QĐND - Ngày 14-3, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã chủ trì hội nghị. Các ý kiến tham gia góp ý tại hội nghị khẳng định rõ và làm sâu sắc hơn những nội dung như chế độ chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; vị trí, chức năng nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân… Đồng thời, Bộ Công an xác định đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vô hiệu hóa mọi hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Khẳng định rõ hơn vị trí của Đảng
Sau gần 3 tháng tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân đã tham gia ý kiến một cách toàn diện, ở nhiều góc độ khác nhau về tất cả các nội dung của dự thảo. Toàn lực lượng đã có hơn 2.800 lượt tham gia ý kiến của 106 đầu mối công an đơn vị, địa phương. Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp đó là về chế độ chính trị. Đối với Điều 4 của dự thảo, các ý kiến đều nhất trí và đánh giá cao việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục quy định nguyên tắc Đảng lãnh đạo Nhà nước, xã hội và bổ sung quy định làm sâu sắc, toàn diện hơn bản chất, vai trò, trách nhiệm của Đảng, của đảng viên. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, nhiều ý kiến đề nghị cần thiết khẳng định rõ hơn vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam "là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội".
Liên quan đến nội dung của Chương IV về bảo vệ Tổ quốc, các ý kiến đóng góp nhấn mạnh đến thực tiễn thế giới trong nhiều năm qua cho thấy, số lượng các quốc gia đã bị sụp đổ bởi sự tác động của yếu tố an ninh ngày càng nhiều, vì vậy, vấn đề bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay cần nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn trên cơ sở nhiệm vụ quốc phòng gắn liền với an ninh, trật tự. Trung tướng Nguyễn Danh Cộng - Chánh văn phòng Bộ Công an cho rằng: Để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì cùng với ngăn chặn hoạt động chống phá từ bên ngoài, phải giữ vững ổn định từ bên trong, trong đó vấn đề giữ vững ổn định bên trong là nhân tố có ý nghĩa quyết định... Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 69 cụm từ “trật tự, an toàn xã hội”, diễn đạt đầy đủ là: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là sự nghiệp của toàn dân”; Đề nghị chỉnh sửa Điều 70 theo hướng nêu rõ “lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân…”. Ngoài ra, còn có một số ý kiến đề nghị điều chỉnh, bổ sung thêm nội dung như: Thực hiện nghĩa vụ công an bên cạnh nghĩa vụ quân sự; xây dựng công nghiệp an ninh…
Bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Tham gia ý kiến tại hội nghị, Trung tướng Hoàng Kông Tư, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II khẳng định, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là vấn đề cực kỳ quan trọng, một trong những mục tiêu của sửa đổi Hiến pháp là để bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Theo Trung tướng Hoàng Kông Tư, dự thảo đã đưa các nội dung này thành một chương riêng, đặt ở Chương II, ngay sau Chương I về chế độ chính trị, điều đó cho thấy sự quan tâm của chúng ta đến quyền con người, quyền công dân. Cùng với đó dự thảo cũng thể hiện tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân nhưng không tách rời với nghĩa vụ công dân.
Đề cập đến nội dung này, Trung tướng Hoàng Kông Tư cho biết: Lợi dụng đợt sinh hoạt chính trị lấy ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các thế lực thù địch không ngừng xuyên tạc, tăng cường các hoạt động chống phá, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền. Các thế lực thù địch, một số phần tử xấu tập trung xuyên tạc, vu cáo chúng ta vi phạm nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch lợi dụng góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để tuyên truyền các luận điệu đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, phủ nhận vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, khuyến khích các phong trào đối lập… Phản bác lại những luận điệu này, Trung tướng Hoàng Kông Tư khẳng định: Pháp luật nói chung, Hiến pháp nói riêng của quốc gia nào cũng đều mang bản chất chính trị của Nhà nước, Hiến pháp nước ta mục đích không chỉ nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân mà còn bảo vệ chế độ xã hội, nếu không bảo vệ chế độ xã hội nhất định không bảo vệ được quyền con người, quyền công dân.
Phát biểu kết luận hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang đánh giá, lực lượng Công an nhân dân đã tích cực tham gia ý kiến vào tất cả các điều khoản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, số lượng ý kiến phong phú, sôi nổi, đa dạng, tập trung và có chất lượng. Cùng với đó, vừa qua lực lượng Công an nhân dân đã làm rất tốt việc bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân, Đại tướng Trần Đại Quang yêu cầu cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng tiếp tục tập trung nắm chắc tình hình để kịp thời phát hiện, kiến nghị có những biện pháp xử lý phù hợp, ngăn chặn mọi hành vi can thiệp, tác động xấu đến quá trình lấy ý kiến quần chúng nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các cơ quan, đơn vị công an phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan tạo mọi điều kiện, động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
MẠNH HƯNG