QĐND - Có mặt tại công trường Thủy điện Lai Châu khi cả nước đang hướng đến ngày lễ kỷ niệm chiến thắng 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc khẩn trương, hăng say của những người lao động nơi đây. Phần lớn cán bộ, kỹ sư, công nhân tham gia dự án đều đã quen với áp lực tiến độ khi từng làm việc tại nhiều công trình trọng điểm trước đó. Đối với họ, niềm hạnh phúc lớn nhất là được chứng kiến thành quả lao động của mình.
 |
Thi công ngăn sông Đà đợt 1 của Thủy điện Lai Châu. Ảnh: Kỳ Anh
|
Công trường không ngủ
9 giờ tối, ánh sáng từ công trường chiếu rọi cả một vùng rừng núi, từng tốp công nhân bắt đầu vào ca ba, công việc của họ chỉ kết thúc vào 5 giờ sáng hôm sau.
Dù mới lên Lai Châu được vài tháng, nhưng anh Nguyễn Bá Thản, công nhân Xí nghiệp 506 (Công ty Sông Đà 5) đã nhanh chóng làm quen với nhịp độ công việc. Để kịp tiến độ ngăn sông và thi công các hạng mục chống lũ, từ nhiều tháng nay, các nhà thầu đã thực hiện làm việc 3 ca liên tục. Tranh thủ phút giải lao, ăn ca, anh Nguyễn Bá Thản chia sẻ về môi trường làm việc mới: “Dù làm ngày hay đêm thì chúng tôi vẫn luôn đặt hiệu quả công việc và an toàn lao động lên trên hết, với công nhân trẻ như tôi càng phải cố gắng để tích lũy kinh nghiệm mới đáp ứng được yêu cầu công việc”.
Đã trải qua nhiều công trình trọng điểm, từ Thủy điện Yaly, Thủy điện Sơn La và nay là Thủy điện Lai Châu, anh Tô Quý Đông (Công ty Sông Đà 908) không còn xa lạ với những đợt thi đua cao điểm, bảo đảm tiến độ công trình. Anh cũng không nhớ hết mình đã đón bao nhiêu dịp lễ tết trên công trường. “Hiện nay, mọi người đều đang dồn sức cho nhiệm vụ chống lũ, khi lũ về mà công trình còn đang dang dở thì công sức đổ xuống sông, xuống biển, vì thế mà mỗi người chúng tôi đều phải cố gắng”, anh Tô Quý Đông bày tỏ.
Trong môi trường làm việc còn nhiều khó khăn, vất vả và cả những mối hiểm nguy, vấn đề an toàn lao động luôn được các đơn vị thi công đặt lên hàng đầu. Theo anh Nguyễn Hữu Hiểu, Chủ tịch Công đoàn Ban điều hành Thủy điện Lai Châu (thuộc Tập đoàn Sông Đà), các chế độ chính sách về bảo hiểm, hợp đồng lao động cho công nhân đều được tất cả các đơn vị thực hiện nghiêm túc, quy trình an toàn lao động cũng thường xuyên được kiểm tra, bảo đảm thực thi đầy đủ. Với đặc thù là đơn vị làm công tác khoan nổ, Xí nghiệp Sông Đà 10.4 (Công ty Sông Đà 10) luôn đặt an toàn lao động lên trên hết. Ông Hoàng Sỹ Hải, Giám đốc xí nghiệp cho biết, tất cả công nhân thực hiện khoan nổ đều phải qua đào tạo bài bản, quy trình thực hiện cũng rất nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn không chỉ người trực tiếp làm nhiệm vụ mà còn cho cả công trường. Công nhân cũng được hưởng chế độ lương riêng và bảo hiểm độc hại. Trong lúc cao điểm, tại Thủy điện Lai Châu có khoảng 4000 người lao động của các đơn vị nhà thầu, với mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng, những công nhân làm việc ở đây cơ bản có thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống gia đình.
Màu xanh cuộc sống mới
Ngày đầu sơ khai trên công trường xây dựng Thủy điện Lai Châu, biết bao khó khăn đã bủa vây những người đi “khai đường, mở lối”, nhất là lo cái ăn, cái mặc hằng ngày. Nơi đặt Nhà máy Thủy điện Lai Châu vốn là vùng rừng núi hoang sơ, cách xa trung tâm tỉnh lỵ hơn 100km, giao thông cách trở, lương thực, thực phẩm hay rau xanh đều hiếm và đắt đỏ. Cả công trường lúc đó chỉ có một chợ tạm duy nhất, hàng hóa ít sự lựa chọn. Hơn một năm sau ngày khởi công, đời sống người lao động đã có nhiều khởi sắc đáng kể. Trên những triền đồi đã mọc lên san sát các dãy nhà cấp 4 lợp mái tôn khang trang, xem lẫn là hàng cây xanh đang đâm chồi, nảy lộc. Hệ thống nước máy sinh hoạt đã đi đến từng căn nhà, cùng với đó là đường điện, ăng ten thu phát vệ tinh và cả mạng internet. Con đường mới mở từ Thị xã Mường Lay vào huyện Mường Tè giúp cho giao thương thuận lợi hơn rất nhiều. Có mặt tại đây từ những ngày đầu, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Ban điều hành Thủy điện Lai Châu thấu hiểu và chia sẻ với người lao động, bởi như ông tâm sự, không chỉ có công việc, người lao động còn cần cuộc sống ổn định, nếu được đáp ứng tối đa nhu cầu trong phạm vi có thể, họ mới có điều kiện để cống hiến. Sự quan tâm, chia sẻ có lẽ là sợi dây gắn kết hàng nghìn con người trên công trường.
Sau mỗi giờ làm việc, những người lao động từ nhiều miền quê khác nhau lại quây quần bên căn phòng tập thể như tổ ấm thứ hai của mình. Có người còn đang độc thân, có người đã chuyển cả gia đình lên công trường. Tháng 5 này, công trường đón thêm niềm vui mới, khi trường mầm non đầu tiên sẽ được khánh thành và khai giảng. Với 6 phòng học, trên diện tích 2.500m2, khoảng 120 em nhỏ là con của những cán bộ, công nhân đang làm việc tại Dự án Thủy điện Lai Châu sẽ học tập tại đây. Một thế hệ tương lai đang được gây dựng sẽ tiếp bước cha anh làm giàu đẹp thêm mảnh đất nơi biên cương của Tổ quốc.
Vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng sẽ từng ngày khởi sắc nhờ nhịp điệu dựng xây từ bàn tay, khối óc của những người lao động hôm nay.
Mạnh Hưng