Không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời một số chủ trương, đường lối của Đảng nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: PHẠM THẮNG 

Chính phủ cũng đã phân loại các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW cần được thể chế hóa. Theo đó, Chính phủ đề xuất dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

Đáng chú ý là các quy định về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, dự thảo nghị quyết xây dựng về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hướng: Không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp; ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp; miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật. Chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG 

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; tán thành với phạm vi điều chỉnh và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội như Chính phủ đề xuất.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho riêng các doanh nghiệp thuộc loại hình kinh tế tư nhân, để bảo đảm tương thích với những điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tránh vi phạm nguyên tắc về "đối xử quốc gia" và cam kết về mua sắm công.

Nhà nước kiến tạo thay vì kiểm soát

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Việc xây dựng Nghị quyết rất cấp bách, khẩn trương. Ngày 4-5-2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân; sau 10 ngày (ngày 14-5-2025), Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để xem xét vấn đề này trước khi trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan rà soát để xây dựng dự thảo Nghị quyết gọn, rõ, tập trung vào những nội dung đột phá, mới trong phát triển kinh tế tư nhân, nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công, thúc đẩy hợp tác công tư, đặt hàng doanh nghiệp. Đặc biệt, hỗ trợ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong...

Bên cạnh đó, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật, không chỉ các luật đã ban hành mà cả các luật đang sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ chín, như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo... Các luật này cũng đang được xem xét sửa đổi, bổ sung toàn diện hoặc một số điều, do đó cần rà soát cụ thể bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Trong xây dựng dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải thay đổi tư duy: Nhà nước kiến tạo thay vì kiểm soát; tư duy điều hành cần chuyển từ "quản lý - kiểm soát" sang "kiến tạo - phục vụ". Nhà nước không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không can thiệp quá sâu vào vận hành của doanh nghiệp. Sự bảo đảm về pháp lý và hỗ trợ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo chính là cách Nhà nước đồng hành cùng tư nhân trên hành trình phát triển.

 Quang cảnh phiên họp.

Nhấn mạnh, bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện Nghị quyết là rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các chính sách về: Đầu tư hạ tầng, hỗ trợ tiền thuê lại đất cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ tài chính, tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; giảm nguồn thu ngân sách từ các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân... đều đòi hỏi nguồn lực tài chính để thực hiện rất lớn. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ các đối tượng, điều kiện thụ hưởng chính sách, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chính sách trong thực tiễn.

Phát biểu sau đó, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra rà soát thật kỹ lưỡng và tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết để đảm bảo tính khả thi, triển khai được ngay sau khi ban hành. Đây là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm, Chính phủ sẽ ban hành chương trình hành động với nhiều nội dung cụ thể hơn nữa.

VŨ DUNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.