QĐND - Một trong những nội dung quan trọng trong Chương I “Chế độ chính trị” được xác định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là khẳng định rõ vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. So với quy định tại Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vị thế pháp lý rõ ràng và quyền hạn cao hơn.
Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ khi ra đời đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Kế thừa các bản Hiến pháp trước đó, nhất là Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định:
“Điều 9: 1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị -xã hội, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức.
3. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”.
Bổ sung quyền phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có một số điểm mới như sau:
Thứ nhất: Khẳng định vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là “tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị -xã hội, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Đây là điểm bổ sung hoàn toàn mới, thể hiện rõ ý chí, khát vọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Sự đoàn kết này mang tính chất liên minh chặt chẽ trên cơ sở tự nguyện của các tổ chức, các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo ở trong nước và đồng bào ta định cư ở nước ngoài.
Thứ hai: Cùng với khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc phát huy đại đoàn kết toàn dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ và phát huy vai trò giám sát, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn bổ sung một điểm rất quan trọng là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền tham gia “phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức”.
Có thể nói, nếu như trước đây vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp ít nhiều bị “mờ nhạt” bởi chính quyền coi Mặt trận và các đoàn thể nhân dân chỉ là “chỗ dựa chính trị”, thì việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trao quyền “phản biện xã hội” cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đề cao và khẳng định vai trò to lớn của Mặt trận trong giai đoạn cách mạng mới. Điều này thể hiện sự nhất quán với tinh thần Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã xác định là: “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội” (1). Hơn nữa, xác lập vai trò “phản biện xã hội” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực chất là một trong những nội dung, biện pháp quan trọng hàng đầu của việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên thực tế, bảo đảm cho “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” như Điều 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định. Thông qua thực hiện vai trò phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân sẽ đóng góp nhiều tâm huyết, trí tuệ để bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, qua đó làm cho ý Đảng hợp lòng dân hơn, chính sách của Nhà nước sát thực tiễn hơn, mang lại quyền và lợi ích thiết thực nhiều hơn cho nhân dân.
Như vậy, việc hiến định vai trò “phản biện xã hội” đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở pháp lý để Mặt trận ngày càng chứng tỏ được vị thế “rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (2) như Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã nhấn mạnh.
Xác định lại các chủ thể nòng cốt là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”. Tuy nhiên, các chủ thể của “cơ sở chính trị” đó là những tổ chức nào lại chưa được xác lập cụ thể trong Hiến pháp. Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm 44 tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị -xã hội, các tổ chức xã hội và các tổ chức xã hội -nghề nghiệp.
Tuy nhiên, để khẳng định rõ vai trò, tính chất “cơ sở chính trị” của chính quyền nhân dân, cần nêu rõ tên gọi của các tổ chức chính trị -xã hội làm nòng cốt trong việc xây dựng cơ sở chính quyền nhân dân vào Điều 9 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đó là: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Có thể nói, đây là 6 chủ thể quan trọng nhất trong việc tạo nên nền tảng, cơ sở và sức mạnh của chính quyền nhân dân nên cần phải xác định rõ vị thế của các chủ thể đó trong Hiến pháp.
Việc bổ sung như vậy là hợp lý và đáp ứng mong muốn, nguyện vọng chính đáng của các tổ chức chính trị -xã hội đó. Vì trong Điều lệ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đều khẳng định và thừa nhận tổ chức mình là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc xác lập lại vị thế của các tổ chức chính trị -xã hội nêu trên là kế thừa tinh thần Hiến pháp năm 1980. Điều 9 Hiến pháp năm 1980 đã từng xác định các chủ thể cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thời điểm đó là: Tổng công đoàn Việt Nam, Tổ chức liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (3).
Với những lý do nêu trên, đề nghị bổ sung, sửa đổi vào Khoản 1, Điều 9 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như sau: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị; các tổ chức chính trị -xã hội mà nòng cốt là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.
Được khẳng định vị thế pháp lý trong Hiến pháp, chắc chắn sẽ khuyến khích, động viên và bảo đảm cho các tổ chức chính trị -xã hội nòng cốt đó thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
NGUYỄN VĂN HẢI
(1), (2): Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, HN, 2011, trang 87, 86.
(3): Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980 và 1992), Nxb CTQG, HN, 1995, trang 78.