Các vụ tấn công nhằm vào dân thường hay lực lượng an ninh ở Afghanistan, Syria, Yemen, Iraq, Đông Nam Á hay thậm chí cả ở Mỹ, cho thấy sự nguy hiểm của al-Qaeda. Đặc biệt gần đây, cuộc tấn công của hơn 1.000 chiến binh al-Qaeda vào vị trí Sư đoàn Panzer số 9 quân đội Syria đã chứng minh sức mạnh, sự nguy hiểm của mạng lưới khủng bố quốc tế này. Al-Qaeda giờ đây được nâng cấp tinh vi hơn, có chiến thuật và cách tấn công mới khó lường hơn. Các chuyên gia tình báo Mỹ nhận định, al-Qaeda "phiên bản 2.0" tiếp tục trở thành mối họa lớn đối với thế giới.
Mấy năm gần đây, trong khi thế giới bị ám ảnh bởi sự tàn bạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thì al-Qaeda đã và đang chơi một ván bài dài hơi, kiên nhẫn chờ thời cơ, tái tập hợp lực lượng một cách hiệu quả. "Al-Qaeda ngày nay hồi sinh trên vũ đài thánh chiến toàn cầu, nắm quyền kiểm soát hầu hết các phe phái nổi dậy lớn trên phạm vi toàn thế giới, ngoại trừ IS đã tách ra năm 2014", nhận định của nhật báo Daily Beast.
Quay ngược thời gian, thời điểm ngày 11-9-2001, al-Qaeda chỉ có vài trăm thành viên và ẩn nấp ở một vài quốc gia. Ngày nay, al-Qaeda "phiên bản 2.0" lập căn cứ trú ẩn ở nhiều châu lục, âm thầm tái xây dựng lực lượng. Ước tính hiện có khoảng 40.000 tay súng al-Qaeda. Nhà phân tích người Mỹ Bruce Hoffman, thành viên cấp cao của Trung tâm đấu tranh chống khủng bố thuộc Học viện Quân sự Mỹ, chuyên gia nghiên cứu các hoạt động khủng bố và nổi loạn, nhận định: “Gần 7 năm sau khi thủ lĩnh cũ của al-Qaeda là Osama bin Laden bị tiêu diệt, al-Qaeda đang lớn mạnh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử tồn tại của tổ chức này”.
"Truyền nhân" của Osama bin Laden, Ayman al-Zawahiri, từng là nhân vật số 2 của al-Qaeda "phiên bản cũ" đã xúc tiến việc tái cơ cấu, tạo ra mối đe dọa chưa từng thấy đối với phương Tây và các nhà cầm quyền Hồi giáo vốn phản đối al-Qaeda. Trong một tài liệu phân tích gửi Hội đồng Đối ngoại (Mỹ), chuyên gia Hoffman nêu rõ: “Từ Bắc-Tây Phi đến Đông Nam Á, al-Qaeda là một phong trào toàn cầu với hơn 20 "chân rết" ở các nước”. Theo tính toán của Hoffman, al-Qaeda đã sống sót và tồn tại sau chiến dịch chống khủng bố quyết liệt nhất mà phương Tây tiến hành. Hiện có khoảng 10.000-20.000 tay súng ở Syria; 7.000-9.000 tay súng ở Somalia; 5.000 tay súng ở Libya; 4.000 tay súng ở Yemen; 3.000 tay súng ở Indonesia... Riêng khu vực Trung Á, Tây Á, Nam Á... nơi có số lượng lớn người Hồi giáo trung thành với tư tưởng thánh chiến của al-Qaeda chưa được đề cập trong báo cáo. Tuy nhiên, theo báo cáo trên, số lượng ở mỗi vùng luôn biến động bởi hàng nghìn tay súng di chuyển và có mặt ở các vùng chiến sự như Syria hay Yemen.
Các tay súng thuộc al-Qaeda được quản lý chặt chẽ và chỉ thực hiện mệnh lệnh của Bộ chỉ huy trung ương của Zawahiri, vốn được tên này điều hành từ nơi ẩn náu ở bên trong lãnh thổ Pakistan. Những tiến bộ về công cụ truyền thông kỹ thuật số đã giúp thủ lĩnh của al-Qaeda và các chỉ huy duy trì liên lạc với nhau qua hệ thống mật mã được bảo đảm an toàn. Giám đốc Chương trình An ninh Quốc gia của Viện Chính sách chiến lược Australia Isaac Kfir cho rằng, các kênh liên lạc an toàn này giúp al-Qaeda kết nối các "chân rết" ở địa phương trong một chiến dịch toàn cầu mà chúng đề ra.
Rút kinh nghiệm từ sự thất bại của IS, để al-Qaeda lớn mạnh, thủ lĩnh Zawahiri có các bước đi chiến lược, như: Tăng cường tiếp cận thông qua các "chân rết" theo hướng phi tập trung hóa; tránh các hoạt động gây thương vong lớn, đặc biệt là những vụ việc có thể khiến nhiều dân thường là người Hồi giáo thiệt mạng và làm số lượng lớn người Hồi giáo xa lánh; đẩy tội cho IS nhằm thu hút tất cả các “cú đánh” của liên quân quốc tế nhằm vào IS trong lúc al-Qaeda kín đáo tái lập sức mạnh quân sự... Khôn ngoan hơn, Zawahiri đưa ra quyết định quan trọng là tránh tấn công trực diện Mỹ và phương Tây trong thời điểm hiện nay, ít nhất là giảm thấp nhất những hành động có thể đe dọa sự phát triển của al-Qaeda "phiên bản mới", đồng thời để al-Qaeda có thêm thời gian và không gian thiết lập một cách chắc chắn tổ chức kiểu mới này.
Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá: “Trong một chừng mực nào đó, al-Qaeda đã rút ra bài học từ những sai lầm. Hiện chúng đang có những điều chỉnh chiến thuật giúp tránh được sự tấn công của các nước. Al-Qaeda càng lớn mạnh, chúng càng trở nên nguy hiểm... Cuộc chiến chống al-Qaeda "phiên bản mới" vì thế sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với việc chống những nhóm thánh chiến đang tồn tại hiện nay”.
NGUYỄN HÒA