QĐND - Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước ta, vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường chính thức được đưa vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Điều đó cho thấy môi trường không chỉ là vấn đề có tính cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của con người và sự phát triển bền vững của đất nước.

Do điều kiện lịch sử, Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1980 và 1992 chưa đề cập đến vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường. Khắc phục và bổ sung sự khiếm khuyết đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác lập những điểm rất mới về môi trường.

Thứ nhất: Lần đầu tiên, vấn đề môi trường đã được quy định tại Chương III “Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường”. Như vậy, môi trường là 1 trong 7 vấn đề quan trọng nhất liên quan đến sự sống còn của đất nước đã được hiến định rõ ràng trong Hiến pháp. Điều này là phù hợp với các quan điểm của Đảng đã được xác định trong các văn kiện Đại hội VIII, IX, X, XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị về (Khóa IX) “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Thứ hai: Cùng với các quyền căn bản khác của con người, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã quy định tại Điều 46: “1. Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành; 2. Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Lần đầu tiên trong một luật cơ bản và có hiệu lực pháp lý cao nhất, Nhà nước ta không chỉ thừa nhận, khẳng định “Mọi người có quyền sống” (Điều 21), mà còn nhấn mạnh sâu sắc hơn: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành”. Quy định này vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của con người là được hít thở, sinh sống, làm việc trong bầu khí quyển và môi trường sinh thái trong sạch, mà còn bảo đảm cho con người tránh bị tác động, ảnh hưởng và hệ lụy xấu từ tình trạng ô nhiễm môi trường vốn là một trong những những vấn đề nóng bỏng của quá trình toàn cầu hóa hiện nay. Hiến định như vậy cũng phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta đã tham gia ký kết và phù hợp với nhận thức chung của nhân loại tiến bộ trên thế giới.

Thứ ba: Để bảo đảm cho mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã quy định về trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, tổ chức và cá nhân đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại Điều 68 với 3 điểm: “1. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân ; 2. Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch của tổ chức, cá nhân được Nhà nước khuyến khích ; 3. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại”.

Có thể khẳng định rằng, những hiến định của Điều 68 không chỉ đề cao trách nhiệm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, mà còn tạo hành lang pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành và toàn xã hội cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường sinh thái, tạo điều kiện để con người được sống trong môi trường trong lành và đất nước phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khoa học, nhất quán giữa Điều 46 và Điều 68, cũng như hoàn thiện nội dung của hai điều hiến định này trong Hiến pháp, xin góp ý sửa đổi, bổ sung như sau:

1- Với Điều 46, chỉ nên hiến định một điểm cơ bản là: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành”. Nên bỏ điểm 2 là: “Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Vì nội dung này đã được quy định rõ tại điểm 1 của Điều 68 là: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân”. Các nội dung hiến định trong Hiến pháp đòi hỏi phải bảo đảm tính chính xác, rõ ràng, có sự gắn kết chặt chẽ giữa các điều khoản, không nên có nội dung trùng lặp. Trong khi đó, điểm 1 của Điều 46 và điểm 1 của Điều 68 thực chất có nội dung giống nhau, do đó sửa đổi như vậy là hợp lý.

2- Với Điều 68, đề nghị bổ sung vào điểm 2 thành: “2. Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ môi trường. Mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch của tổ chức, cá nhân được Nhà nước khuyến khích”.

Bổ sung nội dung “cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ môi trường” nhằm khẳng định trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong việc tham gia bảo vệ môi trường, một trong những thách thức lớn nhất của thời đại hiện nay; đồng thời, để bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường mà nước ta là thành viên. Hơn nữa, việc bổ sung như vậy vào Hiến pháp còn góp phần “Nâng cao vị thế của nước ta trên các diễn đàn khu vực và toàn cầu về môi trường” như Nghị quyết 41-NQ/TW của Đảng đã xác định; thể hiện rõ sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc hợp tác chặt chẽ với các nước để giải quyết các vấn đề môi trường liên quốc gia và toàn cầu. 

Bên cạnh đó, cần bổ sung nội dung “phát triển kinh tế xanh” vào điểm này để khẳng định vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc khuyến khích một xu hướng phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường đã được thế giới chú trọng những năm gần đây. Bởi vì, phát triển kinh tế xanh sẽ góp phần giảm thiểu những rủi ro về môi trường, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và cải thiện chất lượng cuộc sống cho con người. Không phải ngẫu nhiên mà Ngày Môi trường thế giới (5-6-2012) được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) xác định chủ đề là “Kinh tế Xanh: Có vai trò của bạn”. Theo phân tích của các chuyên gia và nhà khoa học, chăm lo thúc đẩy nền kinh tế xanh và cải tổ quản lý môi trường là hai nhân tố căn bản bảo đảm tiến trình phát triển bền vững của mỗi quốc gia nói riêng và trên phạm vi toàn cầu nói chung. Mặt khác, việc bổ sung này cũng phù hợp với Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã chỉ ra là: “Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường”(*).

Có thể khẳng định rằng, cùng với việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch, việc hiến định “phát triển kinh tế xanh” trong Hiến pháp để khẳng định sự rõ ràng, nhất quán mục tiêu phát triển ở nước ta là gắn tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đi đôi với giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường để đất nước phát triển hài hòa, bền vững.

Th.S NGUYỄN XUÂN SINH

(Học viện Chính trị)

 (*): Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, HN, 2011, trang 222.