QĐND - Ngày 1-12, Nga tuyên bố ngừng thực hiện dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt mang tên “Dòng chảy phương Nam” (South Stream) trị giá 40 tỷ USD tới khu vực Trung và Nam Âu. Theo hãng tin Roi-tơ, Nga chọn Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác để xây dựng một đường ống dẫn khí đốt thay thế, kèm theo lời hứa sẽ bán khí đốt giá rẻ cho An-ca-ra. Đây được cho là một leo thang tranh chấp giữa Nga và châu Âu liên quan đến cuộc khủng hoảng U-crai-na.

Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1-12, Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin) tuyên bố ngừng thực hiện dự án xây dựng đường ống "Dòng chảy phương Nam" dẫn khí đốt từ Nga sang Trung và Nam Âu qua Biển Đen. Lý do trực tiếp mà Tổng thống Pu-tin đưa ra là Mát-xcơ-va đã không nhận được giấy phép xây dựng từ Bun-ga-ri do sức ép từ Liên minh châu Âu (EU). Tại thủ đô An-ca-ra, Tổng thống Pu-tin tuyên bố trong điều kiện hiện nay, Nga không thể bắt đầu xây dựng "Dòng chảy phương Nam" như dự kiến. Ông Pu-tin lấy làm tiếc về quan điểm "không xây dựng" của EU khi phong tỏa dự án "Dòng chảy phương Nam".

Tổng thống Pu-tin phát biểu tại cuộc họp báo hôm 1-12 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Roi-tơ.

 

“Tôi nghĩ rằng, thái độ của Liên minh châu Âu về vấn đề này là tiêu cực. Họ đã không giúp đỡ để dự án này được thực hiện mà thay vào đó họ đã ngăn chặn dự án này. Nếu châu Âu không muốn thực hiện dự án này thì chúng tôi cũng không để điều đó xảy ra”, ông Pu-tin nói. Thậm chí, ông còn đề nghị Bun-ga-ri yêu cầu EU phải đền bù cho những lợi ích bị bỏ lỡ khi "Dòng chảy phương Nam" không được triển khai, mà theo ông đánh giá chỉ riêng nguồn thu ngân sách từ phí trung chuyển khí đốt sẽ đem lại cho Xô-phi-a 400 triệu ơ-rô mỗi năm.

Cũng tại An-ca-ra, Tổng thống Pu-tin cho biết Mát-xcơ-va sẽ phải thay thế "Dòng chảy phương Nam" bằng những tuyến đường ống khác, đưa khí đốt đến các khu vực khác của thế giới, đồng thời sẽ đẩy nhanh các dự án khí hóa lỏng. Một trong các định hướng thay thế đó là xây dựng đường ống mới, công suất 63 tỷ mét khối/năm, đi qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, và lập một "cổng" cấp khí tại biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp dành cho người tiêu dùng ở Nam Âu. Ông Pu-tin tuyên bố, Nga sẽ giảm giá khí đốt 6% cho Thổ Nhĩ Kỳ trong năm tới và cung cấp thêm cho nước này 3 tỷ mét khối khí đốt trong năm nay.

Sau tuyên bố của Tổng thống Nga, người đứng đầu ngành năng lượng Nga A-lếch-xan-đơ Nô-vắc (Aleksander Novak) khẳng định, mọi hợp đồng và thỏa thuận liên chính phủ về dự án "Dòng chảy phương Nam" vẫn còn hiệu lực. Mát-xcơ-va sẽ thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ theo hợp đồng và vẫn là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy đối với châu Âu. Tuy nhiên, Tổng thống Nga phải đi đến quyết định trên vì EU không ủng hộ dự án này và "có ý kiến" với các nước đã ký thỏa thuận với Nga.

Đường đi dự kiến trước đây của "Dòng chảy phương Nam". Ảnh: AP.

“Dòng chảy phương Nam” là dự án tham vọng được Nga khởi động từ tháng 12-2012, vận chuyển khí đốt sang châu Âu mà không đi qua lãnh thổ U-crai-na, nhằm giảm sự phụ thuộc vào đường ống trung chuyển khí đốt của U-crai-na, nhờ đó mà tăng an ninh năng lượng cho châu Âu và đa dạng hóa được các nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Trong khi đó, EU và Mỹ cho rằng “Dòng chảy phương Nam” sẽ khiến châu Âu càng thêm phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Hiện nay, Nga đang cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu và khoảng 30% lượng dầu mỏ nhập khẩu của châu lục này.

"Dòng chảy phương Nam", do tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga và tập đoàn năng lượng ENI của I-ta-li-a cùng khởi xướng, có chiều dài gần 900km, tổng vốn đầu tư ước tính lên đến 40 tỷ USD với tổng công suất 63 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, sẽ đi qua đáy Biển Đen ở các khu vực đặc quyền kinh tế của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Bun-ga-ri, còn phần trên đất liền sẽ chạy qua lãnh thổ Bun-ga-ri, Xéc-bi-a, Hung-ga-ri, Xlô-vê-ni-a và kết thúc ở I-ta-li-a. Nếu hoàn tất, dòng khí đốt đầu tiên sẽ được bơm qua đường ống vào cuối năm 2015. Dự án đang triển khai đến phần đi qua lãnh thổ Bun-ga-ri thì bị nước này đình chỉ hồi tháng 6 vừa qua theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu (EC), vốn cho rằng dự án trên vi phạm luật cạnh tranh và chính sách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng nhằm giảm dần sự phụ thuộc của EU vào khí đốt từ Nga.

NGỌC HÀ