QĐND - Hàng ngàn héc-ta rừng ngập mặn ven biển của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã làm cảnh quan nơi đây thay đổi, đẹp đẽ hơn. Nhưng quan trọng hơn cả khu rừng này không chỉ làm thay đổi cảnh quan môi trường mà còn góp phần bảo vệ và tạo dựng cuộc sống cho con người nơi đây ngày một tốt hơn trước thiên tai...
 |
Một góc khu rừng ngập mặn ở Thụy Trường, Thái Thụy, Thái Bình.
|
Tới thăm khu rừng ngập mặn xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, một màu xanh bạt ngàn của sú, vẹt, bần khiến chúng tôi không khỏi cái cảm giác ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. Chiếc thuyền máy đưa chúng tôi len lỏi giữa màu xanh bạt ngàn ấy. Chốc chốc từng bầy cò lại vỗ cánh bay lên làm huyên náo cả khu rừng.
Cả một vùng ven biển huyện Thái Thụy giờ đây được phủ kín bởi một màu xanh của rừng ngập mặn với chiều rộng từ 800 đến 1.300m. Rừng ngập mặn ở đây phát triển khá tốt, có những cây sú, vẹt, bần cao 2-3m, thậm chí có cây cao tới 4m. Từng cây bần, sú, vẹt mọc ken dày tầng tầng lớp lớp hệt như “Tấm khiên xanh”, hợp lực cùng con đê ngăn những cơn sóng dữ của biển cả. Từ khi có “Tấm khiên xanh” này đã bảo vệ vững chắc con đê nơi đây mỗi khi triều cường, nước biển dâng, đặc biệt là những ngày giông bão. Anh Nguyễn Sỹ Toản (xóm 2, thôn Tư Chi Nam, xã Thụy Trường) kể: Trước đây, khi chưa có khu rừng này, mỗi mùa mưa bão, con đê lại đơn độc oằn mình chống chịu bão gió. Cơn bão năm 1984, vỡ đê, nước mặn tràn ngập cánh đồng, lúa, muối, thủy sản, hoa màu đều mất trắng, nhà cửa tốc mái, siêu vẹo, sụp đổ. Để bảo vệ cuộc sống, sản xuất mỗi năm chính quyền và nhân dân đều bỏ công sức xây dựng, tu bổ hệ thống đê kè. Thế nhưng, con đê dù to cỡ nào nếu không có rừng ngập mặn hỗ trợ, che chắn thì cũng chẳng thể nào chống chọi được với sự tàn phá của thiên tai. Từ khi người dân xã Thụy Trường nhận ra tác dụng của rừng ngập mặn - “Tấm khiên xanh” để phòng, chống thiên tai, bão lũ, chúng tôi bắt tay vào việc trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ từ ngày đó. Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Đức Viện, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thái Thụy cho biết thêm: Năm 1994, Thái Thụy là huyện đầu tiên của tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện dự án trồng rừng ngập mặn nhờ nguồn vốn tài trợ của Đan Mạch thông qua Hội Chữ thập đỏ. Ngoài ra, huyện còn được bố trí nguồn vốn trồng rừng từ Chương trình 327, Chương trình 5 triệu héc-ta... Rừng được trồng ở 5 xã ven biển: Thái Đô, Thái Phương, Thụy Xuân, Thụy Hải, Thụy Trường. Đến nay, diện tích rừng ngập mặn toàn huyện Thái Thụy đã lên 4000ha. Nhờ khu rừng ngập mặn này, năm 2005, cơn bão có cường độ gió cấp 12, 13 đổ bộ vào khu vực huyện Thái Thụy đê biển đã không bị vỡ như trước.
 |
Ươm cây giống trước khi đem trồng.
|
Ông Đỗ Đức Nam, Phó chủ tịch UBND xã Thụy Trường khẳng định: Với một xã thuần nông như Thụy Trường, nếu không có “Tấm khiên xanh” ngăn triều, chắn bão như hiện tại thì đời sống nhân dân khó được cải thiện. Toàn xã hơn một vạn dân nhưng chỉ có khoảng 300ha đất trồng lúa. Nhưng nay nhờ khu rừng ngập mặn, chúng tôi đã mở rộng hơn 300ha mặt nước ao, hồ để nuôi trồng thủy, hải sản. Đây là hướng chính để phát triển kinh tế-xã hội của xã.
Chúng tôi gặp chị Đỗ Thị Mong (xóm 13, thôn Lỗ Trường, xã Thụy Trường) khi đang hì hụi cào vẹm, chị vừa làm vừa trò chuyện: Từ khi có khu rừng ngập mặn này thì tôm, cua, còng, ốc, ngao, vẹm... về đây trú ngụ, sinh sôi ngày một nhiều hơn. Nhờ đó, tôi cũng kiếm được thêm tiền từ công việc phụ này, trung bình đi cào vẹm, bắt còng mỗi ngày cũng kiếm được từ 100.000 đến 150.000 đồng.
Thái Thụy là huyện ven biển, hằng năm thường xuyên phải chống chọi với thiên tai bão lũ. Nhận thức rõ điều này, hằng năm huyện đều tổ chức vận động nhân dân tích cực tham gia trồng rừng ngập mặn. Từ khi khôi phục được rừng ngập mặn, môi trường sinh thái vùng ven biển được cải thiện. Các loài thủy hải sản ngày một sinh sôi, phát triển góp phần giúp người dân nơi đây khai thác, nuôi trồng thủy sản tốt hơn trước. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống đê biển, đầm nuôi thủy sản của địa phương có rừng ngập mặn che chắn phía ngoài được bảo vệ an toàn.
Bài và ảnh: QUỲNH NGA