QĐND - Tham nhũng được coi là quốc nạn, là căn bệnh trầm kha đang hủy hoại nền kinh tế đất nước. Bệnh tham nhũng xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó xây dựng cơ bản được xác định là một trong những khu vực rất nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng nhất... Bằng những luận giải xác đáng, Tiến sĩ Lê Thanh Vân, ủy viên Thường trực ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Khóa XIII, đã dành cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân cuộc phỏng vấn xoay quanh vấn đề này…

Tham nhũng trong xây dựng xuất hiện ở 3 cấp độ        

Phóng viên (PV): Thưa Tiến sĩ, một trong những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao và thực tế đã xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn, đó là xây dựng cơ bản. Là ủy viên Thường trực ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, từng giám sát nhiều công trình, dự án lớn, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Tiến sĩ Lê Thanh Vân.

Tiến sĩ Lê Thanh Vân: Có thể nói, khi tiếp cận với vấn đề tham nhũng hiện nay, thì xây dựng cơ bản được coi là lĩnh vực nhạy cảm nhất. Bởi lẽ, nó có thể xảy ra qua việc ký hợp đồng, qua tiến hành đấu thầu, qua tổ chức thực hiện thi công. Nói một cách đầy đủ hơn, gian lận, tham nhũng ở đây có thể xuất hiện trên ba cấp độ, gồm: Cấp độ phân bổ vốn cho các dự án, công trình; cấp độ mời thầu và tổ chức đấu thầu; cấp độ tổ chức triển khai thi công xây dựng

PV: Xin Tiến sĩ nói rõ hơn về nội hàm của “ba cấp độ” vừa nêu. Chúng ta nên có cơ chế gì hoặc làm cách nào để phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng trong lĩnh vực này?

Tiến sĩ Lê Thanh Vân: Từ việc nhận diện ở 3 cấp độ trên, theo tôi, đối với cấp độ thứ nhất, đó là hoạt động phân bổ vốn, phải đánh giá một cách công khai, minh bạch trong lựa chọn công trình. Hiện nay, chúng ta đang khép kín giữa người có thẩm quyền quyết định phân bổ vốn với người đề xuất công trình dự án. Vấn đề là công trình dự án đó nằm trong chuỗi phát triển nào của một vùng, địa phương hay quốc gia, và ai sẽ là người có thẩm quyền quyết định nó theo phân cấp. Tôi nghĩ rằng, chúng ta càng mạch lạc, càng rạch ròi và người quyết định nó là tập thể hay cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan giám sát mình thì sẽ càng hạn chế được tham nhũng. Ví dụ, ở quy mô quốc gia thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, phải có cam kết rõ ràng là dự án đó hiệu quả đến đâu, tác động đến đâu? Còn đối với cấp tỉnh thì Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, để nếu dự án đó triển khai không đạt hiệu quả, sẽ phải chịu trách nhiệm về pháp lý, hành chính cụ thể, chứ không chỉ chịu trách nhiệm chung chung.

Ở cấp độ độ thứ hai là tổ chức đấu thầu. Tôi nghĩ rằng hoạt động đấu thầu ở nước ta hiện nay dường như quy định có vẻ khách quan, đó là cũng có “bên nọ”, “bên kia” tham gia, nhưng bên trong lại là sự thỏa thuận, nhượng bộ giữa những người tham gia đấu thầu (mà chúng ta thường nghe là “quân xanh”, “quân đỏ”). Họ nhường nhịn cho nhau thực chất để chia một phần lợi nhuận. Chúng ta phải chọc vào thực trạng ấy để có rào cản hữu hiệu. Theo tôi, cần nghiên cứu cách thức đấu thầu chặt chẽ, khoa học hơn. Chẳng hạn, sẽ tiến hành đấu thầu điện tử để loại bỏ bớt các nhà thầu kém năng lực ở vòng ngoài, sau đó, khi vào vòng “chung kết” phải có hội đồng từ bên ngoài tiến hành phản biện kín. Hội đồng này sẽ có trách nhiệm làm rõ tất cả những vấn đề liên quan đến năng lực những nhà trúng thầu, trong đó phải chứng minh những giải pháp, tiêu chí cần đạt được trong quá trình triển khai thi công dự án. Điều mà tôi cần nhấn mạnh là, hội đồng mang tính phản biện đề xuất của nhà thầu này phải xuất hiện bất ngờ, khách quan và không hề có mối liên hệ về lợi ích với các nhà thầu. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề trúng thầu có khách quan hay không?

PV: Trên thực tế, nhiều người vẫn nghĩ cấp độ thứ ba, tức là hoạt động tổ chức thi công công trình, mới là mảnh đất béo bở của tham nhũng. ông có thể phân tích sâu ở cấp độ này?

Tiến sĩ Lê Thanh Vân: Theo tôi, thi công trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, đặc biệt là xây dựng các công trình có vốn nhà nước, thì nhà thầu hoặc các đơn vị thi công có thể gian dối trong việc cơ cấu vật liệu hoặc ăn bớt chiều cao, khối lượng công trình. Điều này sẽ gây tác động xấu đến chất lượng công trình. Để hạn chế tiêu cực, phải tiến hành giám sát chặt chẽ và chỉ nên giao cho hai đối tượng là người đứng ra tổ chức thi công và người giám sát thi công. Theo đó, họ phải có sự ràng buộc pháp lý và chịu trách nhiệm chính, trong đó người giám sát thi công phải chịu trách nhiệm cao hơn trước pháp luật. Tất nhiên, trách nhiệm đó có thể bị truy cứu trong một thời gian nhất định, chứ không phải đến lúc nghiệm thu. Cũng có thể, sau khi nghiệm thu mà chưa phát hiện ra sai phạm, thì 5 năm, 10 năm sau, tùy vào độ tuổi công trình, vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hành chính, dân sự, thậm chí trách nhiệm hình sự, đối với những người giám sát không chặt chẽ.

Những người gian lận, ăn bớt hoặc khai khống khối lượng thi công, đương nhiên cũng phải chịu trách nhiệm. Qua đi khảo sát một số dự án, công trình tôi thấy rằng, chỉ riêng việc san lấp nền đường, san lấp mặt bằng cũng là một dư địa cho tham nhũng lạm dụng, bởi vì ở những nơi này rất khó đánh giá được khối lượng chính xác của công trình. Theo tôi, ở những chỗ hết sức nhạy cảm như vậy càng đòi hỏi phải có rào cản kỹ thuật và pháp lý chặt chẽ. Đây hoàn toàn là vấn đề chuyên môn của các nhà khoa học để đưa ra công thức đánh giá chuẩn mực nhất. Đương nhiên, nếu quy định một cách cứng nhắc và dập khuôn thì sẽ rất khó áp dụng và thiệt thòi cho nhà thầu. Do vậy, chúng ta cần có một quy định chung để rào chặn những vi phạm, nhưng đồng thời cũng phải xem xét cả những tình huống cụ thể, có cơ chế phù hợp với những tình huống đặc biệt.

Minh bạch, công khai với mỗi dự án, công trình

PV: Việc chi trả những khoản “hoa hồng”, “lại quả” sau những hợp đồng kinh tế (được coi là hợp pháp) liệu có bị tham nhũng lợi dụng không, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Lê Thanh Vân: Chúng ta phải chấp nhận tiền lệ việc môi giới cho các hợp đồng kinh tế đều có tỷ lệ “hoa hồng”. Thời bao cấp, hành vi môi giới thường được gọi là “cò mồi” “chỉ trỏ”, bị xã hội lên án, coi rẻ, phi pháp... Nhưng trong nền kinh tế thị trường, đây là hoạt động hợp pháp, được coi là xúc tác thương mại. Vấn đề là người chi phần trăm “hoa hồng” đúng sẽ góp phần khích lệ được hoạt động gia tăng xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, cũng phải ngăn chặn việc lạm dụng cơ chế này để rửa tiền thông qua hành vi tham nhũng. Theo tôi, cần xác định cho rõ được giá trị hợp đồng đích thực. Khi hợp đồng không phản ánh đúng, thậm chí phản ánh sai gấp 3, 4 lần giá trị dự án, thì chắc chắn tỷ lệ “phần trăm” sẽ tăng cao theo tiền “hoa hồng”.

Lĩnh vực xây dựng cơ bản, trong đó có thi công các công trình giao thông, thường có nguy cơ tham nhũng cao. Ảnh: Nhất Ngôn

Một biện pháp cũng cần lưu tâm, đó là phải ngăn chặn được các mối quan hệ ngầm giữa người quyết định dự án, công trình cho nhà thầu với người môi giới, tránh tạo ra việc dàn dựng những “màn kịch”. Tóm lại, chúng ta phải minh bạch, công khai khi công bố dự án ấy trong thời hạn nhất định, với những tiêu chuẩn, điều kiện tham gia nhất định; đồng thời, minh bạch trong quan hệ giữa các đối tác. Khi xem xét, lựa chọn việc quyết định nhà thầu phải công khai, dân chủ.

PV: Tham nhũng thường tập trung vào những người có chức, có quyền. Là ủy viên Thường trực ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, hẳn ông hiểu rõ vấn đề này. Vậy ủy ban đã có những chủ trương gì trong việc khắc chế lòng tham của các đối tượng này trong lĩnh vực xây dựng cơ bản?

Tiến sĩ Lê Thanh Vân: Quan điểm của tôi về đối tượng có khả năng tham nhũng cao nhất đương nhiên phải là những người có chức, có quyền. Bởi những người đó chi phối được lợi ích. Để ngăn chặn nạn tham nhũng, về mặt cơ chế chính sách tài chính, ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã giúp Quốc hội ở hai bình diện: Thẩm tra các dự án, báo cáo, đề án để trình Quốc hội, đồng thời thực hiện giám sát việc tổ chức, thi hành luật pháp. Chẳng hạn, trong nhiều nghị quyết của Quốc hội liên quan đến các giải pháp về tài khóa, ủy ban đề xuất triệt để áp dụng đầu tư tập trung, tránh dàn trải. Đây cũng là một hình thức gián tiếp để ngăn chặn tham nhũng. Vốn có ít nhưng nếu cứ dàn trải, cứ “bôi” ra sẽ tạo ra nhiều đầu mối và người có chức, có quyền sẽ có cơ hội tham nhũng... Vì vậy, tránh dàn trải trong đầu tư không chỉ tạo ra rào cản ngăn chặn tham nhũng, mà còn tạo ra cơ chế để thu hút đầu tư tập trung, xây dựng dứt điểm các công trình, tránh lãng phí.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng tổ chức những đợt khảo sát, giám sát để phát hiện ra cơ chế tài chính về ngân sách có những kẽ hở nào qua phân bổ vốn, qua tổ chức thi công ngoài hiện trường hay không, qua đó cảnh báo hoặc có ý kiến với cơ quan chức năng rào giậu cho kín. Tuy nhiên, phương cách của ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội là đề xuất mang tính vĩ mô để ngăn chặn những kẽ hở có thể sinh ra tham nhũng, hạn chế đến mức tối đa tham nhũng, lãng phí, chứ không phải là những giải pháp mang tính vi mô, ngăn chặn những hành vi cụ thể.

PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

LÊ THIẾT HÙNG (Thực hiện)