Sự rút lui khiên cưỡng

Thông báo của Cơ quan Lực lượng vũ trang Pháp ngày 5-10 cho biết, quá trình rút quân và các khí tài quân sự Pháp ở Niger bắt đầu từ tuần thứ hai của tháng 10. Quân đội Pháp sẽ phối hợp với lực lượng vũ trang Niger trong quá trình rút quân. Các biện pháp cần thiết đã được thực hiện để bảo đảm rút quân một cách có trật tự và an toàn. “400 binh sĩ Pháp đóng tại Ouallam sẽ là nhóm đầu tiên rời đi. Căn cứ không quân Niamey, nơi hầu hết lính Pháp đóng quân, sau đó sẽ bị dỡ bỏ vào cuối năm nay”, Hội đồng Bảo vệ tổ quốc Niger (CNSP) cho biết.

Pháp duy trì khoảng 1.500 quân ở Niger để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Niger Mohamed Bazoum đối phó phiến quân Hồi giáo cực đoan. Trong số đó, khoảng 400 lính Pháp được triển khai cùng với quân đội địa phương ở phía Tây Bắc Niger, gần biên giới của nước này với Burkina Faso và Mali. Vùng 3 biên giới này là “thiên đường” của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). 

Tuy nhiên, quan hệ giữa Niger với Pháp lao dốc sau khi quân đội Niger đảo chính hồi cuối tháng 7. Chính quyền quân sự Niger sau đó hủy các thỏa thuận quân sự với Pháp, tuyên bố trục xuất Đại sứ Pháp Sylvain Itte. Trước tình hình bất ổn, đe dọa an toàn cho các binh sĩ, ngày 24-9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo rút quân khỏi Niger do chính quyền tại đây “không còn muốn đối phó chủ nghĩa khủng bố”.

Theo báo Le Figaro, sự hiện diện quân sự của Pháp ở khu vực châu Phi nói tiếng Pháp được kế thừa từ thời kỳ phi thực dân hóa thập niên 1960. Trong các lần tuyên bố độc lập khác nhau ở khu vực, Pháp đã ký với hầu hết các nước thuộc địa cũ hàng loạt thỏa thuận hợp tác về văn hóa, kỹ thuật và quân sự, cũng như các thỏa thuận về quốc phòng cho phép các nguyên thủ quốc gia châu Phi kêu gọi hỗ trợ quân sự từ Paris.

Binh sĩ Pháp đi tuần tra ở cao nguyên Borkou tại phía Bắc Cộng hòa Chad. Ảnh: AFP 

Năm 2013, dưới thời Tổng thống Francois Hollande, Pháp lần đầu tiên triển khai quân tới Mali để chống lực lượng thánh chiến với chiến dịch đầu tiên mang tên “Serval” năm 2013, sau đó là chiến dịch Barkhane năm 2014. Vào đỉnh điểm chiến dịch Barkhane, Pháp đã triển khai khoảng 5.100 binh sĩ với nhiệm vụ ngăn chặn mối đe dọa khủng bố ở một khu vực có diện tích rộng lớn như châu Âu.

Tuy nhiên, trong 3 năm qua, một số cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra và sự hiện diện liên tục của lực lượng thánh chiến đã bộc lộ những hạn chế trong chiến lược quân sự, buộc Pháp phải giảm bớt sự hiện diện ở châu Phi. Pháp rút lực lượng đồn trú khỏi Mali vào ngày 15-8-2022, rút khỏi Cộng hòa Trung Phi ngày 15-12-2022 và rời Burkina Faso vào ngày 25-2-2023.

Thu hẹp số căn cứ quân sự ở châu Phi

Sau khi rút lực lượng khỏi Niger theo kế hoạch vào cuối năm nay, quân đội Pháp sẽ chỉ còn duy trì 5 căn cứ ở Senegal, Côte d'Ivoire, Cộng hòa Chad, Gabon và Djibouti.

Tại Senegal, Pháp có khoảng 350 binh sĩ chủ yếu tham gia công tác huấn luyện, đào tạo quân đội các nước trong khu vực. Tại Côte d'Ivoire có hơn 900 binh sĩ Pháp được triển khai trong khuôn khổ quan hệ đối tác quốc phòng được ký kết năm 2012 bởi Tổng thống Alassane Ouattara và cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Sau khi kết thúc hoạt động gìn giữ hòa bình Licorne tháng 1-2015, căn cứ này trở thành nơi tiếp sức cho lực lượng tham gia chiến dịch Barkhane. Sự hiện diện quân sự Pháp ở gần Vịnh Guinea vừa có thể bảo đảm an ninh cho gần 80.000 công dân Pháp sinh sống và làm việc tại khu vực, vừa bảo đảm an ninh cho một không gian hàng hải quan trọng, nơi 12% lượng dầu nhập khẩu vào Pháp đi qua đây.

Pháp triển khai chiến dịch Épervier ở Cộng hòa Chad từ năm 1986. Với chiến dịch Barkhane, thủ đô N'Djamena của Cộng hòa Chad là nơi đặt trụ sở chỉ huy các hoạt động chung. Đến thời điểm hiện tại, 1.000 binh sĩ Pháp có mặt ở quốc gia châu Phi này. Tại Gabon, Pháp duy trì sự hiện diện của 350 binh sĩ thuộc Tiểu đoàn bộ binh thủy quân lục chiến số 6 (BIMA) ở thủ đô Libreville và một đơn vị không quân tại Guy Pidoux, nơi Pháp chỉ triển khai một trực thăng liên lạc Fennec.

Ở Djibouti, Pháp tập trung số lượng binh sĩ lớn nhất. Từ 4.300 binh sĩ đồn trú ở thời điểm Gabon giành độc lập năm 1977, quân số Pháp đã giảm xuống còn 2.000 người vào thập niên 2000 và còn 1.500 người ở thời điểm hiện tại. Năm 2014, Pháp và Djibouti đã ký thỏa thuận quốc phòng mới thay thế cho nghị định thư tạm thời trước đó. Văn bản mới quy định rất rõ nhiệm vụ của các lực lượng đồn trú Pháp. Ngoài mục tiêu chống cướp biển và hoạt động băng đảng tội phạm ở Biển Đỏ và xung quanh vùng Sừng châu Phi, sự hiện diện này còn cho phép quân đội Pháp triển khai nhanh trong khuôn khổ các chiến dịch và hoạt động chống khủng bố ở châu Phi, giống như chiến dịch Barkhane, nhưng cũng có các chiến dịch khác như Tamour ở Jordan, Chammal ở Iraq (năm 2014-2015), hoặc Sangaris ở Cộng hòa Trung Phi (năm 2014). Căn cứ này còn là nơi huấn luyện cho các lực lượng đặc biệt ở khu vực.

BÌNH NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.