QĐND - Thủ tướng Ô-xtrây-li-a, Tô-ni A-bót (Tony Abbott) đã phải thốt lên như vậy khi nghe xong câu chuyện về Pát-ta-ra-môn Gian-bu (Pattaramon Janbu), một phụ nữ trẻ Thái Lan mang thai hộ và đẻ thuê cho cặp vợ chồng người Ô-xtrây-li-a. Bà mẹ 21 tuổi này và cậu con trai Gam-mi (Gam-mi) 7 tháng tuổi đang là tâm điểm tranh cãi trong dư luận thế giới những ngày qua xoay quanh dịch vụ đẻ thuê ở Thái Lan...

Pát-ta-ra-môn Gian-bu có khuôn mặt tròn và đôi mắt thật buồn. Chia sẻ với phóng viên CNN, Pát-ta-ra-môn cho biết, cô được một cặp vợ chồng người Ô-xtrây-li-a hiếm muộn thuê mang thai hộ và đẻ thuê, thông qua một công ty môi giới với cái giá là 14.900USD. Cô đã chấp nhận vì với số tiền này, cô có thể trả nợ và nuôi hai con nhỏ của mình ăn học.

Tháng 12-2013, Pát-ta-ra-môn hạ sinh cặp sinh đôi, một trai một gái. Hãng tin ABC của Ô-xtrây-li-a cho biết, sau khi chào đời, bé trai có triệu chứng mắc bệnh đao (một rối loạn di truyền làm suy yếu tăng trưởng và khả năng trí tuệ), còn bé gái khỏe mạnh. Cặp vợ chồng trên đã quay về Ô-xtrây-li-a chỉ với bé gái.

Bà mẹ trẻ Pát-ta-ra-môn Gian-bu và cậu con trai Gam-mi. Ảnh: mirror.co.uk

Bé trai được gia đình người phụ nữ đẻ thuê nuôi và đặt tên là Gam-mi. Bác sĩ cho biết, Gam-mi không chỉ bị hội chứng đao mà còn bị bệnh tim bẩm sinh. “Do cặp vợ chồng người Ô-xtrây-li-a không nhận nuôi bé, tôi chấp nhận chăm sóc cho đứa bé dù tôi không có khả năng để nuôi một đứa trẻ cần được chăm sóc đặc biệt”, bà mẹ trẻ tâm sự. Cô còn nói không được nhận đủ số tiền như người ta hứa với cô.

Trước hoàn cảnh đáng thương của mẹ con bé Gam-mi, cộng đồng mạng đã kêu gọi quyên góp tiền ủng hộ cho việc chăm sóc bé và chỉ sau 12 ngày đã thu được 215.000USD.

Khi câu chuyện về bé Gam-mi được phổ biến rộng rãi trên internet, dư luận tỏ ra bất bình trước hành vi “vô đạo đức” của cặp vợ chồng người Ô-xtrây-li-a. Nhiều ý kiến cho rằng, hành động của cặp vợ chồng này đáng bị lên án. Thủ tướng Ô-xtrây-li-a, Tô-ni A-bót cũng phải thốt lên rằng, đây là “một câu chuyện buồn” và ông “không muốn nghĩ đến cảnh một đứa trẻ bị bỏ rơi như vậy”. Bộ trưởng Bộ Nhập cư Ô-xtrây-li-a, Xcốt Mô-ri-xơn (Scott Morrisson) thậm chí còn gọi bà mẹ sinh con hộ này là “một anh hùng” và cho biết, Can-bê-ra sẽ xem xét nên can thiệp như thế nào cho thỏa đáng.

Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện này lại còn nhiều điều chưa rõ ràng khi cả Pát-ta-ra-môn và cặp vợ chồng người Ô-xtrây-li-a không chịu tiết lộ tên của công ty môi giới. Thêm vào đó, cả hai bên đều đưa ra các thông tin trái ngược nhau. Pát-ta-ra-môn cho rằng, khi siêu âm, bác sĩ đã phát hiện bé Gam-mi bị bệnh đao, công ty môi giới bảo cô nên phá thai và có cách giữ lại đứa bé khỏe mạnh nhưng cô đã từ chối vì phá thai là một hành vi tội lỗi theo giáo lý đạo Phật. Về phía cặp vợ chồng người Ô-xtrây-li-a, sau hơn một tuần im lặng, họ đã lên tiếng giải thích với báo chí. Họ cho biết không hề “bỏ rơi” bé Gam-mi và không hay tin đứa trẻ này bị bệnh đao. Trong một tuyên bố với báo chí, cặp vợ chồng này nói Gam-mi rất ốm yếu khi vừa được sinh ra và họ được báo em không thể sống sót quá một ngày.

Vụ việc liên quan đến bé Gam-mi đã buộc Bộ Y tế Thái Lan vào cuộc điều tra các cơ sở, phòng khám cung cấp dịch vụ mang thai hộ và đẻ thuê. Báo Bưu điện Băng Cốc dẫn lời giới chức y tế Thái Lan cho biết, việc điều tra sẽ không chỉ giới hạn ở vụ bé Gam-mi. Bất cứ phòng khám nào thực hiện dịch vụ đẻ thuê trái phép sẽ bị đóng cửa ngay lập tức. Ngoài ra, bác sĩ thực hiện các ca mang thai hộ cũng phải có giấy phép.

Hiện tượng mang thai hộ, đẻ thuê hiện nay đang có chiều hướng phát triển ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Thái Lan, Ấn Độ. Tại Mỹ, hình thức đẻ thuê phát triển rất nhanh khi có tới 25.000 trẻ được sinh ra nhờ dịch vụ này. Trong khi đó, đẻ thuê với mục đích thương mại không được phép ở Ô-xtrây-li-a. Vì thế, mỗi năm có tới hàng trăm cặp vợ chồng nước này đã đến Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ để tìm người chấp nhận mang thai hộ. Theo CNN, nhiều người nước ngoài có thể dễ dàng đến Thái Lan để thuê dịch vụ mang thai hộ, bởi hiện tại luật pháp Thái Lan chưa có những điều khoản trực tiếp quy định về việc mang thai hộ, dịch vụ đẻ thuê. Tuy nhiên, một số trường hợp đứa trẻ sinh ra mắc bệnh hiểm nghèo, chúng không được bố mẹ đón về và trở thành "gánh nặng" cho những người mang thai hộ.

Dư luận thế giới đang có những ý kiến trái chiều về dịch vụ mang thai hộ và đẻ thuê. Những người phản bác cho rằng, việc thuê mang thai hộ vi phạm phẩm giá con người và đây chính là “sự đăng quang của ngành công nghiệp sản xuất trẻ nhỏ theo đơn đặt hàng”. Tuy nhiên, những ý kiến khác lại cho rằng, không nên lên án dịch vụ đẻ thuê, bởi hoạt động này, nếu được các chính quyền quản lý tốt, sẽ cho phép nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có niềm vui được làm cha mẹ mà không xâm phạm đến sức khỏe của người khác. Bà M. Xtốc-ki Brít-giơ (Michaela Stockey Bridge), một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tổng hợp Macquarie của Ô-xtrây-li-a, người đã thu thập những câu chuyện của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn sử dụng dịch vụ đẻ thuê, đề xuất các nước cần có quy định quốc tế về dịch vụ mang thai hộ. “Bên thuê dịch vụ và bên mang thai hộ cần được tư vấn kỹ hơn, trao đổi với nhau, để tránh những kết cục đáng buồn như trên”, bà M. Xtốc-ki Brít-giơ nói.

LINH OANH