QĐND - Bất chấp những nỗ lực giải quyết khủng hoảng Xy-ri bằng hòa bình của Nga, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế, Mỹ vẫn nhóm họp các chuyên gia an ninh để lên kế hoạch tấn công phủ đầu nhằm vào quốc gia Trung Đông này. Trong khi đó, các nhóm đặc nhiệm của Anh và Ca-ta đã được triển khai tới thành phố Hôm-xơ (Homs), một trong những “điểm nóng” nhất ở Xy-ri hiện nay.

Một nhóm nổi dậy ở Hôm-xơ (Xy-ri). Ảnh: AP

 

Theo CNN, giới chức Lầu Năm Góc và Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) đang thảo luận các phương án quân sự có thể sử dụng đối với Xy-ri. Các phương án này sẽ được trình lên Nhà Trắng trong trường hợp Tổng thống Ô-ba-ma yêu cầu.

Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi Thượng nghị sĩ Giôn Mác-kên (John McCain) và Thượng nghị sĩ Giô-xép Lai-bơ-men (Josseph Lieberman) nói rằng, Mỹ nên cân nhắc tất cả các phương án, trong đó bao gồm cả việc trang bị vũ khí cho các nhóm nổi dậy hoặc thiết lập vùng cấm bay ở Xy-ri như đã từng làm với Li-bi. Đây là lần đầu tiên giới ngoại giao và quân sự Mỹ đề cập đến giải pháp quân sự ở Xy-ri, sau khi chính quyền Ô-ba-ma nhiều lần tuyên bố sẽ không đóng vai trò tiên phong trong các chiến dịch can thiệp quân sự ở nước ngoài, dù với bất kỳ lý do hay dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Xu-xân Rai-xơ (Susan Rice) mới đây cũng hé lộ rằng, khả năng Mỹ sử dụng vũ khí chống Xy-ri không phải đã hoàn toàn bị loại bỏ.

Trong khi đó, nguồn tin quân sự và tình báo cho biết, các nhóm đặc nhiệm của Anh và Ca-ta đã tới thành phố Hôm-xơ, cách thủ đô Đa-mát của Xy-ri 162km, nhưng không tham chiến trực tiếp với quân đội chính phủ Xy-ri. Đây là lần đầu tiên quân đội nước ngoài hiện diện tại các khu vực điểm nóng ở Xy-ri. Những binh sĩ này không trực tiếp tham chiến, mà chỉ đảm nhiệm vai trò cố vấn chiến thuật, điều hành các đường dây liên lạc, giúp đỡ hậu cần và tiếp nhận những yêu cầu về vũ khí, đạn dược của lực lượng nổi dậy để thông tin cho các đầu mối cung cấp bên ngoài, chủ yếu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, các nhóm quân sự Anh - Ca-ta cũng đã thiết lập 4 trung tâm chiến dịch tại bốn quận của thành phố Hom-xơ là Khan-đi-y-a, Báp Am-rô, Báp Đê-ríp và Ra-xtan.

Giới quân sự cho rằng, sự hiện diện của quân đội Anh và Ca-ta ở Hôm-xơ nhằm thúc đẩy một kế hoạch mới của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tay-íp Éc-đô-gan (Tayyip Erdogan) mà ông vừa công bố trước Quốc hội nước này hôm 7-2. Kế hoạch của ông Éc-đô-gan xoay quanh việc cử một lực lượng quân sự mới của Thổ Nhĩ Kỳ và A-rập Xê-út tới “điểm nóng” Hôm-xơ, dưới sự yểm trợ của các đơn vị Anh - Ca-ta, rồi sau đó bố trí tiếp tới các điểm nóng khác tại Xy-ri.

Kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy ở Xy-ri cách đây gần một năm, ông Éc-đô-gan đã ấp ủ một vài kế hoạch chống lại sự trấn áp của chính quyền Tổng thống Át-xát, trong đó có việc thiết lập vùng đệm quân sự để che chở cho quân nổi dậy và thường dân Xy-ri. Tuy nhiên cho tới nay, những kế hoạch này của ông Éc-đô-gan vẫn chưa thể thực hiện được do vấp phải “các lá chắn thép” của Đa-mát. Tổng thống Xy-ri An Át-xát cảnh báo sẽ phát động một cuộc chiến tranh tổng lực nếu người Thổ Nhĩ Kỳ bước qua biên giới. Do đó, hiện khó có thể biết được kế hoạch hiện nay của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có thực tiễn hơn những kế hoạch trước đây của ông hay không.

Những động thái trên đang khiến dư luận thế giới lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh mới ở Vùng Vịnh. Tuy nhiên, theo Tạp chí “Các vấn đề quốc tế” của Mỹ, mọi hành động quân sự do Mỹ đứng đầu nhằm vào Xy-ri sẽ không thể đứng vững được về mặt chính trị trong năm bầu cử 2012. Tạp chí trên cho rằng, “kế hoạch tấn công Xy-ri sẽ bị chỉ trích là lôi kéo đất nước vào một xung đột quân sự nữa tại một nước A-rập. Nó cũng sẽ bị chỉ trích là chi tiêu không cần thiết vào thời điểm mà tình trạng tài chính của đất nước đang bị cắt giảm. Và với Tổng thống Ô-ba-ma, người luôn cam kết sẽ lãnh đạo bằng sự đồng thuận quốc tế thay vì lối hành động đơn phương của người tiền nhiệm G.Bu-sơ, hành động đó sẽ gây rủi ro, khiến ông mất điểm trước những người ủng hộ ông nhiệt thành nhất”.

Tạp chí “Các vấn đề quốc tế” kết luận, khả năng can thiệp quân sự tại Xy-ri gần như là không thực tế. Ít nhất, 5 thành viên thường trực của HĐBA LHQ phải có được sự đồng thuận trong hành động cụ thể. Tuy nhiên đến nay, Nga và Trung Quốc vẫn kiên quyết bác bỏ dự thảo nghị quyết trừng phạt Xy-ri mới do phương Tây đề xuất nếu văn kiện này không được sửa theo đúng yêu cầu của hai nước trên.

Tùng Lâm