QĐND - Phát triển cùng sự bùng nổ của internet cách đây 7 năm, ngành công nghiệp Nội dung số (NDS) Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ từ web tin tức, công cụ chat, mail, tìm kiếm hay mạng xã hội… Tuy nhiên, với một lĩnh vực có sự cạnh tranh khốc liệt trên toàn thế giới, các doanh nghiệp NDS non trẻ Việt Nam đang phải chiến đấu với những đại gia NDS nước ngoài như Google, Yahoo hay Facebook trong môi trường pháp lý ưu tiên cho… khách. 

VNG và DENA ký hợp tác.

Sự đổ bộ của các đại gia

Yahoo, Google hay Facebook, từ rất lâu đã không còn là cái tên xa lạ với người dùng internet Việt Nam, khi 3 sản phẩm này có hàng chục triệu người dùng. Không như các doanh nghiệp trong nước phải bỏ tiền, bỏ rất nhiều công sức để xây dựng thương hiệu và sản phẩm của mình để cung cấp, thì các đại gia kể trên chỉ đơn giản là bản địa hóa sản phẩm đã thông dụng trên thế giới của mình và tìm cách thiết lập hệ thống kinh doanh ở Việt Nam.

Với một thị trường mà người dùng không bắt buộc phải trả tiền, sự đổ bộ này không được thể hiện một cách rầm rộ bằng những chương trình quảng cáo khuyến mại tưng bừng. Bằng sự lan truyền một cách chóng mặt trên internet, từ nhiều năm trước, Yahoo đã thống trị lĩnh vực email, chat tại Việt Nam và Google đứng đầu tuyệt đối trong lĩnh vực tìm kiếm. Hiện nay, Google đang cạnh tranh mạnh với Yahoo về email và Facebook, tiếp theo thắng lợi của các đại gia đi trước, đang tấn công mạnh mẽ vào Việt Nam. Nhiều người cho rằng, việc CEO của Facebook, được bầu là người đàn ông quyền lực thứ 9 thế giới đang đến Việt Nam có thể không chỉ vì đi du lịch…

Dù không có những chương trình tưng bừng diễn ra trên đường, trong chợ nhưng thị trường quảng cáo trực tuyến vẫn phát triển mạnh hơn hẳn các thị trường khác. Tại Việt Nam, theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, năm 2010, tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến đạt khoảng 500 tỷ đồng (25 triệu USD), tăng trưởng gần 80% so với doanh thu năm 2009 (278 tỷ đồng). Năm 2011, dù kinh tế suy thoái, nhưng thị trường quảng cáo trực tuyến còn tăng trưởng mạnh hơn năm 2010, với doanh thu thực khoảng 1.200 tỷ đồng (60 triệu USD). Tuy nhiên, sự tăng trưởng đó, rất tiếc, lại gắn chặt với những đại gia giấu mặt. Dù không đóng thuế, không hoạt động theo luật pháp Việt Nam mà chủ yếu vẫn kinh doanh từ xa và thu tiền qua đại lý, nhưng các doanh nghiệp lớn như Google, Yahoo, Facebook năm nay thu được khoảng 40 triệu USD, chiếm tới 60% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. 

Nghịch lý “Bảo hộ ngược”

Câu chuyện doanh nghiệp Việt thua trên sân nhà lâu nay vẫn được coi là câu chuyện xưa như trái đất. Chúng ta đã từng thua ở rất nhiều lĩnh vực khi đất nước vừa mở cửa, các doanh nghiệp Việt chưa có kinh nghiệm đối đầu với đại gia và Nhà nước chưa kiện toàn những hành lang bảo hộ. Ở lĩnh vực NDS, thực tế cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều lý lẽ để… thua trong thế ngẩng cao đầu: Yếu thế hơn kinh nghiệm, nguồn vốn, nhân lực… 

Thế nhưng các doanh nghiệp Việt cho rằng, dù thua nhiều mặt, nhưng các doanh nghiệp Việt cũng có những thế mạnh trong cuộc chơi của xu thế mới này: Bên cạnh thế mạnh của sản phẩm mang tính địa phương, với ngành NDS, nhiều thứ, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp thế giới gần như có chung xuất phát điểm, vì các loại sản phẩm, ứng dụng cũng mới vừa được sáng tạo ra. 

Tuy vậy, dù cuộc cạnh tranh vẫn diễn ra, đã có rất nhiều sản phẩm Việt mang đầy thương tích. VinaSeek, Clip.vn… từng một thời đi trước, đứng đầu Việt Nam, giờ đã phải nép sau những cái bóng khổng lồ. Thế nhưng, mổ xẻ thất bại, lý do chính mà các doanh nghiệp Việt đưa ra lại là sự bất bình đẳng trong các quy định pháp lý, khiến cho ngay trên sân nhà, đội khách lại được hưởng vô vàn ưu thế. Đơn cử như với lĩnh vực tìm kiếm, trong khi các sản phẩm, doanh nghiệp Việt phải chặn tìm kiếm những trang web vi phạm quy định Việt Nam, thì lên Google, người dùng có thể thoải mái tìm kiếm các trang web sex thậm chí dễ dàng tìm đến những trang của bọn phản động nước ngoài. “Chúng tôi không nói là chúng tôi không muốn chấp hành pháp luật, nhưng để cạnh tranh công bằng, hãy cho chúng tôi và đối thủ của mình cùng chấp hành những quy định pháp luật giống nhau, đừng xử phạt một mình các doanh nghiệp Việt”, đại diện một doanh nghiệp đang “thương tích đầy mình” trong mặt trận sản phẩm tìm kiếm nói. 

Bên cạnh những quy định nội dung, một vấn đề bất bình đẳng khác là thuế. Với việc thu tiền qua đại lý hoặc qua thẻ thanh toán quốc tế, các doanh nghiệp nước ngoài không phải đóng 25% thuế lợi tức doanh nghiệp cho Việt Nam và nhiều trường hợp họ cũng không hề đóng 10% thuế VAT, dù rằng họ đang chiếm giữ đến 60% thị trường quảng cáo trực tuyến.

Thị trường NDS là một thị trường đang phát triển và có đặc tính là đã đánh mất thị trường vào tay các ông lớn thì khả năng tấn công để chiếm lại gần như là con số 0. Bây giờ là lúc mà các cơ quan Nhà nước cần rút kinh nghiệm từ những trận thua của các doanh nghiệp Việt Nam, khoác cho môi trường kinh doanh này một chiếc áo pháp lý phù hợp hơn và đưa ra những giải pháp vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt trên internet.

Bài và ảnh: Việt Phương