QĐND - Sau 2 đợt giá xăng dầu điều chỉnh vào cuối tháng 2 và cuối tháng 3 vừa qua, gần như ngay lập tức giá cước vận tải cũng tăng theo, chủ yếu tập trung vào vận tải ô tô. Trong khi đó, ngành đường sắt, hàng không cũng đang tính đến các phương án tăng giá bởi sức ép từ chi phí đầu vào quá lớn.
 |
Xe khách đường dài đã ngay lập tức tăng giá vé sau khi giá xăng dầu điều chỉnh. (Ảnh chụp tại Bến xe phía Nam, Hà Nội).
|
Doanh nghiệp vận tải ô tô nhìn nhau tăng giá
Hiện nay, vận tải ô tô chiếm khoảng 85% khối lượng vận chuyển hành khách và 70% khối lượng vận chuyển hàng hóa. Trong khi đó, nhiên liệu là một trong những nguồn chi phí chủ yếu đối với vận tải ô tô. Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải ô tô, nếu chi phí nhiên liệu tăng 20% thì giá cước phải tăng 10% mới đủ bù. Chính vì vậy, vận tải ô tô luôn có phản ứng nhanh nhạy đối với điều chỉnh giá xăng dầu. Ghi nhận của Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho thấy, sau đợt tăng giá xăng dầu lần thứ 2 trong năm nay, cước của các tuyến xe khách đường dài xuất phát từ Hà Nội đã tăng từ 10 đến 15%. “Có những đơn vị vận tải đề nghị tăng đến 20% nhưng chúng tôi đã hạn chế. Các đơn vị đều rất muốn tăng nhưng mức 15% là tối đa chúng tôi cho phép bởi phải bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát”, ông Lý Trường Sơn, Phụ trách Phòng Kế hoạch, Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết. Trên thực tế thì giá cước vận tải hành khách bằng ô tô hiện nay do các đơn vị kinh doanh chủ động, chỉ phải kê khai với một số sở ngành, địa phương, vì thế “nếu thời gian tới, chi phí cá nhân của họ tăng lên quá lớn thì các đơn vị có thể tăng cước theo kiểu nhỏ giọt, rất khó hạn chế được”, ông Lý Trường Sơn nhận định.
Với thị trường vận tải cạnh tranh cao, xu hướng cung đã vượt quá cầu, thì các đơn vị đều phải nhìn nhau để điều chỉnh giá cước, “không đơn vị nào dám tăng quá cao, bởi hành khách luôn có sự lựa chọn, giá cao quá đi kèm với mất thị phần”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cho hay. Điều đó có thể thấy rõ qua phản ánh tại các bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ vừa qua, lượng khách đã giảm hơn cùng kỳ nhiều năm, hành khách phải cân nhắc về quyết định đi lại của mình trong bối cảnh không chỉ cước vận tải mà giá cả nhiều mặt hàng đều tăng cao.
Trong khi đó, với cước taxi, theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, một số doanh nghiệp taxi lớn đã tăng giá với mức phổ biến từ 10 đến 15%, số khác đang phải cân nhắc bởi “nếu tăng giá cước dồn dập không phải dễ dàng mà khách hàng chấp nhận”, ông Bình chia sẻ. Để cân đối với áp lực giá nhiên liệu, các doanh nghiệp taxi đang tính toán lại các yếu tố cấu thành giá, chi phí, mỗi đơn vị sẽ tự điều chỉnh giá cước của mình trên cơ sở vừa tránh bị lỗ vừa bảo đảm thị phần. “Chúng tôi sẽ có những biện pháp cảnh báo với các đơn vị trước khi tăng giá nếu có biểu hiện “té nước theo mưa”, ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách”, ông Đỗ Quốc Bình khẳng định.
Đường sắt tăng cước hàng hóa, hàng không chờ nới giá trần
Đầu tháng 4, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tăng giá vé các loại ghế ngồi cứng, giường nằm cứng không điều hòa thêm 5%; giá vé các loại ghế ngồi, giường nằm cứng, giường nằm mềm có điều hòa tăng từ 10 đến 18%. Nhưng theo bà Phạm Thị Kim Dung, Phó trưởng ban Kinh doanh vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đó là giá tăng trên cơ sở giá nhiên liệu trước khi được điều chỉnh lần thứ 2 trong năm nay, nên cho dù chịu sức ép lớn nhưng giá vé hành khách đường sắt chưa thể tăng tiếp trong thời gian tới. Để bù một phần chi phí nhiên liệu, ngành đường sắt đã phụ thu thêm 8% đối với cước vận chuyển hàng hóa. “Cước hàng hóa có thể điều chỉnh ngay, khách hàng cũng dễ chấp nhận nhưng giá vé hành khách không thể muốn là tăng ngay được, chúng tôi phải có thời gian để tính toán kỹ càng”, bà Phạm Thị Kim Dung chia sẻ.
Dường như đứng ngoài vòng xoáy tăng giá cước, bởi bị bó buộc với quy định mức giá trần hiện hành, ngành hàng không đang phải vật lộn với áp lực chi phí đầu vào. Tổng công ty Hàng không Việt Nam đang phải bù lỗ nội địa, trong khi Công ty hàng không Jetstar Pacific cũng gặp nhiều khó khăn. “Nhiều yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không đều đã có điều chỉnh trong thời gian qua, như tỷ giá tăng đến hơn 20%, trong khi chi phí cho hàng không chủ yếu trả bằng ngoại tệ, rồi giá xăng dầu tăng, vì vậy nên kiến nghị nới mức giá trần hàng không hiện nay là hợp lý”, ông Võ Huy Cường, Trưởng ban Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết. Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính đã có thống nhất điều chỉnh khung giá trần hàng không lên từ 20 đến 27%, dự kiến đến đầu tháng 5-2011 sẽ có mức giá trần mới, khi đó, doanh nghiệp mới có thể tính đến tăng giá vé.
Bài và ảnh: Mạnh Hưng