Theo New York Times, G.Ních-xơn là sĩ quan CIA đầu tiên trực tiếp thẩm vấn sau khi ông Xát-đam Hút-xen bị bắt vào tháng 12-2003. Trong cuốn sách của mình, G.Ních-xơn cho biết, khi bị thẩm vấn kỹ càng, Xát-đam Hút-xen đã khiến tất cả các nhận định trước đó của CIA “bị đảo ngược hoàn toàn” cho dù đây không phải là điều ông và CIA muốn nghe.
Trang bìa cuốn sách “Thẩm vấn Tổng thống: Vụ thẩm vấn Xát-đam Hút-xen” mới được xuất bản. Ảnh: amazon.com
Trước hết, CIA đã sai lầm khi cho rằng I-rắc sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD). “Các người đã tìm thấy kẻ phản bội giúp bắt được Xát-đam Hút-xen. Chẳng lẽ lại không có kẻ phản bội nào có thể chỉ cho các người nơi cất giấu WMD? I-rắc không phải là quốc gia khủng bố. Chúng tôi không có quan hệ gì với Bin La-đen (Osama bin Laden) và không sở hữu WMD. Chúng tôi cũng không phải là mối đe dọa với các nước láng giềng. Thế nhưng Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ (George W.Bush) lại cho rằng, I-rắc muốn tấn công bố ông ấy và có sở hữu WMD. Chúng tôi thậm chí còn chưa từng nghĩ và nhắc tới việc dùng WMD. Sử dụng WMD để chống lại thế giới này sao? Liệu có ai có đủ cơ sở vật chất để làm điều đó? ”, tác giả G.Ních-xơn nhớ lại lời của cố Tổng thống I-rắc trong cuộc thẩm vấn.
Cựu sĩ quan CIA cho biết, trong cuộc thẩm vấn, ông Xát-đam Hút-xen đã phủ nhận sự dính líu tới các cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. “Hãy nhìn vào những kẻ dính líu mà xem. Chúng từ đâu đến? Chính là từ A-rập Xê-út. Còn kẻ cầm đầu M.Át-ta (Muhammad Atta), y là người I-rắc sao? Không phải. Y là người Ai Cập. Tại sao các người lại nghĩ tôi có dính líu đến các vụ tấn công đó?”, ông Xát-đam Hút-xen hỏi ngược lại G.Ních-xơn trong cuộc thẩm vấn.
Cố Tổng thống I-rắc đã tin rằng, sự kiện ngày 11-9 sẽ đưa I-rắc và Mỹ xích lại gần nhau hơn để chống những kẻ Hồi giáo cực đoan nhưng thực tế là ông đã sai lầm một cách đau đớn. “Trong cách nghĩ của Xát-đam Hút-xen, hai nước là đồng minh tự nhiên trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và ông ấy đã nói nhiều lần trong cuộc thẩm vấn là ông ấy không thể hiểu tại sao Mỹ lại không đồng tình với ông ấy”, G.Ních-xơn viết.
Cuốn sách của G.Ních-xơn còn tiết lộ, thậm chí CIA cũng hiểu nhầm ngay cả về sức khỏe và thói quen sinh hoạt của cố Tổng thống I-rắc. CIA cho rằng Xát-đam Hút-xen bị chứng đau lưng nghiêm trọng và đã từ bỏ thói quen ăn thịt đỏ cũng như hút xì gà. Tuy nhiên, trong cuộc thẩm vấn, cố Tổng thống I-rắc đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước “thông tin tình báo” trên. Ông đã nói với G.Ních-xơn rằng, bản thân có thói quen hút 4 điếu xì gà mỗi ngày và rất thích ăn thịt đỏ. “Đáng ngạc nhiên nữa là ông ấy rất khỏe mạnh”, cựu sĩ quan CIA G.Ních-xơn viết. Trong khi hồ sơ của CIA cho rằng Xát-đam Hút-xen là một kẻ dối trá “kinh niên” thì thực tế, theo tác giả, ông lại là người khá thẳng thắn.
Tác giả G.Ních-xơn cho biết, trong cuộc thẩm vấn, ông Xát-đam Hút-xen đã cảnh báo về thất bại của Mỹ trong nỗ lực xây dựng một I-rắc như mong muốn: “Các người sẽ thất bại. Các người sẽ thấy rằng việc quản lý I-rắc là không dễ dàng chút nào”. Lý do ông Xát-đam Hút-xen đưa ra lời cảnh báo đó là vì Mỹ không hiểu gì về I-rắc, từ ngôn ngữ, cách nghĩ, lịch sử cho đến thời tiết của đất nước này. “Những gì ông ấy dự đoán đều chính xác. I-rắc rơi vào hỗn loạn, gần 200.000 người thiệt mạng trong các cuộc xung đột sau đó. 13 năm đã trôi qua nhưng vẫn còn ít nhất 5.000 lính Mỹ đóng tại I-rắc”, cựu sĩ quan CIA G.Ních-xơn nhận xét.
Theo ý kiến của G.Ních-xơn, nếu như ông Xát-đam Hút-xen không bị lật đổ thì tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng sẽ không có “đất dụng võ” như hiện nay. “Một nhóm như IS lẽ ra sẽ không thể có được thành công như hiện nay dưới chính quyền dòng Si-ai của ông ấy”, G.Ních-xơn viết.
Trong cuốn sách “Thẩm vấn Tổng thống: Vụ thẩm vấn Xát-đam Hút-xen”, tác giả cũng chỉ ra giới hoạch định chính sách tại Nhà Trắng và giới chóp bu của CIA đã không muốn nghe thấy rằng “nhiều trong số các lý do để truy sát Xát-đam Hút-xen đều dựa trên những căn cứ sai lầm”. G.Ních-xơn cũng chỉ trích việc Tổng thống Mỹ khi đó là G.Bu-sơ chỉ nghe "những gì ông muốn nghe" khi CIA báo cáo về vấn đề I-rắc. Theo tác giả, “CIA chỉ muốn làm hài lòng Tổng thống-bất kỳ Tổng thống nào và họ luôn cung cấp những câu trả lời mà Tổng thống muốn nghe”.
Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2010, cựu Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ đã viết: “Tôi đã quyết định sẽ không chỉ trích các nhân viên CIA-những người yêu nước tận tụy, vì thông tin tình báo sai lệch về I-rắc”. Thế nhưng, theo G.Ních-xơn, thực tế đã cho thấy điều ngược lại. “Ông ấy đã đổ lỗi cho CIA về tất cả và gọi các phân tích của CIA chỉ là “đoán mò” trong khi bản thân lại chỉ nghe những gì muốn nghe”, G.Ních-xơn nhận xét.
Trong cuốn sách của mình, cựu sĩ quan CIA G.Ních-xơn cũng khẳng định, cố Tổng thống Xát-đam Hút-xen “không đáng bị lật đổ” vì trên thực tế, trong những năm cuối cùng trước khi bị bắt, nhà lãnh đạo I-rắc đang bận bịu với chuyện viết tiểu thuyết chứ không còn là người trực tiếp điều hành đất nước. “Ông ấy không quan tâm chính phủ của mình đang làm gì, không có kế hoạch thực sự để bảo vệ I-rắc và cũng không ý thức được quy mô của “cơn bão táp đang tới rất gần”, G.Ních-xơn viết. Theo tác giả, đến năm 2003, việc hoạch định chính sách đối ngoại của I-rắc nằm trong tay các phụ tá của ông Xát-đam Hút-xen, dưới sự chỉ đạo của Phó tổng thống Ta-ha Y-át-xin Ra-ma-đan (Taha Yassin Ramadan), một người “thiếu tính sáng tạo và hiếu chiến”, “luôn bỏ lỡ cơ hội phá thế cô lập của I-rắc trên trường quốc tế”. “Ngẫm lại, ý nghĩ về việc có một Xát-đam Hút-xen già nua, bàng quan với chính sự, còn nắm quyền dường như vẫn dễ chịu hơn khi so với việc phải lãng phí xương máu của binh lính chúng ta cũng như so với sự trỗi dậy của IS, đó là chưa kể tới chi phí 2.500 tỷ USD cho công cuộc tái thiết I-rắc”, tác giả viết.
HOÀNG VŨ