Phóng viên (PV): Việt Nam và Pháp đã trở thành đối tác chiến lược từ năm 2013. Quan hệ hai nước đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây trên mọi lĩnh vực, trong đó có hợp tác quốc phòng. Đại sứ đánh giá như thế nào về quan hệ hợp tác quốc phòng trong tổng thể chung của quan hệ hợp tác song phương Việt-Pháp?

Đại sứ Nicolas Warnery: Quan hệ HTQP Việt-Pháp những năm qua đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực và có hiệu quả. Một trong những lĩnh vực hợp tác tiêu biểu giữa 2 nước thời gian qua là đào tạo quân y. Hai nước đã duy trì hợp tác truyền thống này từ khá lâu, bắt đầu bằng Dự án phòng, chống sốt rét tại Việt Nam.

Tiếp đó, hai bên thúc đẩy hợp tác đào tạo ngôn ngữ tiếng Pháp. Để đủ điều kiện tham gia các khóa đào tạo tại Pháp, các sĩ quan Việt Nam phải học tiếng Pháp để làm chủ công cụ tiếp cận với chuyên môn của mình. Năm 2021 còn có điều đặc biệt hơn là những sĩ quan Việt Nam gửi đi đào tạo tại Pháp sẽ được phía Pháp cấp bằng (trước đây không có).

Về đào tạo trong các lĩnh vực quân sự cơ bản, từ năm 2003 chúng tôi đã bắt đầu tổ chức các khóa đào tạo dành cho sĩ quan Việt Nam tại các trường quân sự của Pháp, trong đó có Trường quân sự đặc biệt Saint-Cyr.

Tiếp theo phải kể đến hợp tác trong lĩnh vực Gìn giữ hòa bình (GGHB). Việt Nam đã cử nhiều lượt sĩ quan tham gia lực lượng GGHB LHQ ở một số quốc gia châu Phi là thành viên trong cộng đồng Pháp ngữ. Pháp tham gia hoạt động GGGHB LHQ từ rất lâu nên có nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ cho Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đang triển khai một dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ mà trong đó Pháp tham gia rất tích cực. Trong khuôn khổ dự án này, chúng tôi đã cử một sĩ quan cao cấp biệt phái sang làm việc toàn thời gian tại Cục GGHB Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam triển khai lực lượng GGHB tại khu vực cộng đồng Pháp ngữ. Hai nước cũng đang hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, thủy đạc…

Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery. Ảnh: NGỌC MINH 

PV: HTQP Việt - Pháp đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong 30 năm qua. Trong thời gian giới, HQTP hai nước sẽ hướng vào trọng tâm nào?

Đại sứ Nicolas Warnery: HTQP Việt - Pháp trong những năm tới sẽ tiếp tục duy trì các lĩnh vực truyền thống như quân y, thủy đạc, GGHB…. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn hai nước tăng cường đào tạo tiếng Pháp, bởi chính thông qua ngôn ngữ, chúng ta có điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, nhất là trong đào tạo quân y và lực lượng GGHB LHQ. Bên cạnh đó, hai bên cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, trao đổi vấn đề chiến lược, môi trường….

PV: Không chỉ trong HTQP, Việt Nam và Pháp cũng rất chú trọng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 kéo dài và phức tạp đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động trao đổi thương mại giữa hai nước, thưa Đại sứ?

Đại sứ Nicolas Warner: Năm 2021 chứng kiến nhiều khó khăn về hoạt động kinh tế toàn cầu. Đại dịch Covid-19 khiến các chuyên gia kinh tế Việt - Pháp không thể qua lại trao đổi trực tiếp với nhau được, doanh nghiệp 2 nước cũng không thể tiến hành các hoạt động kinh doanh thông thường. Quả thật, dịch bệnh đã gây ra nhiều trở ngại, nhưng nó không thể là rào cản cho hợp tác kinh tế giữa hai nước. Chúng ta vẫn không ngừng thúc đẩy mọi hoạt động hợp tác kinh tế. Việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế Việt - Pháp trong khuôn khổ chung Việt Nam - EU. Quyết tâm chính trị của các bên thể hiện rõ một điều rằng, chúng ta đều mong muốn áp dụng một cách hiệu quả nhất các điều khoản của  EVFTA vào hoạt động hợp tác kinh tế. Tôi còn nhớ, tại buổi lễ ký kết EVFTA, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó đã phát biểu: Hiệp định này sẽ như “tuyến đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại, nối gần hơn EU và Việt Nam”, nghĩa là việc thực thi hiệp định này nhất định sẽ đem lại lợi ích to lớn cho các bên và giúp các bên nhanh chóng xích lại gần nhau.

Về phía Pháp, chúng tôi mong muốn hoàn thành tốt các dự án đã ký kết giữa hai bên, đặc biệt là dự án tuyến Metro số 3 của Hà Nội; tăng cường quan hệ giao thương giữa hai nước. Chúng ta đã và đang xúc tiến một số dự án về năng lượng, vũ trụ, quy hoạch đô thị, cụm cảng hàng không... và đặc biệt là dược phẩm. Nhiều công ty dược phẩm của Pháp đã xây dựng nhà máy sản xuất và cung ứng sản phẩm cho thị trường Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

PHƯƠNG LINH-PHƯƠNG THẢO (thực hiện)