-8-2011 đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải báo cáo thực trạng, nêu rõ mặt được, chưa được và biện pháp chấn chỉnh tăng cường quản lý. Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, phải dừng cấp mới để kiểm tra xem giấy phép nào đang hoạt động thực sự, thống kê công suất, sản lượng khai thác khoáng sản tại các địa phương. “Chúng tôi đã triển khai và thời gian tới sẽ làm mạnh mẽ việc thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản để lập lại kỷ cương. Tổng cục đã có quyết định thành lập 10 đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế” - ông Nguyễn Văn Thuấn cho biết. Bên cạnh đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cũng kiến nghị tiếp tục cho cấp phép đối với một số loại, nhóm khoáng sản như than, nguyên liệu xi măng, và cho phép ký giấy phép với các hồ sơ tiếp nhận trước ngày 30-6-2011 đã đủ điều kiện. Mặc dù vậy, những kiến nghị này vẫn chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, để thật sự chấn chỉnh được hoạt động khoáng sản còn cả một chặng đường dài.
Cần một chiến lược khoáng sản xứng tầm
Theo đánh giá của ông Phạm Quang Tú, Luật Khoáng sản vừa được ban hành năm 2010 đã nhận diện được những vấn đề bất cập của ngành, tuy nhiên, từ Luật đến cuộc sống là một khoảng cách lớn và một hành trình dài. Đến nay, hơn 2 tháng sau khi Luật có hiệu lực nhưng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật vẫn đang ở dạng dự thảo. Cùng với đó, Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, một trong những nội dung cụ thể hóa của Luật cũng đang là dự thảo để xin ý kiến. Sau chiến lược khoáng sản còn phải có quy hoạch tổng thể rồi quy hoạch từng ngành, từng địa phương và một loạt công việc dưới Luật cần phải làm. Điều đó càng dấy lên lo ngại về việc Luật chậm đi vào cuộc sống trong khi khoáng sản vẫn đang được khai thác hằng ngày.
 |
Khai thác quặng apatit tại Lào Cai.
|
Dự thảo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra mục tiêu sẽ chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản có công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường; đầu tư thăm dò, khai thác ở nước ngoài một số loại khoáng sản có nhu cầu sử dụng nhưng còn thiếu hoặc không có trong nước. Ngoài ra, cũng sẽ xây dựng chính sách bảo vệ, sử dụng hợp lý và dự trữ nguồn tài nguyên khoáng sản đáp ứng nhu cầu lâu dài, thu hồi triệt để khoáng sản, đặc biệt đối với quặng nghèo, bảo đảm tiết kiệm, hợp lý đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Việc xuất khẩu khoáng sản phải theo nguyên tắc cân đối, bảo đảm nhu cầu sản xuất trong nước và phù hợp với từng thời kỳ. Tham gia ý kiến về chiến lược này, ông Phạm Quang Tú cho rằng, cần phải có chiến lược khoáng sản mang đúng tầm của chiến lược, nghĩa là phải đạt được tầm bao quát, định vị được ngành khoáng sản đang ở đâu và sẽ ở đâu trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, khai thác lên xem như không còn nữa, vì thế theo nhiều ý kiến chuyên gia, chúng ta không có lý do gì để vội vàng, nên hoàn thiện những văn bản pháp lý cần thiết, công cụ quản lý hữu hiệu trước khi có những quyết định tiếp theo. Một khi chưa đưa lên khỏi lòng đất, khoáng sản vẫn là tài sản dự trữ quốc gia, không chỉ dùng cho hôm nay mà còn để lại cho con cháu.
Một số định hướng về thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trong dự thảo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030:
Đối với than, thăm dò, làm rõ tài nguyên xác định đến chiều sâu âm 550m đối với các mỏ than ở Quảng Ninh, Thái Nguyên, Quảng Nam, một số khu vực ở Đồng bằng sông Hồng. Hoàn thành thăm dò titan - zircon tại Ninh Thuận và Bình Thuận, xác định khoảng 150 triệu tấn khoáng vật nặng có ích; bauxit ở Tây Nguyên, Bình Phước; đất hiếm ở Lai Châu, Yên Bái… Xây dựng công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, titan - zircon, đất hiếm tập trung, quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Thăm dò mở rộng đánh giá tổng trữ lượng quặng apatit; đá vôi trắng, cát thủy tinh, đá ốp lát, nguyên liệu xi măng… và xây dựng cụm công nghiệp khai thác, chế biến tập trung, quy mô lớn.
|
Đỗ Mạnh Hưng