NBC News cho biết, trước khi lên chuyến bay của Hãng hàng không United Airlines từ thành phố San Francisco thuộc bang California đến đảo Kauai thuộc bang Hawaii, cặp vợ chồng Wesley Moribe (41 tuổi) cùng Courtney Peterson (46 tuổi) đã được xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Nữ phát ngôn viên cảnh sát đảo Kauai Coco Zickos cho biết, việc xét nghiệm sàng lọc Covid-19 là yêu cầu bắt buộc theo chương trình du lịch an toàn của bang Hawaii. Kết quả xét nghiệm sàng lọc cho thấy cặp đôi Wesley Moribe và Courtney Peterson đều dương tính với virus SARS-CoV-2. Hai vợ chồng đã nhận được thông báo về kết quả xét nghiệm trước chuyến bay, đồng thời được hướng dẫn cách ly, không đi lại. Tuy nhiên, bà Wesley Moribe và ông Courtney Peterson vẫn cố tình lên chuyến bay của United Airlines để trở về nhà ở Hawaii. 

Nắm được thông tin, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ liền thông báo cho giới chức địa phương. Ngay khi đến sân bay Lihue trên đảo Kauai, cặp vợ chồng này đã phải "nếm trái đắng" khi bị cảnh sát bắt giữ, đưa tới khu cách ly và bị truy tố với cáo buộc "gây nguy hiểm liều lĩnh cấp độ 2". "Họ cố tình lên máy bay khi đã biết mình dương tính với virus SARS-CoV-2. Điều này khiến các hành khách trên chuyến bay bị đặt vào tình thế nguy hiểm chết người", bà Coco Zickos nói.

Ảnh minh họa: Getty

Công tác truy vết tiếp xúc đang được tiến hành để cảnh báo những hành khách tiếp xúc gần với cặp vợ chồng này. "Chúng tôi tiếp tục đề nghị du khách và người dân thực hiện tất cả các biện pháp phòng tránh cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19", CNN dẫn lời Cảnh sát trưởng của đảo Kauai Todd Raybuck.

Tờ Los Angeles Times cho biết, trước mỗi chuyến bay, tất cả hành khách đều được Hãng hàng không United Airlines yêu cầu kê khai thông tin xác nhận "không bị chẩn đoán mắc Covid-19 trong vòng 14 ngày qua" và đeo khẩu trang trong suốt hành trình. Tuyên bố vụ việc đang được điều tra làm rõ, một phát ngôn viên của United Airlines khẳng định cặp vợ chồng nói trên đã bị hãng "cấm cửa".

Nhân loại đang phải vật lộn để vượt qua một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mà nguyên nhân lại do virus SARS-CoV-2 rất nhỏ bé nhưng không phân biệt biên giới, giàu nghèo, giới tính hay tuổi tác, có thể len lỏi đến mọi ngóc ngách, đe dọa sự sinh tồn của từng con người, từng cộng đồng và tương lai chung. Cho đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 65,5 triệu người mắc Covid-19 và virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người. Nói như vậy để thấy rằng, những hệ lụy mà virus SARS-CoV-2 gây ra là rất thật và tàn khốc. Tuy nhiên, thật đáng buồn và đáng trách khi tồn tại những hành vi "xấu xí" giữa lúc cả thế giới oằn mình chống kẻ thù chung vô hình mang tên Covid-19. Trường hợp của cặp vợ chồng nói trên, các "bữa tiệc Covid-19" hay những hành vi vi phạm giãn cách xã hội thời gian qua chính là những nốt trầm giữa "bản hòa ca" sục sôi quyết tâm chống dịch của cộng đồng quốc tế.

Tờ The Washington Post từng nhận định: "Đại dịch giống như những đám cháy. Khi có nhiều nhiên liệu, chúng sẽ bùng phát không kiểm soát. Khi nhiên liệu dần cạn kiệt, chúng sẽ cháy âm ỉ". Điều đáng nói là hiện chúng ta vẫn chưa biết "nhiên liệu" còn lại của virus SARS-CoV-2 là bao nhiêu. Vẫn còn rất nhiều thứ mà nhân loại chưa biết về kẻ thù chung vô hình khiến thế giới bị đảo lộn này. Trong bối cảnh đó, những hành vi "xấu xí" chẳng khác nào "nối giáo cho giặc" cần phải bị lên án, xóa bỏ và xử lý nghiêm bởi cuộc chiến chống đại dịch chỉ thực sự hiệu quả khi có sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội, ý thức trách nhiệm của mỗi công dân. Học cách thích nghi với đại dịch "cần phải trở thành một tình trạng bình thường mới của chúng ta", ít nhất là cho đến khi có vaccine hoặc thuốc đặc trị như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

HOÀNG VŨ