QĐND - Dù liên tục giảm lãi suất huy động vốn, nhưng dòng tiền chảy vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng nhanh, trong khi vốn cho vay tăng trưởng rất thấp. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lại đang đói vốn. Nghịch lý ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn đang là điểm nghẽn của nền kinh tế hiện nay…

Các ngân hàng đang nỗ lực xử lý nợ xấu và giảm lãi suất cho vay.  Ảnh: Kiều Linh

 

Giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng vẫn thấp

Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục giảm. Theo Quyết định 1073 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Thông tư số 10 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), từ ngày 13-5-2013, các mức lãi suất chủ chốt là lãi suất tái cấp vốn; lãi suất tái chiết khấu; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng đều được điều chỉnh giảm tiếp 1%. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam (VND) đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 11%/năm xuống còn 10%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của Quỹ Tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 12%/năm xuống 11%/năm.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN) cho biết, vừa qua, một số TCTD đã giảm lãi suất huy động xuống dưới mức 7,5%. 

Lãi suất huy động và cho vay liên tục giảm nhưng tiền vốn huy động tại các ngân hàng vẫn tăng nhanh, trong khi lượng tiền cho doanh nghiệp vay lại tăng trưởng rất thấp. Theo số liệu báo cáo tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 1,44%, trong khi đó mức huy động là hơn 5%. Tại phiên họp này, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã phát biểu: “Vốn ứ đọng như vậy là sản xuất đình đốn, doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn thì không giải quyết được vấn đề gì đâu”.

Lãi suất thấp chưa đến được doanh nghiệp

Năm ngoái, tại hội nghị toàn ngành, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã kêu gọi các tổ chức tín dụng rút lãi suất cho nợ cũ về tối đa 15%/năm, giảm bớt gánh nặng cho những nỗ lực bám trụ, phục hồi của khách hàng. Tại cuộc họp báo về lãi suất do NHNN tổ chức vào đầu tháng này, đại diện lãnh đạo nhiều ngân hàng tuyên bố sẽ giảm lãi suất cho vay mới và giảm lãi suất cho nợ cũ về tối đa 13%/năm. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ vẫn chưa tiếp cận được các khoản vay với lãi suất thấp. Ông Lê Trung Tuấn, Giám đốc Công ty Về Nguôn Hưng Yên cho biết, đến ngày 21-5, doanh nghiệp của ông vẫn còn có những khoản vay của ngân hàng với lãi suất 16%/năm. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Thắng Lợi cho rằng, việc vay ngân hàng với lãi suất thấp rất khó bởi tiêu chí là một chuyện, xét duyệt là một chuyện. 

Trả lời câu hỏi của các nhà báo, Phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến cho biết: Đến ngày 10-5-2013, tỷ trọng vốn các ngân hàng cho vay ở mức lãi suất hơn 15%/năm đối với các khoản cho vay cũ chiếm khoảng 14%. Như vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải è lưng chịu đựng lãi suất ngân hàng cao. 

Nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng, họ muốn vay mới để đầu tư sản xuất nhưng do còn có những khoản nợ cũ chưa trả được nên ngân hàng không cho vay. Lãnh đạo một số ngân hàng thì cho rằng, lãi suất đã giảm, nhưng tâm lý doanh nghiệp còn chờ đợi sẽ giảm tiếp nên chưa muốn vay. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho vốn trong hệ thống ngân hàng có trạng thái dư thừa.

Tại cuộc hội thảo “Tín dụng ngân hàng phục vụ tăng trưởng kinh tế” do Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) tổ chức vào đầu tháng này, TS Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) nói: “Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đang vật lộn tìm đầu ra và hạn chế vay vốn ngân hàng. Với thực tế này, việc mở rộng tín dụng là vô cùng khó khăn”. Theo ông, để giải bài toán này, trước hết phải làm cho tổng cầu nhích lên, bởi lẽ, khi cầu nền kinh tế chưa có lối thoát, tồn kho xi măng, sắt thép tới 30% - 40% thì chẳng doanh nghiệp nào vay, mặc dù lãi suất có thể giảm thêm 1% - 2%/năm. 

Cấp bách giải quyết nợ xấu

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII (ngày 20-5), Chính phủ nhấn mạnh: “Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ khó tăng cao trong ngắn hạn và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng nếu nợ xấu không sớm được giải quyết, các ngân hàng thương mại không có các giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng cho vay mà vẫn siết chặt điều kiện cho vay sẽ ảnh hưởng đến phục hồi nền kinh tế”. 

Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ lưu ý đến việc giải quyết nợ xấu, mà trước đó, trong nhiều Nghị quyết, nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đôn đốc việc giải quyết nợ xấu. 

Thông tin gửi tới báo chí ngày 20-5, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dự kiến đề án thành lập công ty quản lý tài sản (VAMC) để mua bán nợ xấu sẽ được phê duyệt trong tháng 5 này. 

VAMC là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Vốn điều lệ của VAMC được cấp từ nguồn vốn hợp pháp của Ngân hàng Nhà nước…

Về cơ chế xử lý nợ, VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ của các tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước. Thông qua việc mua và xử lý nợ xấu, VAMC cung cấp các giải pháp để hỗ trợ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp có khoản nợ được bán cho VAMC như: Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; giảm hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán; đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý khó khăn tài chính tạm thời... Các doanh nghiệp có nợ xấu bán cho VAMC sẽ được tiếp tục vay vốn của tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành. “Ngoài ra, VAMC với các cơ chế hoạt động, các quyền đặc thù cùng với sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan sẽ tháo gỡ khó khăn về pháp lý, chính sách thuế… cho doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản đảm bảo cho tổ chức tín dụng, VAMC xử lý nợ và tài sản bảo đảm đã mua. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ được quyền tham gia vào quá trình này theo nguyên tắc thị trường dưới hình thức bán đấu giá”, Ngân hàng Nhà nước gợi mở.

Như vậy, bài toán giải quyết nợ xấu đã có lời giải. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Kế toán Ngân hàng Nhà nước, muốn tín dụng tăng thì hãy đi từ nguyên nhân gốc của vấn đề, đó là tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thực. Vì thế, trước hết, cần phải tái cấu trúc doanh nghiệp về công nghệ, quản trị, nhân lực và động lực kinh doanh.

“Lãi suất cho vay của ngân hàng có giảm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn vay; từ đầu năm 2013 đến nay, đã có hàng nghìn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị giải thể, phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất dẫn đến số người mất việc làm tiếp tục gia tăng”. 

(Trích ý kiến, kiến nghị của cử tri do UBTƯMTTQ Việt Nam tổng hợp gửi tới Quốc hội)

 

“Khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cần được tháo gỡ cùng với việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn vốn tín dụng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô để tăng niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào triển vọng đầu tư, kinh doanh”.

(Trích Báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội)

ĐỖ PHÚ THỌ