Hãng tin CNBC mới đây trích lời ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến ở các quốc gia chưa được tiêm chủng, hy vọng tiêu diệt hoàn toàn virus này đang giảm dần. “Mọi người nói rằng chúng ta sẽ loại bỏ hoặc xóa sổ virus. Không, chúng ta sẽ không làm được điều đó. Điều này rất khó xảy ra!”, người đứng đầu Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO nhấn mạnh trong một buổi họp báo.

Cùng quan điểm với ông Ryan, một số chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ, trong đó có Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci và Giám đốc điều hành của hãng dược phẩm Moderna, ông Stephane Bancel cảnh báo rằng thế giới có thể sẽ phải chấp nhận sống chung với đại dịch Covid-19 giống như đã làm với bệnh cúm.

Bên trong một điểm xét nghiệm Covid-19 của Singapore hồi tháng 6. Ảnh: Reuters  

Có lẽ bắt nguồn từ những lời cảnh báo như vậy mà giờ đây, nhiều quốc gia đã từng bước đưa chiến lược “sống chung với Covid-19” vào thực tế đời sống chứ không chỉ còn là vấn đề lý thuyết. Điển hình và quyết liệt nhất trong số đó phải kể đến nước Anh. Sau khi Bộ trưởng Y tế Sajid Javid vào tháng 6 tuyên bố nước Anh phải học cách sống cùng Covid-19, ngày 19-7 vừa qua, xứ sở sương mù đã chấm dứt mọi biện pháp hạn chế từng được áp dụng trước đây, dù cho số ca nhiễm biến chủng Delta ở nước này vẫn ở mức đáng lo ngại.

Hay như ở Hàn Quốc, truyền thông nước này giữa tuần qua cho biết, ngày càng có nhiều lời kêu gọi chính phủ cần sớm áp dụng chiến lược sống chung với đại dịch bằng cách từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và chuẩn bị cho một cuộc sống mới mà ở đó, người dân có thể phải chấp nhận sự hiện diện thường xuyên của virus SARS-CoV-2.

Ngay cả một số quốc gia từng theo đuổi mục tiêu loại bỏ hoàn toàn Covid-19 nay cũng chuyển hướng sang thực hiện kế hoạch sống chung an toàn với virus, chẳng hạn như Australia. Tuy nhiên, Thủ tướng Scott Morrison khẳng định, kế hoạch mở cửa trở lại trên toàn quốc chỉ có thể được triển khai khi tỷ lệ tiêm chủng ở Australia đạt 70-80%. 

Dù không đột ngột thay đổi chiến lược chống dịch theo hướng chấp nhận sống chung với Covid-19 nhưng hiện nay, nhiều nước cũng nhận thức rằng việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa và giãn cách là điều cần thiết để phục hồi sau đại dịch.

Trong khi đó, những quốc gia đang kiên trì theo đuổi mục tiêu xóa sổ Covid-19 lại lo ngại rằng những quyết định “đi tắt” như bãi bỏ các biện pháp phong tỏa và phòng dịch, tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế sẽ khiến nhóm dân số chưa được tiêm vaccine đứng trước nguy cơ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Suy ngẫm mới thấy, trong bối cảnh cả thế giới vẫn đang loay hoay với việc khống chế đại dịch thì mọi lời gợi mở đều đáng được xem xét một cách kỹ lưỡng, và chiến lược “sống chung với Covid-19” không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, việc áp dụng chiến lược này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tình hình dịch, tỷ lệ tiêm vaccine, ý thức phòng dịch của người dân ở mỗi quốc gia. Và ngay cả khi đã thực sự bước vào cuộc "sống chung với Covid-19" thì các nước cũng cần duy trì những biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, trong khi mỗi người dân phải biết tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng khỏi virus.

Quan trọng hơn cả, đã xác định sống chung với đại dịch thì trước hết phải đưa ra được một lộ trình thực hiện cụ thể, cẩn trọng và khoa học để bảo đảm chiến lược này sẽ mang lại sự an toàn cao nhất cho người dân, đồng thời mở lối cho phục hồi kinh tế và đời sống xã hội.

ANH VŨ