Quyền lợi của người lao động theo luật pháp địa phương

Hiện có khoảng 8 vạn người Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc). Đây là một thị trường lao động phù hợp và mức thu nhập cũng hấp dẫn nên thu hút nhiều lao động Việt Nam tới làm việc. Tuy nhiên không ít người do không hiểu được pháp luật Đài Loan nên đã vi phạm và bị trục xuất về nước, gây thiệt hại kinh tế cho cả đôi bên.

Nhằm giúp bạn đọc hiểu được vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc làm việc với ông Trần Huệ Trung, Bí thư Phòng hình sự quốc tế, Phó giám đốc Cảnh sát INTERPOL Đài Loan. Ông Trung cho biết: Chính quyền Đài Loan rất quan tâm đến người lao động Việt Nam, thường xuyên tư vấn, hỗ trợ pháp lý và giúp đỡ về mọi mặt cho công dân Việt Nam mới đến Đài Loan lao động để họ yên tâm làm việc tốt, bảo đảm đúng những cam kết theo hợp đồng lao động đã được ký kết. Đặc biệt, pháp luật Đài Loan quy định rất rõ về quyền lợi được hưởng của người lao động trong thời gian làm việc có thời hạn tại Đài Loan như: Tiền lương do hai bên chủ thuê và người lao động tự thương lượng định đoạt. Nếu được thuê làm ở các đơn vị sự nghiệp phù hợp áp dụng theo Luật Lao động tiêu chuẩn của Đài Loan, thì tiền lương không đuợc thấp hơn mức căn bản theo Hợp đồng lao động ký kết giữa hai bên chủ thuê và người lao động. Nếu được thuê làm ở các đơn vị sự nghiệp phù hợp áp dụng theo Luật Lao động tiêu chuẩn của Đài Loan, thời gian làm việc bình thường hằng ngày không được vượt quá 8 tiếng đồng hồ. Khi làm thêm giờ, phải thực hiện theo qui định của Luật đó. Người làm việc liên tục 4 tiếng đồng hồ, ít nhất phải có 30 phút nghỉ ngơi. Nhưng đối với những người lao động làm việc theo chế độ luân phiên đổi ca hoặc các công việc có tính liên tục hoặc tính khẩn cấp, chủ thuê phải sắp xếp thời gian nghỉ ngơi cho người lao động trong thời gian làm việc. Nếu được thuê làm ở các đơn vị sự nghiệp phù hợp áp dụng theo Luật Lao động tiêu chuẩn của Đài Loan, cứ 7 ngày làm việc thì ít nhất phải có một ngày nghỉ. Các ngày lễ kỷ niệm, ngày quốc tế lao động và các ngày được nghỉ theo qui định của cơ quan chủ quản đều được nghỉ, gọi là ngày nghỉ lễ, nhưng phải do hai bên chủ thuê và người lao động thương lượng điều chỉnh ngày nghỉ lễ. Đối với những người lao động làm việc liên tục một thời gian nhất định cho cùng một chủ thuê hoặc cùng một đơn vị sự nghiệp, hằng năm sẽ có ngày nghỉ phép đặc biệt theo qui định điều 38 trong Luật Lao động tiêu chuẩn của Đài Loan. Tiền lương của các ngày nghỉ theo qui định và các ngày lễ kể trên do chủ thuê chi trả. Ngoài ra, việc nghỉ phép do đám cưới, đám tang, có việc riêng, bị đau ốm hoặc nghỉ phép công do tai nạn, do bị bệnh, thì thực hiện theo qui tắc xin nghỉ phép của người lao động.

Ảnh minh họa

Tất cả lao động nước ngoài được cấp thẻ cư trú ngoại kiều, đều phải tham gia việc mua bảo hiểm y tế toàn dân. Nộp tiền bảo hiểm y tế toàn dân hằng tháng thì được hưởng quyền lợi y tế toàn dân. 

Khi người lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc thì được Cục Đào tạo nghề trực thuộc Ủy ban lao động Đài Loan thành lập trạm phục vụ lao động nước ngoài tại sân bay quốc tế của Đài Loan là nhà ga sân bay quốc tế Đào Viên và nhà ga sân bay quốc tế Cao Hùng cung cấp phục vụ đón máy bay, hướng dẫn lao động khi xuất cảnh tại sân bay và hỗ trợ cung cấp phục vụ cho người  lao động tạm thời ngủ lại. Trong thời gian làm việc tại Đài Loan, nếu có tranh chấp về mặt quyền lợi lao động, thì có thể trực tiếp tìm đến Cơ quan chủ quản hành chính lao động của chính quyền, nơi người lao động làm việc để xin giúp điều đình dàn xếp giải quyết hoặc gọi điện thoại miễn phí của Ủy ban lao động Đài Loan dành riêng cho lao động nước ngoài để khiếu nại. Cũng có thể xin phục vụ khiếu nại tại trạm phục vụ lao động nước ngoài tại hai sân bay quốc tế của Đài Loan (đã nêu ở trên). Khi xảy ra tranh chấp giữa người lao động với các cơ sở kinh doanh về sản phẩm hoặc phục vụ, người tiêu dùng có thể khiếu nại với doanh nghiệp, đoàn thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc trung tâm phục vụ người tiêu dùng, các chi nhánh trung tâm trực thuộc, hoặc gọi điện thoại theo số 1950 ở bất cứ đâu tại Đài Loan. Ngoài ra, người lao động cũng có thể truy cập vào trang web bảo vệ người tiêu dùng toàn dân của Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng (www.cpc.gov.tw) để tìm hiểu thông tin mới nhất về các án lệ tranh chấp về tiêu dùng.

Xử phạt nặng những lao động bỏ trốn

Lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại Đài Loan ngoài việc nhận thu nhập tiền lương, còn được hưởng sự bảo đảm hợp lý về quyền lợi lao động có liên quan. Nếu trong thời gian làm việc tại Đài Loan, người lao động không vi phạm pháp luật Đài Loan, xuất cảnh vì chấm dứt quan hệ hợp đồng lao động hoặc mãn thời hạn cho phép làm việc, hoặc vì kiểm tra sức khỏe không đạt yêu cầu, về nước điều trị khỏi bệnh và tái khám lại đạt yêu cầu, sau khi xuất cảnh 01 ngày thì người lao động có thể làm thủ tục xin Visa tái nhập cảnh vào Đài Loan làm việc. Thời gian người lao động làm việc tại Đài Loan, tính dồn lại không được vượt quá 9 năm. Theo qui định tại điều 73 và điều 74 của “Luật dịch vụ việc làm”, lao động nước ngoài liên tục bỏ làm, mất liên lạc 3 ngày sẽ bị huỷ bỏ giấy phép thuê lao động, và phải xuất cảnh khỏi Đài Loan theo thời hạn qui định, không được phép làm việc tại Đài Loan nữa. Lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp trong thời gian bỏ trốn sẽ bị xử phạt từ 3.000 Đài tệ đến 15.000 Đài tệ. Lao động nước ngoài bỏ trốn sẽ bị truy bắt vào bất cứ lúc nào và trục xuất về nước, đồng thời không được quay lại Đài Loan làm việc với bất kỳ lý do gì. Nếu người lao động có sự nghi ngại quyền lợi của mình bị xâm hại trái phép trong thời gian làm việc tại Đài Loan, thì cần tìm đến Ủy ban lao động để được hỗ trợ. Nếu bỏ trốn bất hợp pháp, lẩn trốn để làm việc trá hình ở bất cứ nơi nào, người lao động rất dễ bị chủ thuê hoặc công ty môi giới bất hợp pháp khống chế, bị lợi dụng, bị bóc lột và bị ức hiếp. Họ đều không được bảo đảm về y tế, đời sống hoặc việc làm, khi bị thương hoặc bị đau ốm cũng không được bảo hiểm lao động và bảo hiểm y tế, không thể khám, chữa bệnh theo con đường bình thường, khi bị áp bức khó được bảo đảm nhân quyền căn bản của mình. Ủy ban lao động kêu gọi người lao động, nếu xảy ra tình trạng bỏ trốn mất liên lạc, đề nghị tự động liên hệ với các đơn vị như: Đội chuyên cần của Nha nhập xuất cảnh và di trú tại các địa phương; Cơ quan cảnh sát tại các địa phương; Các cơ quan đại diện của nước cung ứng lao động nước ngoài tại Đài Loan; Trung tâm phục vụ tư vấn lao động nước ngoài tại các huyện thị; đường dây miễn phí dành cho lao động nước ngoài khiếu nại tố của Cục đào tạo nghề trực thuộc Ủy ban lao động, Trạm phục vụ tư vấn và khiếu nại dành cho lao động nước ngoài tại sân bay quốc tế Đài Loan. Để ngăn chặn vấn đề xã hội nảy sinh ra bởi tình trạng làm việc bất hợp pháp và bảo đảm quyền lợi làm việc của người lao động nước ngoài hợp pháp, người sử dụng lao động bỏ trốn bất hợp pháp, sẽ bị phạt nặng nhất 750.000 Đài tệ.

 Những lao động nước ngoài xin visa nhập cảnh từ ngày 09-11-2001 phải ký “Bản cam kết về chi phí và tiền lương của người nước ngoài đến Đài Loan làm việc”, phải viết rõ và viết đúng về các chi phí liên quan đến khoản tiền phải nộp và tiền lương được lĩnh khi đến Đài Loan làm việc, sau khi bản cam kết này được Cơ quan chủ quản của nước xuất khẩu lao động xác nhận, lao động nước ngoài xuất trình bản cam kết khi làm thủ tục xin visa nhập cảnh, và do chính người lao động nước ngoài mang đến Đài Loan giao cho chủ thuê để xin giấy phép thuê lao động. Công ty môi giới cần phải theo pháp luật nộp cho Ủy ban lao động giấy bảo đảm tiền ký quỹ 1 triệu đến 3 triệu Đài tệ của ngân hàng cấp cho để làm sự bảo đảm trách nhiệm dân sự. Nếu lao động nước ngoài và công ty môi giới xảy ra nợ nần về quyền của chủ nợ dân sự, có thể theo con đường dân sự, trong thời hạn giấy bảo đảm tiền ký quỹ có hiệu lực, Ủy ban lao động còn chưa chấm dứt trách nhiệm bảo đảm, và sau khi được danh nghĩa chấp hành quyền của chủ nợ dân sự, xin gánh thay trách nhiệm bảo đảm với ngân hàng đã cấp giấy bảo đảm tiền ký quỹ.

 Theo Luật lao động tiêu chuẩn của Đài Loan thì trong hợp đồng lao động có thể qui định rõ việc làm được trả tiền lương bằng hiện vật. Do vậy, Ủy ban lao động đã tham khảo về tiêu chuẩn, chi phí ăn ở hằng tháng mỗi người tại Đài Loan, đồng thời cân nhắc tới quyền lợi của người lao động nước ngoài, và tôn trọng cơ chế thị trường, lấy mức 4.000 Đài tệ mỗi tháng để làm mức tham khảo cao nhất cho chi phí ăn ở bao gồm tiền lương của lao động nước ngoài, do hai bên lao động và chủ thuê thỏa thuận quyết định, đồng thời phải viết rõ trong bản hợp đồng lao động. Qui định trên không phù hợp áp dụng Luật Lao động tiêu chuẩn đối với lao động nước ngoài làm công việc khán hộ công và giúp việc trong gia đình, hai bên người lao động và chủ thuê cần phải quy định rõ trong hợp đồng lao động, để bảo vệ quyền lợi của cả hai bên. Đối với lao động nước ngoài hiện đang làm việc tại Đài Loan, đã ký hợp đồng với chủ thuê miễn phí ăn ở, trong thời gian hợp đồng còn tiếp tục, chủ thuê không được đơn phương thay đổi điều kiện lao động. Nếu có nhu cầu thay đổi, vẫn phải được hai bên lao động và chủ thuê thỏa thuận đồng ý rồi sau đó mới được thay đổi.

Thuế và nghĩa vụ nộp thuế

Khi chủ thuê trả tiền lương cho người lao động, phải kèm theo bảng lương chi tiết có cả tiếng Trung lẫn tiếng Việt, có ghi rõ vào các mục như tiền lương, mục tính tiền lương, tổng số tiền lương, số tiền và các mục phải khấu trừ, giao cho người lao động ký nhận, bảng lương này phải được bảo quản để đối chiếu khi có nhu cầu. Nếu trong cùng một năm nộp thuế từ ngày 1-1 đến ngày 31-12, người lao động hợp pháp làm việc và cư trú chưa đủ 138 ngày, thì với tư cách là “người không cư trú” phải nộp thuế thu nhập là 20% tổng mức thu nhập tiền lương của mình. Nếu người lao động làm việc và cư trú đủ 138 ngày trong cùng một năm nộp thuế, hoặc là thời gian người lao động cư trú tại Đài Loan của năm trước đủ 138 ngày, tiếp tục cư trú tới năm sau, thì người lao động với tư cách là “người cư trú”, hằng năm từ ngày 01-5 đến ngày 31-5 phải làm thủ tục khai báo về nộp thuế thu nhập là từ 6% đến 10% tùy theo mức lương thu nhập cao hay thấp của mình. Nếu người lao động đến Đài Loan làm công việc giúp việc gia đình hoặc khán hộ công gia đình, do chủ thuê thì không phải là người có nghĩa vụ khấu trừ thuế và nộp thuế theo luật thuế thu nhập, do đó khi chủ thuê trả tiền lương cho người lao động sẽ không khấu trừ tiền thuế của người lao động, nhưng vẫn phải tính mức thuế thu nhập của người lao động theo tiền lương hằng tháng đã ghi rõ trong hợp đồng lao động, và nộp thuế theo qui định. Nếu người lao động là người cư trú hằng tháng, phải nộp số tiền thuế thu nhập chưa vượt 2.000 Đài tệ, thì có thể lựa chọn không cần thông qua chủ thuê khấu trừ dùm tiền thuế cuả mình, nhưng người lao động không phải nộp thuế theo qui định. Nếu người lao động làm việc hợp pháp tại Đài Loan, liên tục bỏ việc, mất liên lạc 3 ngày, sau khi chủ thuê hợp pháp trình báo lại, qua điều tra phát hiện làm việc bất hợp pháp cho chủ thuê không có giấy phép, Cơ quan thuế vụ Đài Loan sẽ lấy tiêu chuẩn thu nhập quá số tiền lương căn bản để hạch toán mức thuế thu nhập của người lao động. Sau khi đến Đài Loan làm việc, người lao động phải khai báo thuế thu nhập theo từng năm, trong thời gian làm việc tại Đài Loan, người lao động phải khai báo tiền thuế của năm trước trong thời gian từ ngày 01-5 đến ngày 31-5 của năm sau; nếu người lao động giữa chừng xuất cảnh trong năm, thì khai báo thuế của năm đó trước một tuần xuất cảnh. Sau khi cơ quan thuế vụ thụ lý hồ sơ xin hoàn trả thuế của người lao động, qua hạch toán có khoản tiền hoàn thuế, muộn nhất sẽ hoàn trả thuế bằng phiếu chi trước cuối tháng tư của năm sau. Để tránh bị chiếm đoạt bất hợp pháp về số tiền hoàn thuế của người lao động, khi ký giấy ủy quyền hoàn trả thuế, đề nghị người lao động phải thận trọng chọn người đáng tin để giúp làm thủ tục xin hoàn thuế và đại diện lĩnh dùm khoản tiền hoàn thuế, đồng thời đề nghị cơ quan đại diện của Việt Nam tại Đài Loan giúp đỡ khi cần thiết, để thuận lợi trong việc làm thủ tục khai báo và nhận lĩnh khoản tiền hoàn thuế. Nếu có gì chưa rõ về việc nộp thuế thu nhập và hoàn trả thuế, người lao động có thể gọi điện thoại tới Sở thuế vụ tại các địa phương Đài Loan để hỏi rõ. Nếu khai báo sót, khai báo ít đi, người lao động sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần số tiền thuế khai báo sót, nếu bạn không khai báo thuế thu nhập theo luật pháp, thì sẽ bị phạt nộp bù số tiền gấp 3 lần số tiền thuế nộp bù.

Trước khi người lao động được xuất cảnh sang Đài Loan để làm việc cần nắm chắc thông tin này để tránh mọi phiền hà đáng tiếc xảy ra.

Luật sư NGUYỄN THẮNG CẢNH