Ngày 26-10, tại Cung điện Bellevue ở Berlin, dinh thự chính thức của Tổng thống Liên bang Đức, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã trao quyết định kết thúc nhiệm kỳ công tác cho Thủ tướng Angela Merkel và các thành viên trong nội các.

Trước đó, phiên họp đầu tiên của Quốc hội Liên bang Đức khóa 20 đã diễn ra. Theo quy định của Hiến pháp Đức, chính phủ đương nhiệm sẽ chính thức kết thúc nhiệm kỳ sau phiên họp này và Tổng thống liên bang sẽ trao các quyết định kết thúc nhiệm kỳ cho thủ tướng và các thành viên chính phủ. Tuy nhiên, do chính phủ mới chưa được thành lập nên Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đề nghị bà Merkel tiếp tục đảm nhiệm cương vị cho tới khi thủ tướng mới được bầu. Các bộ trưởng cũng sẽ tiếp tục điều hành công việc.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Ảnh: Spiegel 

Các chuyên gia cho rằng, dù chưa chính thức rời nhiệm sở, nhưng việc bà Merkel nhận quyết định kết thúc nhiệm kỳ là dấu hiệu cho thấy “kỷ nguyên Merkel” đang dần kết thúc. Tới đây, nước Đức sẽ bước vào giai đoạn “hậu Merkel” với một chính phủ liên minh mới. Hiện tại, 3 đảng gồm: Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và Đảng Xanh đã bắt đầu đàm phán thành lập liên minh "đèn giao thông" Đỏ-Vàng-Xanh cầm quyền và dự kiến ứng cử viên thủ tướng của SPD Olaf Scholz sẽ được bầu làm thủ tướng trong tuần thứ hai của tháng 12 tới.

Với kinh nghiệm chính trường dày dặn, từng là Bộ trưởng Tài chính và Phó thủ tướng, ông Olaf Scholz được cho là người kế nhiệm bà Merkel phù hợp. Tuy vậy, thách thức với nhà lãnh đạo tiếp theo của Đức sẽ không hề nhỏ khi phải điều hành một đất nước đang chịu nhiều chia rẽ chính trị và xử lý những mối quan hệ quốc tế phức tạp ở thời điểm hiện tại.

“Đại dịch khiến thế giới đảo lộn. Những năm qua cũng là thời điểm chứng kiến căng thẳng gia tăng trong các mối quan hệ quốc tế. Do vậy, duy trì sự thống nhất trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU), giảm căng thẳng, duy trì cân bằng quan hệ giữa Đức với các nước lớn trên thế giới và châu Âu sẽ vẫn là một trong những mục tiêu trọng tâm của bất kỳ chính phủ mới nào”, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier khẳng định trong lễ trao quyết định cho bà Merkel.

Bên cạnh đó, theo một số nhà phân tích, việc Thủ tướng Angela Merkel rời nhiệm sở sẽ để lại khoảng trống lớn sau sự nghiệp chính trị kéo dài hơn 3 thập kỷ của bà. Hơn 16 năm qua, Thủ tướng Merkel đã lãnh đạo đất nước vượt qua rất nhiều cuộc khủng hoảng và những giai đoạn khó khăn nhất, giành được sự tin tưởng lớn của người dân Đức. Bà cũng mang lại cho nước Đức sự tôn trọng và những tình cảm từ châu Âu và trên khắp thế giới. Vì vậy sẽ không có gì lạ khi nhà lãnh đạo mới phải chịu áp lực từ việc vượt khỏi “cái bóng của tượng đài Merkel”.

Một số ý kiến cũng cho rằng, nếu lên nắm quyền, ưu tiên trước hết của nhà lãnh đạo mới có thể sẽ là đối nội. Các chính sách đối ngoại khả năng cũng sẽ không có quá nhiều thay đổi với việc tập trung vào củng cố thể chế và chống lại phong trào “gây chia rẽ” trong EU, đồng thời cố gắng tối đa hóa lợi ích của Đức và EU trong hợp tác với Mỹ.

HÙNG HÀ