QĐND - Đây là thời điểm hoạt động sản xuất và kinh doanh của ngành than khó khăn nhất những năm gần đây. Tiêu thụ trong nước giảm mạnh, xuất khẩu bế tắc do giá than Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực. ...
Nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh
Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Vinacomin cho biết, tập đoàn đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế chậm, than tiêu thụ trong nước giảm mạnh. Các ngành sản xuất tiêu thụ lớn như: Nhiệt điện, xi-măng, phân bón, giấy, hóa chất, vật liệu xây dựng… đều giảm lượng tiêu thụ. Bên cạnh đó, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá than trên thế giới giảm từ 25 đến 36% so với thời điểm cuối năm 2011.
 |
Một cảng than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. |
Than của Vinacomin đang chịu cạnh tranh về giá rất lớn do một số nước trong khu vực có thuế xuất khẩu than thấp hơn Việt Nam, ví dụ: In-đô-nê-xi-a có thuế xuất khẩu than 0%, Ô-xtrây-li-a thuế xuất khẩu than 0%, Trung Quốc: 10%, Mông Cổ: 7%… Cộng các khoản thuế, phí (thuế xuất khẩu là 20%, thuế GTGT đầu vào than xuất khẩu không khấu trừ 10%, các thuế phí khác khoảng 10%) than xuất khẩu của Vinacomin đang phải chịu lên tới gần 40%. Một số khách hàng lớn của Vinacomin đã chuyển sang mua than của các nước có giá cạnh tranh hơn. Bởi vậy, xuất khẩu than đang chững lại, 7 tháng đầu năm mới xuất khẩu được 7,2 triệu tấn, riêng tháng 7 chỉ xuất được 0,3 triệu tấn (trước đó trung bình là 1,2 triệu tấn/tháng).
Mới đây, tập đoàn đã phải giảm sản lượng năm 2012 từ 45,5 triệu tấn xuống còn 39 triệu tấn than tiêu thụ, bằng 85% kế hoạch năm 2012 đã được Thủ tướng phê duyệt trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 và bằng 87% kế hoạch thực hiện năm 2011. Để tránh năng lực sản xuất bị giảm sút, dẫn tới không đáp ứng được kế hoạch đến năm 2015 đã được giao, Vinacomin tính toán rằng không thể giảm sản lượng than tiêu thụ dưới 39 triệu tấn.
Hiện tại, Vinacomin đã tạm dừng, giảm khai thác than lộ thiên. Nhưng theo lãnh đạo tập đoàn, riêng với than hầm lò, vẫn phải duy trì sản xuất để đảm bảo an toàn chống giữ đường lò, khu vực khai thác, thông khí, thoát nước... bởi công sức và chi phí đầu tư cho công nghệ khai thác hầm lò là rất lớn dù không lấy than lúc này; hơn nữa phải ổn định việc làm cho công nhân lò để giữ lực lượng lao động vốn đã rất khó tuyển dụng và dày công đào tạo để phục vụ cho tăng sản lượng sau này.
Theo ông Nguyễn Văn Biên, với sản lượng than tiêu thụ là 39 triệu tấn, tập đoàn sẽ dư thừa gần 20.000 lao động. Bên cạnh đó, một số không nhỏ lực lượng lao động đang thực hiện hợp đồng với các doanh nghiệp ngành than trong việc bóc xúc đất đá, vận tải và cung ứng các dịch vụ cơ khí sửa chữa, thương mại... cũng bị mất việc làm. Việc dư thừa lao động này sẽ tác động xấu đến đời sống dân sinh, an ninh, trật tự và an toàn xã hội của người dân vùng mỏ.
Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do sản xuất suy giảm, tập đoàn tạm thời cắt giảm chi phí từ 15% đến 20%; lùi khấu hao với thời gian tối đa, lùi lại đất bóc đến năm sau mới thực hiện là khoảng 15% đến 20%; chi phí hạ tầng, môi trường, tiền lương công nhân viên ngành than cũng giảm khoảng 15% đến 20% (trừ thợ lò tạm giữ ổn định).
Vinacomin đề xuất hai biện pháp
Vào đầu tháng 5-2012, Vinacomin cũng đã có văn bản “xin” Chính phủ giảm thuế xuất khẩu than về 0% (từ mức 20%). Tuy nhiên, mong muốn này đã không được Chính phủ chấp thuận. Lần này, mức thuế xuất khẩu than đá mà Vinacomin đề nghị cho năm 2012 là 10%.
Theo Vinacomin, mức thuế này vẫn trong giới hạn khung thuế suất đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Khi thị trường phục hồi thì điều chỉnh lại thuế như đã thực hiện vào năm 2009 (thời điểm đó để tháo gỡ khó khăn cho ngành than, Chính phủ đã điều chỉnh thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 10%, sau đó tăng lên 20% khi giá xuất khẩu tăng trở lại). Ông Nguyễn Văn Biên cho rằng, giảm thuế xuất khẩu than không đi ngược lại với chính sách hạn chế xuất khẩu tài nguyên mà chỉ áp dụng trong điều kiện hiện tại để “giải cứu” ngành than.
Song song với đó, Vinacomin cũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính xem xét sớm nâng giá than cho điện bằng giá thành than năm 2011 đã được kiểm toán. Vinacomin cho biết, mặc dù giá than bán cho sản xuất điện đã được tăng 10% đến 11,5% từ ngày 1-7-2012, song tổng giá than mới chỉ tăng được gần 300 tỷ đồng, trong khi tổng số giá than bán cho điện thấp hơn giá thành là 8.500 tỷ đồng. Với khoản lỗ hơn 8000 tỷ đồng, Vinacomin chưa có nguồn nào để bù đắp.
 |
Công nhân giao ca tại Công ty TNHH MTV than Hòn Gai (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam). |
Không nên giảm thuế xuất khẩu than
Khi được hỏi, các chuyên gia kinh tế có ý kiến rất khác nhau về chuyện ngành than "xin" được giảm thuế xuất khẩu. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, không xuất khẩu được than sẽ khiến ngân sách Nhà nước thất thu một khoản thuế năm 2012. Chính vì vậy, ông cho rằng nên xem xét để giảm thuế xuất khẩu than, như vậy sẽ giảm được khó khăn cho Vinacomin, hơn nữa Nhà nước còn có thuế để thu. Đây chỉ là biện pháp tình thế trong lúc khó khăn, việc giảm thuế chỉ tiến hành trong thời gian ngắn. Theo ông Doanh, nếu tồn trữ than ở ngoài trời mà không bảo quản tốt thì cũng sẽ bị thiệt hại do bị rửa trôi. Rồi cả những mối lo khác về mặt an ninh khi phải bảo vệ chỗ than đó như thế nào?
Ngược lại, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu đem so sánh lợi ích doanh nghiệp và lợi ích quốc gia, lợi ích của công nhân ngành than với lợi ích của cả dân tộc không chỉ thế hệ này mà các thế hệ về sau, thì phải rất thận trọng khi xem xét giảm thuế xuất khẩu than. Bởi theo tiến sĩ, thị trường xuất khẩu than chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc. Các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc thường liên kết chặt chẽ với nhau để tìm cách hạ giá nguyên, nhiên liệu nhập khẩu. Vì thế, nếu chúng ta bán rẻ than thì sẽ thiệt hại cho quốc gia, trong khi theo kế hoạch, năm 2015 Việt Nam đã phải nhập khẩu 6 triệu tấn than và sau đó tăng lên tới hàng chục triệu tấn vào năm 2020. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, không nên so sánh thuế xuất khẩu của các nước khác với Việt Nam, vì mỗi nước có hoàn cảnh riêng, điều kiện riêng, chiến lược riêng.
Theo Tiến sĩ Phong, cách tháo gỡ khó khăn tốt nhất cho ngành than lúc này là điều chỉnh giá than bán trong nước để không quá thấp so với mặt bằng giá của thế giới. Đây cũng là một biện pháp để buộc các doanh nghiệp tiêu thụ phải tiết kiệm tài nguyên, đầu tư công nghệ hiện đại có hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn. "Khó khăn hiện nay của Vinacomin cũng là cơ hội để họ tái cơ cấu, điều chỉnh lại vấn đề quản lý, đầu tư, công nghệ, tổ chức lại lao động để tránh lãng phí" - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh. Ông cho rằng, không cần lo ngại về chuyện than sẽ bị tổn thất, giảm phẩm chất khi được lưu trữ ngoài trời, vì các doanh nghiệp của Trung Quốc cũng luôn mua rất nhiều than đá dự trữ, cũng để ngoài trời chứ không cần kho chứa.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cho rằng, năng lượng chất đốt là thứ luôn cần thiết, không bán được giá lúc này thì bán lúc khác. Nước Mỹ vẫn dự trữ dầu mỏ, than đá chứ không ngại vấn đề tồn kho. Hơn nữa, giá chất đốt cũng đang phục hồi cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới. Chỉ một vài tháng nữa, giá chất đốt sẽ lại ở mức cao. Vậy vội gì mà phải giảm thuế xuất khẩu để giảm giá bán than cho nước ngoài vào lúc này? Có cùng suy nghĩ với Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, nên điều chỉnh giá bán than ở trong nước hơn là giảm giá xuất khẩu.
Điều mà nhiều chuyên gia lo ngại là khi Việt Nam xuất khẩu than với giá rẻ thì dễ, nhưng khi cần để nhập khẩu than với giá "không đắt" lại vô cùng khó khăn, thậm chí sẽ dễ bị ép giá.
Bài và ảnh: Quang Phương - Đỗ Tâm