Vận chuyển phân đạm xuống sà lan. Ảnh: TTXVN-(HÀ THÁI)

Chiều 3-4, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI đã tổ chức Hội nghị lần thứ 11 mở rộng, góp ý kiến với Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận xét: Các ý kiến hết sức tâm huyết, đầy trách nhiệm, thẳng thắn và thân tình, thể hiện rõ quyết tâm cùng Chính phủ giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh kiềm chế lạm phát.

Hội nghị đã thông qua Lời kêu gọi toàn dân tham gia vào cuộc vận động rộng lớn này.

Thực hiện tốt các giải pháp sẽ ổn định được tình hình

Chuẩn bị cho Hội nghị, từ buổi sáng, đã có một cuộc họp nghe báo cáo tình hình và góp ý kiến. Buổi chiều, do thời gian có hạn nên không có nhiều ý kiến, song chừng ấy cũng đủ để các thành viên của Mặt trận thể hiện rõ sự đồng tình với các giải pháp của Chính phủ.

Xác định đây là cuộc thử thách lớn về quản lý, điều hành nền kinh tế, Giáo sư Vũ Đình Bách, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng lạm phát do nhiều nguyên nhân, nên phải có những giải pháp cụ thể hơn nữa. Ông nói: Nhân dân không quan tâm mấy đến vấn đề lớn mà thường chú tâm vào những gì gần gũi cuộc sống, nhất là giá cả. Mà giá cả thì tăng nhanh quá. Tôi thường đi xe ôm từ nhà lên đây để họp hành, năm 2006 chỉ mất 6 nghìn đồng, năm 2007 là 8 nghìn đồng còn lúc này là 15 nghìn đồng. Giáo sư cũng tâm sự rằng nhiều vấn đề cả lý luận cũng như thực tiễn chưa được rõ ràng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, thấy các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và ngoài nước mâu thuẫn với nhau khi phân tích, dự báo tình hình và đề xuất giải pháp. Do đó cần có cái nhìn tổng thể, không khéo thì biện pháp này có thể triệt tiêu biện pháp khác. Vì vậy nên có các chương trình tổng kết kinh tế vĩ mô thời gian qua, cả mô hình nền kinh tế để có cách xử lý phù hợp.

Giáo sư Lương Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật của Mặt trận, khẳng định: Kỷ luật hành chính là vấn đề hệ trọng, cần đề cao, siết chặt từ trên xuống dưới, không một cấp nào, địa phương nào được phép làm trái. Ai vi phạm, cấp nào vi phạm cũng phải xử lý nghiêm khắc. Không giữ nghiêm thì sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế và giảm hiệu quả của cuộc đấu tranh kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường. Phải luôn tâm niệm: Kỷ luật, kỷ luật và kỷ luật trong mọi hoạt động. Nhưng trong điều hành thì lại rất cần linh hoạt, điều chỉnh kịp thời, còn cứng nhắc thì cũng dễ gây nguy hiểm.

Ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội công thương thành phố Hà Nội nêu một thực tế: Năng lực quản trị doanh nghiệp là tiềm năng lớn nhất, có nơi, có lúc có thể thi thố với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, đầu tư của doanh nghiệp phải căn cứ vào năng lực và kinh nghiệm của mình, có nghĩa là sở trường và thế mạnh riêng có. Thế nhưng lại có tình trạng có những doanh nghiệp đầu tư tràn lan, dồn nhiều vào lĩnh vực sở đoản hoặc hầu như không có kinh nghiệm gì. Tôi kinh doanh bất động sản ngay từ thời gian đầu mà nay không dám huênh hoang, rất thận trọng trong đầu tư. Trong khi nhiều anh không hiểu gì mấy cứ nhảy vào ào ào, “chết đầu nước” là phải. Không thể “tham bát bỏ mâm” nhưng căn cứ là gì? Ông đặt câu hỏi và cũng tự trả lời: Không nên định tỷ lệ bắt buộc đầu tư ngoài chuyên môn chính của doanh nghiệp, vì có thể có doanh nghiệp đầu tư đến 50% tổng vốn mà vẫn lãi thì không cần giới hạn (chỉ được 30%) như quy định; ngược lại, nếu đầu tư chỉ 10% thôi mà lỗ vốn thì cũng không cho đầu tư.

Ông Lý Ngọc Minh, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế của Mặt trận, đề nghị: Tiền của bà con Việt kiều gửi về hầu như không được đầu tư vào sản xuất. Nên có cách vận động đưa lượng tiền này vào làm vốn với sự đầu tư đúng hướng, phân biệt rõ ngắn hạn và dài hạn, mức ưu đãi, hiệu quả...

Ông Cư Hòa Vần, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc nhận xét, thường xuyên Mặt trận và Chính phủ phối hợp hoạt động theo quy chế, trong tình hình hiện nay, phải cùng nhau ổn định tình hình. Tiết kiệm là một giải pháp hết sức quan trọng nhưng với dân thì họ tự lo là chủ yếu, nên cần tập trung vào khu vực nhà nước, chi tiêu bằng ngân sách nhà nước. Chỉ cần tặc lưỡi, “thông cảm” hoặc nể nang là làm Nhà nước mất đi hàng tỷ, chục tỷ đồng qua các dự án, công trình. Cán bộ, công chức, nhất là những người có chức, có quyền phải nêu gương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh với cách nói khúc chiết, rõ ràng đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm trong chỉ đạo, điều hành. Không đơn thuần chạy theo chỉ số tăng trưởng kinh tế, nếu không bền vững, lại ảnh hưởng đến đời sống nhân dân thì đạt mức cao mà làm gì... Bây giờ cần tập trung toàn lực vào kiềm chế lạm phát, cũng chưa cần định ra tăng trưởng cả năm nay là bao nhiêu. Có một tư duy cần thay đổi là định sẵn chỉ số lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Với các nước phát triển, họ chỉ tăng trưởng kinh tế vài ba phần trăm một năm, định chỉ số lạm phát theo tốc độ tăng trưởng là đúng. Còn chúng ta, nhiều địa phương có mức tăng trưởng tới 15-20%, lạm phát cũng đẩy lên gần như thế sẽ là vô lý. Về hoạt động của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, đồng chí nói thẳng: Tôi xem báo thì thấy anh Lê Đức Thúy nói phải ba tháng nữa Ủy ban mới hoạt động được, do thiếu nhân sự. Trong khi Ủy ban này cần hoạt động ngay, tốt nhất là từ tuần sau. Còn đợi ba tháng nữa thì lạm phát đến đâu mất rồi, ai biết được. Đồng chí khẳng định: Tôi đọc kỹ những chủ trương, giải pháp mà Thủ tướng nêu lên, thế là đầy đủ, rõ ràng, đúng đắn. Qua đó tôi cũng nhận thấy Thủ tướng đã tiếp thu nhiều ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước. Nếu có sự chỉ đạo tập trung, kiên quyết và nhất quán của Trung ương Đảng, Chính phủ thì nhiều khả năng chúng ta sẽ làm chuyển biến được tình hình. Đến thời gian nào thì còn tùy thuộc diễn biến tình hình thế giới, trong nước và hiệu quả triển khai của chúng ta. Nhưng tôi đề nghị Mặt trận Tổ quốc bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ, cùng Thủ tướng và Chính phủ vượt qua khó khăn này.

Mặt trận và Chính phủ vào cuộc đấu tranh mới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ cảm ơn những ý kiến hết sức tâm huyết, đầy trách nhiệm, thẳng thắn và thân tình, thể hiện rõ quyết tâm cùng Chính phủ giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh kiềm chế lạm phát.

Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội nghị này và cũng đề nghị Mặt trận cùng các tổ chức thành viên tiếp tục tham gia ý kiến về tình hình kinh tế- xã hội của đất nước và các giải pháp đề ra. Phối hợp cùng các ngành, các cấp tổ chức triển khai các quyết định về hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, ngư dân giảm bớt khó khăn do thiên tai, giá cả tăng; chính sách tín dụng với hộ nghèo và học sinh, sinh viên... Phát huy vai trò Mặt trận, các thành viên, thanh tra nhân dân, cộng đồng dân cư trong giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách, chi tiêu ngân sách trong từng ngành, từng cấp; giám sát đầu tư xây dựng cơ bản các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn từng địa phương, từ quy hoạch, kế hoạch đến thi công, quản lý, sử dụng công trình. Kêu gọi người Việt Nam ở nước ngoài góp phần phát triển kinh tế đất nước, huy động nguồn vốn, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý. Động viên toàn dân tham gia cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất- kinh doanh, tiêu dùng...

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam-Huỳnh Đảm, đọc toàn văn dự thảo Lời kêu gọi và được Hội nghị thông qua.

Lời kêu gọi như một bằng chứng thể quyết tâm của cả hệ thống chính trị đưa đất nước ra khỏi khó khăn, thách thức từ lạm phát và giá cả tăng. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi các tổ chức thành viên, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, thực hiện 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đề ra; chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, chăm lo các gia đình chính sách và các hộ nghèo đặc biệt khó khăn; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Niềm tin từ Hội nghị và toát ra từ Lời kêu gọi thôi thúc người người, nhà nhà đồng tâm, hiệp lực cùng Đảng, Nhà nước vượt qua khó khăn trước mắt, thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2006- 2010.

VIỆT ÂN