QĐND - Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã có chuyển hướng quan trọng trong tiếp cận chính sách phát triển nông thôn. Thay vì thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tập trung, Nhà nước chuyển dần sang hỗ trợ theo phương thức của nền kinh tế thị trường. Cụ thể hóa Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (CTMTQG-NTM) đang mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp.
Diện mạo nông thôn mới
Thực trạng kinh tế nông thôn và những vấn đề xã hội nổi cộm đã đưa nông nghiệp, nông dân trở thành yếu tố sống còn để phát triển bền vững. Chủ trương vận động xây dựng nông thôn mới (NTM) đã xác định hướng vào xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sản xuất, gia tăng thu nhập, đào tạo con người, thu hút doanh nghiệp, lấy cộng đồng làm chủ thể để phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn.
Với kinh phí đầu tư hơn 30.180 tỷ đồng, chương trình NTM đã góp phần xây dựng và nâng cấp hơn 38.000km đường giao thông và 15.000km kênh mương. Để thúc đẩy phát triển kinh tế, hơn 7000 mô hình được tạo lập, tập huấn cho hơn 124 nghìn lượt người, góp phần đáng kể vào tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Chương trình cũng giúp nâng cao tỷ lệ bảo hiểm y tế, mở rộng bảo hiểm nông nghiệp đến 20 tỉnh, thành phố. Qua đó, đời sống văn hóa, tinh thần ở nông thôn được cải thiện với hơn 20% số xã có CLB văn thể và tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch tăng hơn 4% trong năm 2012.
 |
Chương trình NTM ở xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương (Thái Bình) đã góp phần dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa thủy lợi nội đồng.
|
Việc xây dựng NTM trên các vùng, miền có sự khác biệt, châu thổ sông Hồng đạt mức bình quân cao nhất (hơn 8 tiêu chí). Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đạt mức bình quân cao hơn trung bình cả nước (hơn 6 tiêu chí). Thấp nhất là miền núi phía Bắc, chỉ bằng 50% của khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Chủ trương về tam nông của Đảng trên thực tế là một định hướng chỉ đường, còn CTMTQG-NTM về bản chất là cuộc vận động phát huy tính chủ động của cộng đồng xã hội nông thôn với những nội dung được cụ thể hóa trong những tiêu chí, bao phủ hầu hết các lĩnh vực của phát triển nông thôn. Tuy nhiên, với mức dưới 0,4% cơ sở đủ tiêu chuẩn NTM hiện nay, mục tiêu đạt được 20% số xã vào năm 2015 còn khá xa vời.
Phát triển nông thôn bền vững: Không đơn giản
Phân tích thực trạng xây dựng NTM cho thấy, các quy hoạch hình thành nặng về phát triển cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, môi trường và văn hóa xã hội. Nhìn chung, giải pháp còn chưa thích hợp, không rõ nguồn lực và điểm đáng quan ngại là quy hoạch cấp xã mang tính liên kết yếu, thiếu năng lực đầu tư sản xuất và được hình thành khi chưa định rõ quy hoạch cấp huyện về nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Ngoài ra, nguồn lực thực hiện nặng về ngân sách nhà nước, chính sách thu hút doanh nghiệp về nông thôn chưa phát huy tác dụng và người dân còn khó tiếp cận vốn tín dụng.
Làm rõ giới hạn của chương trình, các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra, phát triển nông thôn bền vững là việc làm không đơn giản. Độ phức tạp mang tính liên ngành và đối tượng phát triển còn được nhân lên bởi sự đa dạng và các bên tham gia, không chỉ là hàng triệu hộ nông dân mà còn liên quan đến nhiều hộ phi nông nghiệp, tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân, hợp tác xã, các cấp chính quyền và những nhà cung cấp. Điều quan trọng được nhấn mạnh là khung chính sách cần xây dựng theo vùng lãnh thổ và mấu chốt của phát triển là năng lực nội sinh, công nghệ và kỹ năng mới. Hàm ý chính sách có nhiều khía cạnh, song chủ yếu đó là kịch bản phát triển và lập kế hoạch dựa trên thực tế tại các địa bàn. Đây cũng là cách tiếp cận để xây dựng chương trình phát triển mang tính liên ngành.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ nhận xét, Việt Nam là quốc gia đi lên từ nền kinh tế nông nghiệp gắn với văn hóa làng xã, xây dựng NTM mang tính đặc thù. Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, phải nhìn toàn diện từ mục tiêu, động lực, nguồn lực và cách làm nhằm phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, giữa phát triển con người với bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn hiện đại nhưng vẫn cần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Ông lưu ý, cần đặt trọng tâm vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và xóa đói giảm nghèo. Theo đó, người dân nông thôn phải là chủ thể của quá trình phát triển, họ vừa là động lực vừa là mục tiêu, là đối tượng hưởng lợi thành quả xây dựng nông thôn mang lại.
NTM là sự khởi đầu của kinh tế tổng hợp trong kết nối thành thị và nông thôn, chương trình chưa dự báo được biến động dân cư nông thôn, chưa dựa vào thị trấn nhỏ để hình thành các trung tâm dịch vụ tăng cường quan hệ liên kết thành thị nông thôn và huy động tối đa nguồn lực cho phát triển. Đây cũng là vấn đề cần được quan tâm xem xét trong giai đoạn tới.
Những nội dung quan trọng, khó đạt trong xây dựng NTM vẫn là phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập, xây dựng nếp sống văn hóa mới, bảo vệ môi trường và tiếp tục xóa đói giảm nghèo. Ở những nội dung này, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM cần được ưu tiên hỗ trợ.
Hoạt động hỗ trợ chỉ thành công khi coi trọng vai trò chủ thể của cư dân nông thôn trong sử dụng nguồn vốn xã hội, thông qua đổi mới thể chế và tổ chức sản xuất, thúc đẩy liên kết cộng đồng. Giải pháp cần làm là thường xuyên phân tích, đánh giá chính sách và kết quả thực thi, đúc kết kinh nghiệm từ các mô hình thực tiễn và thông qua đối thoại để nhân rộng điển hình thành công hoặc có những điều chỉnh kịp thời.
Tiến sĩ LÊ THÀNH Ý