QĐND - Lễ khởi công cầu Năm Căn tại xã Lâm Hải, huyện Năm Căn (Cà Mau) ngày 29-8 đánh dấu sự kiện quan trọng: Một trong những cây cầu lớn cuối cùng trên tuyến Đường Hồ Chí Minh  được hình thành. Cây cầu này không chỉ hiện thực hóa ước mơ bao đời của người dân nơi đây mà còn đưa Đường Hồ Chí Minh nối thông với mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Đường Hồ Chí Minh huyền thoại gắn liền với cuộc đấu tranh thần thánh của dân tộc giờ đây mang trên mình một diện mạo mới, góp phần giúp cuộc sống người dân nơi có tuyến đường đi qua ngày một khởi sắc...

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải  Đinh La Thăng phát lệnh khởi công xây dựng cầu Năm Căn.

Bắc cầu đến huyện “ốc đảo”

Dòng sông Cửa Lớn trải dài ngút tầm mắt là ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển của tỉnh Cà Mau. Hai bên bờ sông um tùm rừng đước, rừng mắm xen kẽ những hàng dừa nước, một hình ảnh đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Để đi từ bên này sông (huyện Năm Căn) sang bờ bên kia đến huyện Ngọc Hiển, người dân nơi đây từ bao đời nay vẫn chỉ sử dụng phương tiện là những chiếc ca-nô hay tắc ráng (thuyền nhỏ). Không một cây cầu hay bến phà nối đôi bờ nên huyện Ngọc Hiển hiện là huyện duy nhất trong cả nước chưa có đường ô tô đến trung tâm huyện. Những ngôi nhà được xây dựng ngay sát mép nước và dòng sông cũng chính là “đường quốc lộ”. Nghe tin cầu Năm Căn bắc qua sông Cửa Lớn được khởi công, anh Nguyễn Văn Thạnh, một người dân huyện Ngọc Hiển chia sẻ: Từ người già cho đến thế hệ thanh niên sinh sống ở huyện Ngọc Hiển chưa bao giờ nghĩ đến sẽ có ngày một cây cầu được xây dựng ở nơi đây, vậy mà giấc mơ đó đã sắp đến ngày trở thành hiện thực.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Năm Căn, tỉnh Cà Mau thuộc Dự án Đường Hồ Chí Minh có chiều dài 3.390 mét; trong đó chiều dài cầu 890 mét và đường dẫn 2 đầu cầu 2.500 mét. Toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/giờ. Cầu thiết kế theo quy mô vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 649 tỷ đồng (giá năm 2011) bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Thời gian hoàn thành dự án trong 18 tháng kể từ ngày khởi công.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư dự án), trong các dự án thành phần thuộc giai đoạn 2 của Dự án Đường Hồ Chí Minh, cầu Năm Căn bắc qua sông Cửa Lớn giữ một vị trí vô cùng quan trọng không những đối với 2 huyện Năm Căn, Ngọc Hiển của tỉnh Cà Mau mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Cầu Năm Căn cùng với Đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi khi xây dựng xong sẽ góp phần tạo thành trục giao thông đường bộ nối thông và hoàn chỉnh toàn tuyến Đường Hồ Chí Minh; đồng thời tạo ra mạng lưới giao thông nối các vùng trọng điểm kinh tế, khu công nghiệp, khu dân cư, nhằm đáp ứng chiến lược phát triển giao thông vận tải và kinh tế - xã hội của toàn bộ khu vực phía Nam của Tổ quốc. Ông Phạm Hồng Sơn cũng cho biết, trước đây trong quy hoạch chung của Dự án Đường Hồ Chí Minh, cầu Năm Căn dự kiến sẽ được triển khai xây dựng vào giai đoạn 3, tức là sau năm 2015. Theo phương án này, việc nối thông Đường Hồ Chí Minh giữa 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển sẽ được triển khai bằng phương tiện phà vượt sông Cửa Lớn. Tuy nhiên do vị trí quan trọng cũng như ý nghĩa to lớn của cầu Năm Căn đối với tỉnh Cà Mau và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ưu tiên đưa dự án thành phần cầu Năm Căn vào triển khai xây dựng trong giai đoạn 2 của Đường Hồ Chí Minh.

Cầu Năm Căn khi hoàn thành sẽ nối liền đôi bờ sông Cửa Lớn.

Tạo mọi điều kiện để dự án hoàn thành đúng tiến độ

Là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, vì vậy, để khởi công cầu Năm Căn, ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá, là sự nỗ lực lớn của chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương, công trình khi hoàn thành sẽ góp phần to lớn để Cà Mau phát triển. Ông Phạm Thành Tươi cũng cam kết địa phương sẽ bàn giao mặt bằng đúng thời hạn, phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thi công tốt, bảo đảm an toàn lao động.

Đến thời điểm hiện nay, giai đoạn 1 của Dự án Đường Hồ Chí Minh với chiều dài khoảng 1.350km từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, khai thác và đã được nghiệm thu cấp Nhà nước. Giai đọan 2 đang được triển khai để nối thông Đường Hồ Chí Minh với quy mô hai làn xe từ điểm đầu Pác Bó (Cao Bằng) đến điểm cuối Đất Mũi (Cà Mau).

 

Chia sẻ về những băn khoăn với việc bảo đảm nguồn vốn thực hiện công trình, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, các nhà thầu sẽ ứng vốn để triển khai thi công trong năm 2012, từ năm 2013 sẽ bố trí bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2. Bên cạnh đó, cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, sẽ có danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ hoàn thành trong thời gian từ nay đến năm 2015 để ưu tiên tập trung vốn, trong đó có công trình cầu Năm Căn. Cùng với vốn cho thi công, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Cà Mau ứng vốn từ ngân sách địa phương để chi trả đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án, Bộ GTVT sẽ hoàn trả khi dự án được bố trí vốn.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã quyết định chỉ định thầu cho các doanh nghiệp có đủ năng lực kỹ thuật cũng như khả năng về tài chính đảm nhiệm thi công dự án, trong đó Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông Cienco 1, Cienco 4 và Cienco 6 là các đơn vị đã thi công tốt cầu Đầm Cùng và cầu Hàm Luông.

Một trong những khó khăn khi thực hiện công trình, theo ông Phạm Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cienco 1, đó là phải thi công cầu bằng công nghệ đúc hẫng cân bằng, trên nền địa chất yếu, vùng nước mặn, đáy sông sâu. Để triển khai thi công, các nhà thầu sẽ huy động thiết bị hiện đại, đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề, với cam kết bảo đảm tiến độ, chất lượng, phối hợp chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề phát sinh như bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, hạn chế ảnh hưởng đến người dân.

Bài và ảnh: Mạnh Hưng