QĐND - Thời gian gần đây các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát hiện nhiều vụ sản xuất, vận chuyển và mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Các đối tượng thường lợi dụng sự nhẹ dạ, ham rẻ, thiếu hiểu biết của bà con nông dân vùng sâu, vùng xa để tiêu thụ. Trong khi đó, công tác ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng trên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hàng giả tràn lan

Mới đây, ngày 19-10, tại huyện Trà ôn, các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long phát hiện 3 chiếc tàu chở 80 tấn phân bón không rõ nguồn gốc. Sau khi bị bắt, các chủ tàu cho biết họ chỉ là người chở thuê về vùng nông thôn thuộc các tỉnh trong khu vực ĐBSCL để tiêu thụ.

Cuối tháng 8 vừa quaC, Chi cục Quản lý thị trường Vĩnh Long đã tiêu hủy 20 tấn phân bón giả nhãn hiệu Ka -li. Số phân bón này do Lê Văn Hết (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đang vận chuyển sang tỉnh Trà Vinh để tiêu thụ, nhưng khi đến huyện Mang Thít (Vĩnh Long) thì bị phát hiện, tạm giữ. Kết quả kiểm tra mẫu cho thấy, số phân này được làm bằng gạch nung xay nhỏ trộn với muối, hàm lượng ka -li chỉ đạt khoảng 0,1% chứ không phải 60% như ghi trên bao bì.

Đầu tháng 5 vừa qua, tại Kiên Giang cũng phát hiện một trường hợp bán thuốc bảo vệ thực vật giả. Đối tượng bị phát hiện là Vương Mạnh Giác (ngụ phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, Cần Thơ) khi đang vận chuyển 184 chai thuốc bảo vệ thực vật hiệu Amistar Top 325 SC 250ml. Đối tượng Giác khai đã mua thuốc bảo vệ thực vật Anvit với giá 55.000 đồng /chai về thay nhãn, nắp chai giả hiệu Amistar Top 325 SC đem bán ở vùng nông thôn tỉnh Kiên Giang với giá 160.000 đồng /chai.

Chi cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật bị thu giữ.

Tại Trà Vinh, ngày 29-9, các cơ quan chức năng cũng phát hiện đối tượng Lê Văn Trường sản xuất, mua bán xà phòng giả. Tại nơi ở của đối tượng này (phường 9, thành phố Trà Vinh), lực lượng chức năng đã thu giữ 37kg nguyên liệu dùng để sản xuất xà phòng giả nhãn hiệu Omo; 1kg bao bì giả nhãn hiệu Omo, 1 cân đồng hồ và 1 máy dùng để ép bao bì, … Ngoài việc phát hiện các cơ sở kinh doanh bột giặt gió, các cơ quan chức năng tỉnh này còn phát hiện nhiều cơ sở sản xuất và bán dầu ăn, bột ngọt (mì chính) giả. Cụ thể, vào giữa tháng 8 vừa qua, khi tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất dầu ăn và bột ngọt của Dương Văn Thích (phường 7, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh), các cơ quan chức năng đã thu giữ nhiều tang vật liên quan đến sản xuất hàng giả như 72 chai dầu ăn giả, 528 chai nhựa dùng để sang chiết dầu ăn, 4 bao bột ngọt loại 25kg có nhãn hiệu xuất xứ từ Trung Quốc, 2 máy ép nhựa, cùng nhiều hàng hóa giả mạo khác. Đối tượng Thích khai nhận, cơ sở đã hoạt động gần 1 năm nay, toàn bộ số hàng trên được ông ta mua với giá rẻ tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, sau đó vận chuyển về Trà Vinh làm giả nhãn hiệu để bán ở vùng nông thôn. Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Trà Vinh cũng đã phát hiện và tịch thu gần 1000kg bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto được vận chuyển từ TP Hồ Chí Minh về Trà Vinh để bán.

Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Trà Vinh, trong 9 tháng đầu năm 2012, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý 159 vụ vi phạm có liên quan đến hàng giả. Còn theo Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ, hiện nay có rất nhiều loại hàng hóa giả, kém chất lượng được sản xuất và bày bán trên địa bàn thành phố. Trong 8 tháng đầu năm 2012, toàn thành phố đã phát hiện và xử lý 155 vụ vi phạm liên quan đến sản xuất và mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại. Tình trạng này diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, phổ biến nhất là sử dụng sản phẩm, nguyên liệu giá rẻ trộn với hàng thật để trục lợi.

Khó xử phạt

Theo ông Nguyễn Xuân Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Trà Vinh thì tình trạng sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng nhiều và đa dạng về chủng loại, không chỉ ở hàng cao cấp mà còn ở các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày. Các cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng này không chỉ tập trung tiêu thụ tại các trung tâm, thành phố lớn mà còn len lỏi vào thị trường nông thôn, nên rất khó phát hiện và xử phạt. Để khắc phục được tình trạng trên, trước hết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người sử dụng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ, cho biết:

- Hàng giả, hàng kém chất lượng được phát hiện phần lớn là do người dân tố cáo, nhưng việc kiểm tra rất khó khăn bởi nhiều lý do. Cụ thể, hiện nay chi cục không có cán bộ chuyên môn có chứng chỉ đủ thẩm quyền lấy mẫu đi kiểm tra mà phải nhờ lực lượng của các cơ quan chức năng có liên quan can thiệp. Khi kiểm tra mẫu không đạt chất lượng, cơ sở sản xuất vừa bị kiểm tra này lại có quyền gửi mẫu đi kiểm tra lần 2 ở một nơi khác. Trong thời gian chờ đợi kết quả thì họ đã bán hết số lượng hàng hóa nghi không đạt chất lượng. Hiện nay, các cơ quan chức năng còn không thống nhất nhau về việc niêm phong hay không niêm phong khi nghi mẫu không đạt chất lượng.

ông Nguyễn Văn Sanh, Phó chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ, thông tin thêm với chúng tôi:

- Hiện nay chưa có một nghị định chuyên về chống hàng giả, hàng kém chất lượng nên cơ quan thực thi rất khó trong việc xử phạt. Chỉ có Nghị định 15 nêu tổng hàm lượng đạm trong phân bón là bao nhiêu thì không đạt chất lượng mới kết luận đó là hàng giả. Còn các loại hàng hóa khác kém chất lượng thế nào là giả thì không có tiêu chuẩn cụ thể. Các mặt hàng bảo vệ thực vật hết hạn dùng bị phát hiện rất nhiều trong thời gian qua nhưng rất khó tiêu hủy và cũng không có kinh phí để tiêu hủy.

Lợi dụng lòng tin cũng như sự sơ suất, kém hiểu biết của nhân dân vùng sâu, vùng xa, nhiều đối tượng đã bán ra thị trường nhiều mặt hàng kém chất lượng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất và sức khỏe của người dân trong thời gian qua. Rất mong, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc khắc phục tình trạng trên.

Bài, ảnh: VĂN XÂY