Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley, đã đến Washington để thông báo quyết định này cùng với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Cả hai đều khẳng định dù rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ nhưng Mỹ vẫn sẽ là nước đi đầu trong việc bảo vệ nhân quyền. Bà Nikki Haley cũng nêu rõ việc Mỹ quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ không có nghĩa là nước này rút lui khỏi các cam kết đối với nhân quyền.
 |
Đại sứ Nikki Haley (bên trái) và Ngoại trưởng Mike Pompeo tại cuộc họp báo ngày 19-6 thông báo quyết định Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: Reuters |
Đại sứ Nikki Haley nhấn mạnh rằng, quyết định rời đi được đưa ra trước thực tế là không một quốc gia nào “có can đảm để ủng hộ các cuộc đấu tranh” do Mỹ khởi xướng nhằm cải cách tổ chức. Bà Nikki Haley nói rằng “thật đáng tiếc” khi Hội đồng Nhân quyền không chú ý đến lời kêu gọi cải cách từ phía Mỹ. Cả bà Nikki Haley và ông Mike Pompeo nhấn mạnh rằng quyết định được đưa ra sau một năm dài nỗ lực bất thành trong việc cải cách hội đồng và loại bỏ các thành viên bị cáo buộc lạm quyền. Theo bà Nikki Haley, những cải cách này là cần thiết để đưa hội đồng trở thành cơ quan bảo vệ nhân quyền một cách nghiêm túc.
Một trong những cải cách mà Mỹ mong muốn Hội đồng Nhân quyền thực hiện là xóa bỏ tư cách của một thành viên ra khỏi tổ chức này sẽ dễ dàng hơn thay vì việc cần phải có ít nhất 2/3 thành viên hội đồng đồng ý.
Hội đồng Nhân quyền LHQ được thành lập vào năm 2006 tại Geneva (Thụy Sĩ) với mục đích thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Tuy nhiên, các tuyên bố và báo cáo của tổ chức này thường xuyên xung đột với quan điểm từ phía Mỹ. Đặc biệt là hội đồng nhiều lần lên án Israel sử dụng bạo lực chống lại người dân Palestine ở dải Gaza và Bờ Tây. Tháng trước, hội đồng đã bỏ phiếu nhất trí điều tra về bạo lực tại dải Gaza và lên án Israel đã sử dụng vũ lực quá mức ở vùng lãnh thổ này của Palestine. Tất nhiên, Mỹ không bao giờ bỏ phiếu cho những quyết định chống lại đồng minh số một của mình ở khu vực Trung Đông là Israel tại tổ chức này.
Việc Mỹ quyết định rời khỏi Hội đồng Nhân quyền được cho là có liên quan tới chính sách bênh vực và thiên vị Israel của Washington. Chẳng vậy mà cùng với thông báo quyết định rời khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ, bà Nikki Haley đã đồng thời lên án hội đồng có quan điểm thành kiến chống lại Israel. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng: “Hội đồng vẫn tiếp tục lên án và có hành động thiên vị chống Israel là điều không thể chấp nhận được. Kể từ khi được thành lập đến nay, hội đồng đã thông qua nhiều nghị quyết hơn để lên án Israel so với phần còn lại của thế giới”.
Giám đốc điều hành Tổ chức Giám sát Nhân quyền Ken Roth cho rằng Hội đồng Nhân quyền LHQ luôn đóng vai trò quan trọng tại một số nước khác nhau, nhưng dường như những gì Tổng thống Donald Trump quan tâm chỉ là bảo vệ Israel.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang là mục tiêu chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền vì chính sách nhập cư khắc nghiệt đã chia cắt gần 2.000 trẻ em khỏi cha mẹ của chúng tại khu vực biên giới với Mexico, quyết định rời khỏi tổ chức này của Mỹ cũng còn vì chính mình. Sẽ là một nghịch lý khi Mỹ là một thành viên chủ chốt trong Hội đồng Nhân quyền lại đang phải đối mặt với những chỉ trích liên quan tới vấn đề nhạy cảm như vậy.
Trước quyết định của Mỹ, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, ông rất tiếc trước quyết định rút khỏi hội đồng của Washington. Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền LHQ Vojislav Šuc cho biết vấn đề thay thế vị trí mà Mỹ để lại tại Hội đồng Nhân quyền sẽ được xem xét tại Đại hội đồng LHQ. Phát biểu sau quyết định của Mỹ, ông Vojislav Šuc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một Hội đồng Nhân quyền mạnh mẽ và năng động, giữ vai trò trung tâm của LHQ trong thế kỷ 21, trong bối cảnh hiện nay khi các giá trị, sức mạnh của chủ nghĩa đa phương và quyền con người luôn là những vấn đề được đề cập hằng ngày.
Việc Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền là động thái của Washington từ chối theo đuổi các cam kết đa phương gần đây nhất là sau khi nước này rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, Mỹ cũng đã rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) khi cho rằng tổ chức này đã bị chính trị hóa và trở thành một diễn đàn có thành kiến và xu hướng chống lại Israel.
XUÂN PHONG