QĐND Online - Ngày 5-8 (giờ Hà Nội), Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần thứ nhất đã chính thức khai mạc tại thủ đô Washington của Mỹ với sự tham dự của gần 50 nguyên thủ châu Phi. Sự kiện chưa từng có này phản ánh quyết tâm của Mỹ và châu Phi cùng nỗ lực tăng cường các quan hệ đối tác, tìm kiếm các cơ hội cho thương mại, hòa bình, an ninh và phát triển kinh tế.
Mặc dù châu Phi đang phải hứng chịu nhiều mối đe dọa từ tấn công khủng bố đến các vấn nạn y tế và an toàn hàng không, nhưng những khó khăn này không thể che khuất những thành tựu mà châu lục này đã đạt được, đặc biệt về kinh tế.
 |
Quang cảnh diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi lần thứ nhất tại Washington.
|
Châu Phi đã và đang là điểm đến hấp dẫn, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư. Từ năm 2000, châu Phi thu hút nhiều giới đầu tư nước ngoài, trong đó, có rất nhiều nhà đầu tư đến từ các nước đang trỗi dậy. Báo cáo về Triển vọng kinh tế châu Phi được Hội nghị thương mại và phát triển của LHQ (CNUCED) công bố hồi tháng 5 vừa qua cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi có thể đạt đến con số kỷ lục là 80 tỷ USD trong năm 2014, tăng trưởng trung bình có thể đạt 4,8% vào năm 2014 và tăng đến 5,7% vào năm 2015. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), châu Phi hiện có tốc độ phát triển nhanh hơn châu Á. Hiện tại châu lục này có 6 trong số 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Phi sau EU và Trung Quốc. Tổng kim ngạch buôn bán hai chiều Mỹ-châu Phi năm ngoái chỉ đạt 60 tỷ USD so với hơn 200 tỷ USD của EU và 170 tỷ USD của Trung Quốc. Do đó, mở rộng quan hệ với châu Phi được Tổng thống Mỹ Barack Obama xác định như là một trong những lợi ích quốc gia.
Theo chương trình nghị sự, trong ba ngày diễn ra Hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận các vấn đề an ninh nổi cộm mà các quốc gia châu Phi đang phải đối mặt như: Các vụ bắt cóc, giết người của tổ chức Hồi giáo cực đoan Boko Haram tại Nigeria, nội chiến tại Nam Sudan và các vụ tấn công đẫm máu của nhóm nổi dậy al-Shabab tại Somalia và Kenya. Đợt bùng phát dịch bệnh Ebola tại Tây Phi, làm hơn 725 người thiệt mạng, cũng không thể thiếu trong chương trình thảo luận. Ngoài ra, phát triển kinh tế, đầu tư, giải quyết tình trạng nghèo đói, bệnh tật và chống khủng bố là những nội dung quan trọng cũng được đề cập đến.
Đỉnh cao của Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là buổi ăn tối dự kiến diễn ra vào tối 6-8 tại Nhà Trắng. Sự kiện này cho phép Tổng thống Obama "mở ra một chương mới trong mối quan hệ giữa Mỹ và châu Phi”, như một mong muốn mà Mỹ đã nêu ra cách đây một năm tại Nam Phi. Đây được xem là một bước tiến mới đối với một Tổng thống Mỹ mặc dù có nguồn gốc châu Phi nhưng lại dành rất ít thời gian cho châu lục này. Nhân dịp này, ngoài ngân sách 7 tỷ USD dành cho châu Phi, chính phủ Mỹ còn đưa ra một chương trình trao đổi cho phép 500 sinh viên châu Phi ở độ tuổi từ 25 đến 35 được sang Mỹ đào tạo trong vòng 6 tuần.
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama hy vọng, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi đầu tiên này sẽ là cơ hội để thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế, tăng cường can dự và củng cố quan hệ an ninh với một châu lục mà nhiều nước lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và EU cũng đã và đang thực hiện.
PHƯƠNG LINH