QĐND Online – Sáng 6-6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư. Tại các tổ phóng viên báo QĐND Online có mặt đều ghi nhận sự băn khoăn của các đại biểu về việc cần có giải pháp để nâng cao chất lượng luật sư. Không ít ý kiến cho rằng, việc tăng thời gian đào tạo luật sư không đồng nghĩa với việc tăng chất lượng luật sư.
Để nâng cao chất lượng cần tăng thời gian tập sự
Sau 5 năm thi hành Luật Luật sư, đội ngũ luật sư đã phát triển nhanh về số lượng, với hơn 7.072 luật sư (tăng 250,8% so với trước khi Luật có hiệu lực) và gần 3.500 người tập sự hành nghề luật sư, hoạt động trong 2.831 tổ chức hành nghề luật sư. Hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư được củng cố một bước rất quan trọng với việc thành lập Liên đoàn luật sư Việt Nam và kiện toàn 62 Đoàn luật sư/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chất lượng của đội ngũ luật sư ở nước ta từng bước được nâng lên, số luật sư đã qua đào tạo nghề luật sư chiếm hơn 75% tổng số luật sư.
 |
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư.
|
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ chức và hoạt động luật sư ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Chất lượng của đội ngũ luật sư, tuy đã được nâng lên một bước, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; số luật sư có trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế chỉ chiếm khoảng 1,2%; một bộ phận luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, thậm chí bị kết án.
Để nâng cao được chất lượng luật sư, Ban soạn thảo về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã đưa ra quy định tăng thời gian đào tạo lên 12 tháng và thời gian tập sự là 12 tháng. Đai biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) băn khoăn với quy định này và cho rằng, phải đánh giá xem, thời hạn tập sự ảnh hưởng đến chất lượng của luật sư như thế nào? Đào tạo luật sư là giai đoạt tiếp của đào tạo đại học do vậy chỉ cần 6 tháng là đủ, còn lại phải là dành cho tập sự. Quy định 12 tháng tập sự là chưa hợp lý.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch chỉ ra, việc tăng thời gian đào tạo là không hợp lý vì sẽ có nhiều nội dung trùng, học rồi. Trên thế giới, với nhiều nước do có nhiều án lệ mới cần học nhiều, còn ở Việt Nam không có, do vậy chỉ cần đào tạo 6 tháng là đủ. Để nâng cao chất lượng luật sư cần thời gian tập sự là 18 tháng.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Ánh (đoàn TP Hồ Chí Minh) còn đề nghị tăng mức tập sự lên 3 năm và theo ông, kéo quá dài thời gian đào tạo như dự thảo sẽ không có gì để dạy và không giúp nâng cao chất lượng cho luật sư.
Cân nhắc với việc miễn đào tạo nghề luật sư
Theo nội dung Tờ trình của Chính phủ thì dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư và thu hẹp các đối tượng được miễn đào tạo và tập sự hành nghề luật sư. Theo đó, đối với một số đối tượng đã từng đảm nhiệm các chức danh tư pháp thì phải bảo đảm có đủ 5 năm thực tế công tác trở lên mới được xem xét cho miễn đào tạo và tập sự hành nghề luật sư.
Đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết phải có giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng của đội ngũ luật sư, trong đó có việc quy định chặt chẽ hơn về điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư. Tuy nhiên, quy định tiêu chuẩn đối với luật sư vừa phải bảo đảm mặt bằng chung với các chức danh tư pháp khác, đồng thời có sự phân định phù hợp với từng loại chức danh tư pháp. Theo cách tiếp cận đó, đa số ý kiến cho rằng, để được bổ nhiệm các chức danh tố tụng như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên (kể cả thẩm phán, kiểm sát viên sơ cấp) thì các đối tượng này phải trải qua thời gian đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và thời gian công tác thực tiễn nhất định. Vì vậy, việc quy định phải có thêm thời gian 5 năm trở lên giữ các chức danh đó mới được miễn đào tạo nghề luật sư là không hợp lý.
Đối với các chức danh khác (không phải là chức danh tố tụng) thì cần cân nhắc quy định bắt buộc phải qua một thời gian đào tạo nghề luật sư và tập sự hành nghề luật sư nhất định mới được xét cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Đối với công chứng viên, chấp hành viên, thừa phát lại không nên đưa vào diện được miễn đào tạo nghề luật sư vì họ chưa được đào tạo nghề tiến hành tố tụng.
Bỏ hay giữ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư?
Điều 27 Dự thảo Luật quy định, đối với các vụ án hình sự, vẫn duy trì việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, nhưng giấy chứng nhận này có giá trị trong toàn bộ các giai đoạn tố tụng, đồng thời, thủ tục cấp Giấy chứng nhận bào chữa được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa hơn.
Đại biểu Phạm Văn Gòn, Huỳnh Ngọc Ánh cùng nhiều đại biểu khác cho rằng, xuất phát từ yêu cầu của quá trình cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trong tương lai cần nghiên cứu bãi bỏ quy định cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư. Điều này nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của bị can, bị cáo và người bị tạm giữ, đồng thời phù hợp với thông lệ chung của pháp luật các nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như ý thức pháp luật và tình hình diễn biến tội phạm ở nước ta hiện nay thì trước mắt, việc duy trì quy định cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư trong tố tụng hình sự là cần thiết, đặc biệt là đối với các vụ án về xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm có tổ chức, các tội phạm về ma túy. Do vậy, đa số ý kiến tán thành với dự thảo luật, đồng thời đề nghị quy định rõ các căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của luật sư cũng như bảo đảm tốt hơn quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ.
Xuân Dũng