QĐND - Tháng 1-1997, Hưng Yên được tái lập trở lại sau khi hợp nhất với tỉnh Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức của một tỉnh thuần nông sau 15 năm tái lập, điểm xuất phát kinh tế thấp, đến nay tăng trưởng kinh tế Hưng Yên đã nhanh, toàn diện, tương đối vững chắc. Tốc độ tăng trưởng (GDP) bình quân hơn 12% năm; công nghiệp phát triển nhanh, thu hút hơn 900 dự án đầu tư, đưa giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 50 lần so với khi tái lập tỉnh. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn được chuyển dịch nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa, có thu nhập cao, giá trị sản xuất nông nghiệp-thủy sản tăng bình quân 4% năm; năm 2011 đạt gần 4000 tỷ đồng. Giá trị các ngành dịch vụ tăng bình quân 16% năm, đạt hơn 11 nghìn tỷ đồng năm 2011. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch nhanh; đến năm 2011 công nghiệp-dịch vụ chiếm 76,5% (so với hơn 20% năm 1997); nông nghiệp còn 23,5%; (so với 51,9% năm 1997). Kim ngạch xuất khẩu tăng gần 30 lần từ 21 triệu USD (năm 1997) nay đạt 620 triệu USD. Thu ngân sách năm 1997 đạt 84 tỷ đồng, năm 2011 đạt hơn 4000 tỷ đồng, tăng gấp 48 lần. GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 24 triệu đồng (tăng gấp 7 lần). Hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư lớn, nhất là giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện được xây mới, nâng cấp. Diện mạo đô thị và nông thôn ngày một khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Đến nay số hộ nghèo giảm còn 9% theo tiêu chí mới, số hộ giàu tăng. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục phát triển và có nhiều tiến bộ; quốc phòng-an ninh ngày càng được củng cố vững chắc. Hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp ngày được nâng lên. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được phát huy, dân chủ ngày càng được mở rộng.

Nhãn lồng, đặc sản nổi tiếng của Hưng Yên. Ảnh: Trọng Hải

 

Đạt được kết quả đó, tỉnh Hưng Yên đã phát huy mọi tiềm năng, lợi thế; chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, các tổ chức cơ sở đảng và của cả hệ thống chính trị; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sau 15 năm tái lập tỉnh đã xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, ổn định cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, có giá trị kinh tế cao; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tăng nhanh giá trị sản xuất hơn 1ha canh tác; nâng cao mức thu nhập của người dân nông thôn, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội.

Việc tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp cũng được tỉnh Hưng Yên quan tâm. Tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu đô thị mới, phát triển lĩnh vực thương mại dịch vụ và du lịch, tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là đào tạo nghề để tạo việc làm cho người lao động, góp phần giảm hộ nghèo, bảo đảm tăng trưởng bền vững, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ; phấn đấu đến năm 2015, tổng GDP toàn tỉnh tăng gấp đôi so với năm 2010, tăng trưởng bình quân đạt 12,5%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4%; công nghiệp tăng 19%; dịch vụ tăng 16%/năm; GDP bình quân đầu người đạt 2.500 USD; cơ cấu kinh tế: Công nghiệp-dịch vụ chiếm tỷ trọng 83%, nông nghiệp 17%; tổng thu ngân sách 7000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1%; xây dựng tỉnh Hưng Yên trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của khu vực; 80% làng, khu phố văn hóa; 80% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh và chính quyền cấp xã vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc để Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.

Để đạt được mục tiêu Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đề ra, tỉnh thực hiện tốt công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch vùng Hưng Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị; quy hoạch các ngành, lĩnh vực công nghiệp, cụm công nghiệp, giao thông, thủy lợi và dịch vụ. Trên cơ sở quy hoạch, xác định những mục tiêu, lợi thế của từng vùng, từng lĩnh vực để đầu tư phát triển phù hợp.

Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội như: Đường nối với hai đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình qua Khu Đại học Phố Hiến; đường đê tả sông Hồng, sông Luộc để đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch vùng bãi; nạo vét, nâng cấp sông Đồng Quê-Cửu An, sông Điện Biên để bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng Khu Đại học Phố Hiến; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch để thu hút khách du lịch về với Hưng Yên; xây dựng Khu liên hợp Thể thao tỉnh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phát triển thương mại dịch vụ và du lịch. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững; chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, có giá trị kinh tế cao; thực hiện dồn thửa đổi ruộng, tạo điều kiện để công nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, phấn đấu đến năm 2015 có 25% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

Nguyễn Văn Thông - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên