QĐND - Sức mua giảm, giá nguyên liệu đầu vào và cước vận tải tăng cao, cùng với nguồn vốn thiếu đã khiến các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá ở TP Hồ Chí Minh gặp rất nhiều khó khăn. Để đạt được những mục tiêu bình ổn giá năm 2012 và kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chính quyền TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp đang đẩy mạnh hàng loạt biện pháp hỗ trợ, tập trung vào đầu tháng 9 và những tháng cuối năm, đó là: Ổn định nguồn hàng, giải phóng sức mua.
 |
Khách hàng đến siêu thị không còn đông đúc như trước đây vì sức mua yếu.
|
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Cuối tháng 8 là thời điểm đầu năm học mới, nhưng số lượng sách vở của chương trình bình ổn giá được bán tại các trường học rất chậm. Phần lớn phụ huynh học sinh mua tại các nhà sách, hay những điểm bán bên ngoài. Chị Nguyễn Thị Thu, phường 1, quận 8 cho biết: “Tôi không biết tại trường học có tổ chức bán sách, vở bình ổn giá, nên đã mua sách vở cho con từ tháng 7 ở nhà sách với giá cao hơn”. Tham gia bình ổn giá các mặt hàng phục vụ mùa khai trường năm nay có 12 doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh tại 481 điểm bán hàng trong trường học, 44 siêu thị và 305 điểm bán ở khu dân cư. Các doanh nghiệp cho rằng, mùa khai trường này công tác phối hợp giữa doanh nghiệp với nhà trường trong chương trình bình ổn giá chưa tốt.
Theo thông tin từ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, sau 4 tháng triển khai thực hiện chương trình bình ổn giá thị trường năm 2012, thành phố đã có 3.501 điểm bán (tăng 526 điểm so với đầu chương trình). Hiện nay đã phát triển được 13 điểm tại 10/14 khu chế xuất, khu công nghiệp, nhưng việc bán hàng lưu động và đưa hàng bình ổn vào bếp ăn tập thể tại các khu này còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp kinh doanh bếp ăn tập thể chủ yếu lấy nguồn hàng trôi nổi giá rẻ, doanh nghiệp trong chương trình bình ổn giá khó tiếp cận các bếp ăn này.
Đầu tháng 7-2012, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh đã quyết định điều chỉnh giá 5 trong số 9 nhóm mặt hàng bình ổn, nhưng do sức mua yếu, nên vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ hàng. Để tăng sức mua, nhiều doanh nghiệp đã triển khai các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng. Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, các mặt hàng lương thực, thực phẩm được cung ứng đến mạng lưới bán hàng chủ yếu vào buổi sáng hoặc chiều, nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi phương tiện vận tải không được lưu thông trong nội thành vào giờ cao điểm. Công tác bán hàng lưu động, tổ chức các phiên chợ công nhân ở ngoại thành gặp nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển tăng cao, sức mua hạn chế. Nguồn vốn để triển khai của doanh nghiệp nói chung và các thành viên còn hạn hẹp. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá thuê mặt bằng để mở điểm bán quá cao. Ngay cả những mặt bằng thuộc sở hữu công các doanh nghiệp cũng phải thuê với giá thị trường và phải thanh toán một lần đã khiến cho nguồn tài chính của nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt.
Tăng cường liên kết, mở rộng điểm bán
Những khó khăn trên tạo ra thách thức lớn trong việc thực hiện những mục tiêu của chương trình bình ổn giá ở TP Hồ Chí Minh. Ngày 25-8 vừa qua, tại cuộc họp thường kỳ kiểm điểm tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2012, đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện tốt bình ổn giá. Đặc biệt, các sở, ngành cần tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tham gia chương trình, thông qua đó góp phần bình ổn giá sau khi giá xăng dầu tăng hai lần trong tháng 8, không gây biến động giá trong những tháng cuối năm. Một trong những giải pháp đưa ra là phải tạo sự linh hoạt về nguồn vốn hỗ trợ, công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan chức năng trong việc sử dụng nguồn vốn cần linh hoạt hơn. Vào thời điểm thị trường có biến động mạnh về giá, cơ quan quản lý cần linh động dồn vốn để bình ổn thị trường, nắm bắt chuẩn xác nhu cầu của thị trường, cũng như có cách thức quản lý, tổ chức bán hàng linh hoạt, nhằm sớm đưa hàng bình ổn giá đến tay người tiêu dùng.
Khơi thông vấn đề vận chuyển hàng bình ổn, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân chuyên kinh doanh trứng gia cầm cho rằng: "Ngành chức năng cần quy định cho phép các xe chở hàng bình ổn giá được lưu thông trong giờ cao điểm để đưa hàng đến các điểm bán hàng ở cả nội và ngoại thành. Ở khía cạnh khác, ngành công thương cần giải ngân sớm nguồn vốn hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp làm tốt hơn khâu sản xuất, tạo nguồn hàng và cung cấp hàng hóa. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị, đối với những mặt bằng thuộc sở hữu công, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo sở, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phân loại các mặt bằng bán hoặc cho thuê, chấp thuận cho phép doanh nghiệp được giãn thanh toán tiền thuê sử dụng đất. Ngoài ra cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho các thành viên; phối hợp đào tạo, nâng cao khả năng bán hàng cho những người tình nguyện tham gia vào mạng lưới phân phối hàng bình ổn.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan cho biết: "Vissan đã liên tục điều chỉnh giảm giá bán đến 6 lần. Nếu sức mua vẫn suy giảm kéo dài thì công ty không dám đẩy mạnh nhập hàng. Nếu vậy người chăn nuôi sẽ bị thua lỗ do bị ứ đọng hàng hóa, dễ chán nản, bỏ chuồng dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu. Vì vậy, cần phải có những chính sách hỗ trợ cho ngành chăn nuôi bền vững, đảm bảo nguồn cung ổn định". Ông Châu Nhựt Trung, Tổng giám đốc Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, đơn vị bán hàng bình ổn cũng băn khoăn vì doanh nghiệp tham gia bình ổn giá luôn bị động về giá nguyên liệu. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, từ nay đến Tết Nguyên đán và thời gian tiếp theo, thị trường sẽ thiếu thịt gia súc, gia cầm, giá sẽ lại tăng cao khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong bình ổn thị trường. Các doanh nghiệp cần phải nỗ lực liên kết với người chăn nuôi để giữ nguồn hàng.
Trước xu hướng giá cả có nhiều biến động, nhiều chuyên gia cho rằng, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cần chỉ đạo, tổ chức tốt việc giải ngân nguồn vốn cho doanh nghiệp tham gia bình ổn, hỗ trợ về việc giảm tiền thuê đất; chỉ đạo chính quyền các quận, huyện tích cực phát triển, xây dựng mạng lưới bán hàng bình ổn giá ở nhiều nơi... Về phía doanh nghiệp, cần chú trọng đến các giải pháp giảm chi phí kinh doanh để giảm giá sản phẩm; phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp để ổn định nguồn hàng và giá đầu vào; mở rộng thêm nguồn hàng; tăng cường dịch vụ sau bán hàng... Xây dựng mạng lưới bán hàng bình ổn rộng khắp, giúp doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho, khai thác hiệu quả và xoay vòng nhanh nguồn vốn để người dân được lợi từ việc mua hàng với giá ưu đãi, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội.
Bài và ảnh: Song An