“Tất cả những điều này được thực hiện vì lợi ích kinh tế cũng như lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta”, ông Biden cho biết tại địa điểm Intel xây dựng nhà máy trị giá 20 tỷ USD ở bang Ohio. Ông Biden cho rằng Mỹ sẽ cần phát triển kỹ thuật hiện đại cho các hệ thống vũ khí trong tương lai vốn phụ thuộc nhiều vào chip. Theo ông, Mỹ cần tăng cường sản xuất chip trong nước để giảm chi phí và tạo ra nhiều việc làm.

Nhà lãnh đạo Mỹ thực hiện chuyến thăm trên nhằm nêu bật tầm quan trọng của chương trình trị giá hơn 50 tỷ USD để hỗ trợ sản xuất chip trong nước và mở rộng nghiên cứu trong lĩnh vực này theo Đạo luật Khoa học và chip. Nhà máy của Tập đoàn Intel là cơ sở sản xuất chip đầu tiên tại Mỹ được xây dựng dựa trên đạo luật này.

leftcenterrightdel

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của sản xuất chip tại buổi lễ khởi công xây dựng nhà máy của Tập đoàn Intel. Ảnh: AP

Trước đó, hồi tháng 8 vừa qua, Tổng thống Biden đã ký ban hành Đạo luật Khoa học và chip nhằm tăng cường việc sản xuất chip trong nước và giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các nhà cung cấp nước ngoài. Theo đạo luật này, Mỹ sẽ dành 280 tỷ USD trong 10 năm tới cho lĩnh vực sản xuất chip và nghiên cứu khoa học. Trong đó, 52 tỷ USD sẽ dành riêng cho ngành sản xuất chip, 39 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các ưu đãi trực tiếp nhằm kích thích sản xuất để thúc đẩy việc xây dựng và mở rộng các nhà máy sản xuất. Số tiền này sẽ được phân bổ trong 5 năm với 19 tỷ USD được giải ngân trong năm nay và 5 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2026. Đạo luật này được thông qua với sự đồng thuận hiếm hoi của lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Các nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều đánh giá đạo luật này là cần thiết để giúp Mỹ cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc, cũng như tăng cường an ninh quốc gia.

Bộ Thương mại Mỹ hiện là cơ quan chịu trách nhiệm về các chương trình khuyến khích sản xuất chip. Theo sắc lệnh hành pháp thành lập Hội đồng chỉ đạo thực hiện Đạo luật Khoa học và chip do Tổng thống Biden ký ban hành, hội đồng này sẽ có vai trò điều phối xây dựng chính sách nhằm bảo đảm thực hiện đạo luật hiệu quả.

Chip được xem là “bộ não” của các thiết bị từ điện thoại thông minh, máy vi tính cho đến ô tô, các loại vũ khí và những thiết bị công nghệ khác. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tạo ra “cơn khát” chip trầm trọng trên quy mô toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp ô tô, thiết bị y tế, thiết bị gia dụng, điện tử tiêu dùng... Do đó, bảo đảm ổn định nguồn cung loại vật liệu mang tính chiến lược này trở thành vấn đề cấp bách đối với nhiều quốc gia.

Trong nhiều tháng qua, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden đã cảnh báo về rủi ro chuỗi cung ứng và an ninh quốc gia nếu nước này không đầu tư vào việc sản xuất chip trong nước. Họ cho rằng nếu không đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất chip, Mỹ sẽ trở nên quá phụ thuộc vào nguồn cung chip từ các quốc gia khác. Ngoài ra, việc tăng chi phí để hỗ trợ ngành sản xuất chip là việc làm cần thiết để nâng cao lợi thế cạnh tranh công nghệ của Mỹ và phục hồi ngành công nghiệp chip đang dần tụt hậu của nước này.

Không chỉ Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang đổ tiền vào ngành công nghiệp sản xuất chip nhằm giành “ngôi vương” trong lĩnh vực này. Theo nhận định của các chuyên gia, sản xuất chip là một trong những lĩnh vực cốt lõi trong cuộc đua cạnh tranh công nghệ giữa các nước.

LÂM ANH