 |
Tổng thống Donald Trump tiếp tục cáo buộc WTO đối xử bất công với Mỹ. Ảnh: Getty Images |
Ngày 11-4, tờ The Economic Times đưa tin, phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cáo buộc Mỹ đã bị WTO lợi dụng. Ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo Mỹ sẽ rút khỏi WTO nếu tiếp tục bị đối xử bất công. Tổng thống Donald Trump cho rằng nếu như Trung Quốc hay Ấn Độ được WTO coi là các quốc gia đang phát triển thì Mỹ cũng phải được như thế. “Trung Quốc giành được những lợi thế to lớn vì họ là một quốc gia đang phát triển. Ấn Độ cũng là một quốc gia đang phát triển. Mỹ lại là một quốc gia phát triển. Mỹ vẫn còn nhiều thứ để phát triển”, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh.
Những tuyên bố trên một lần nữa phản ánh sự thất vọng của Tổng thống Donald Trump khi các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ được hưởng lợi từ những ưu đãi thương mại dành cho các quốc gia đang phát triển tại WTO. Hồi tháng 2 vừa qua, Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ thông báo chính quyền Mỹ đã đưa nhiều quốc gia ra khỏi danh sách các nước “đang phát triển” vì cho rằng quy định được cập nhật gần nhất vào năm 1998 “đã lỗi thời”. Quyết định được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump chỉ thị chính quyền cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng các nước thành viên WTO tự tuyên bố là “nước đang phát triển” để tận dụng những ưu đãi về thương mại toàn cầu. Với quyết định trên, Mỹ đã đơn phương xóa bỏ các ưu đãi theo quy chế của WTO dành cho một loạt các quốc gia và vùng lãnh thổ đang phát triển (tự coi là đang phát triển hoặc được công nhận là đang phát triển), bao gồm: Albania, Argentina, Armenia, Brazil, Bulgaria, Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Colombia, Costa Rica, Gruzia, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Malaysia, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan, Ukraine và Việt Nam.
Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump chỉ trích và kêu gọi WTO phải có “sự điều chỉnh”. Nhà lãnh đạo Mỹ từng gọi WTO là một “thảm họa”, đồng thời cáo buộc tổ chức này đã đối xử với Washington “rất tệ suốt nhiều năm” và “chúng tôi ở trong tình thế bất lợi trước WTO”. Gần đây nhất, tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ (WEF Davos) hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố WTO đã đối xử không công bằng với Mỹ vì Trung Quốc và Ấn Độ đều được coi là các quốc gia đang phát triển, còn Mỹ thì không.
Kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump vẫn luôn thể hiện quan điểm cứng rắn trong các vấn đề thương mại. Ông muốn viết lại “luật chơi” của kinh tế thế giới theo hướng có lợi hơn cho Mỹ nhằm phục vụ mục tiêu cốt lõi “Nước Mỹ trên hết”. Và để “đòi lại” những lợi ích kinh tế thương mại mà ông cho rằng Washington đã đánh mất bởi quan hệ thương mại không công bằng, Tổng thống Donald Trump đã không ngần ngại rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), liên tiếp áp mức thuế quan mới đối với hàng hóa của nhiều đối tác thương mại lớn, ngay cả đồng minh lâu năm như Liên minh châu Âu (EU) cũng không là ngoại lệ... Vì vậy, lời đe dọa rút khỏi WTO của nhà lãnh đạo Mỹ được cho rằng không chỉ là lời “nói suông”. Giới phân tích lo ngại sự ra đi của một thành viên “nặng ký” như Mỹ-nền kinh tế thành viên lớn nhất, có nguy cơ làm xói mòn tính pháp lý của WTO bởi dưới sức ép từ chủ nghĩa bảo hộ của Washington, các thành viên nhiều khả năng buộc phải phớt lờ WTO và tự giải quyết các tranh chấp thương mại để bảo vệ lợi ích của mình. Điều đó cũng đồng nghĩa WTO sẽ bị mất vai trò vừa là luật chơi, vừa là trọng tài của cuộc chơi mang tên “thương mại toàn cầu”. Trật tự thương mại đa phương toàn cầu tự do và dựa trên luật lệ sẽ bị chủ nghĩa bảo hộ soán ngôi, cùng với đó là vòng luẩn quẩn của những đòn “ăn miếng trả miếng” trên phạm vi toàn cầu.
HOÀNG VŨ