Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố như vậy trước báo giới sau cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Olaf Scholz ngày 9-5 tại thủ đô Berlin. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Pháp sau khi tái đắc cử tổng thống và cũng phù hợp với truyền thống lâu đời của Paris và Berlin.
Quan hệ Pháp-Đức luôn được thúc đẩy và làm mới sau khi ông Emmanuel Macron đắc cử Tổng thống Pháp lần đầu tiên vào tháng 5-2017. Dưới thời cầm quyền của Thủ tướng Đức tiền nhiệm Angela Merkel, cặp bài trùng Merkron (Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron) đã ghi dấu ấn cho quan hệ hợp tác Pháp-Đức thông qua việc chung sức giải quyết các cuộc khủng hoảng như di cư, Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) hay cuộc chiến chống khủng bố.
Mối quan hệ đặc biệt này tiếp tục là trụ cột trong chính sách đối ngoại của hai quốc gia, đồng thời là động lực đối với sự nhất thể hóa Liên minh châu Âu (EU). Chính vì vậy, sau khi trở thành Thủ tướng Đức vào năm ngoái, ông Scholz đã chọn Pháp trở thành điểm đến nước ngoài đầu tiên của mình. Về phần mình, ngày 9-5, Tổng thống Macron đã đến Đức trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, chỉ hai ngày sau từ khi nhậm chức nhiệm kỳ hai.
 |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc gặp ngày 9-5 tại Berlin. Ảnh: AFP |
Tại hội đàm, Tổng thống Macron và Thủ tướng Scholz đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tình hữu nghị Pháp-Đức, bày tỏ mong muốn hợp tác cùng nhau để củng cố châu Âu. Thủ tướng Scholz ca ngợi Pháp là “lực lượng truyền cảm hứng ở châu Âu”, cũng như đề xuất “cộng đồng chính trị châu Âu” của Tổng thống Macron. Thủ tướng Scholz khẳng định, ông sẵn sàng thảo luận với nhà lãnh đạo Pháp về vấn đề này. Trước đó, phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp), Tổng thống Macron đã kêu gọi thực hiện một số cải cách sâu rộng để cải tổ EU. Ông đề xuất tạo ra một “cộng đồng chính trị châu Âu” mới, cho phép các quốc gia bên ngoài EU như Anh, Ukraine tham gia các giá trị cốt lõi của châu Âu. Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng, quá trình để một nước ứng cử viên như Ukraine gia nhập EU có thể mất hàng chục năm do những tiêu chuẩn và quy tắc của khối.
Đề cập xung đột giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Macron nêu rõ: “Chúng tôi sẽ củng cố lập trường chung về quốc phòng và chính sách đối ngoại”. Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng, cuộc xung đột đã tác động sâu sắc đến châu Âu và dẫn đến hành động chung. Hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức cho biết, châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine và gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga cũng như hạn chế tác động của các vấn đề phát sinh do nguồn cung năng lượng và lương thực bị gián đoạn liên quan đến cuộc xung đột.
Trong quan hệ song phương, hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ quan điểm nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như: Chính trị, an ninh, năng lượng, giao thông, đầu tư, cơ sở hạ tầng... Tổng thống Macron nêu rõ, Hội đồng Bộ trưởng Pháp-Đức sẽ được tổ chức “vào nửa đầu tháng 7”, sau hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO vào tháng 6. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn đề quốc tế trong bối cảnh Đức đang đảm nhiệm chức Chủ tịch Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Tình hình ở Sahel, Tây Balkan, quan hệ EU-Trung Quốc... cũng nằm trong chương trình nghị sự của hai nhà lãnh đạo Pháp-Đức.
Theo Tổng thống Macron, chuyến công du đầu tiên của ông tới Đức sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai là một tín hiệu quan trọng. Điều này cho thấy, hai nước đã vượt qua một số khác biệt và thống nhất cao trong cách thức phản ứng với các cuộc xung đột quốc tế, muốn cải thiện hơn nữa sự phối hợp song phương và tổ chức cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Pháp-Đức sớm trong thời gian tới.
BÌNH NGUYÊN