QĐND - Hiến định, được hiểu là khái niệm chỉ sự luật hóa thành các quy định của Hiến pháp. Đó là phương thức căn bản để hiện thực hóa ý chí, lợi ích cơ bản của giai cấp thống trị thành luật pháp của Nhà nước; biến đường lối, chính sách của đảng cầm quyền - đại biểu của giai cấp thống trị thành công cụ pháp lý cao nhất nhằm điều chỉnh mọi đối tượng, mọi lĩnh vực hoạt động cơ bản của đời sống xã hội; tạo cơ sở định hướng cho các ngành luật cụ thể và các văn bản có tính pháp luật của Nhà nước. Theo đó, đối với nước ta, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam được ghi trong Cương lĩnh và trong các văn kiện khác của Đảng, chính là cơ sở để Nhà nước ta hiến định thành Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Tuy nhiên, việc hiến định thành các quy định của Hiến pháp cần phải đạt được những yêu cầu cơ bản về nội dung và kỹ thuật nhất định. Đối chiếu với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, có thể nhận thấy trong dự thảo, ngoài những điều không thay đổi, do còn giữ nguyên giá trị, những điều sửa đổi, bổ sung, về cơ bản được hiến định với chất lượng mới cả về nội dung và kỹ thuật hiến định. 

Về nội dung hiến định: Cũng như các bản Hiến pháp đã ban hành của nước ta, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong toàn bộ nội dung được hiến định thành các quy định Hiến pháp đã luôn bảo đảm sự trung thành với nội dung quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, song nội dung được hiến định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này so với Hiến pháp năm 1992 có tính khái quát khoa học cao và hợp lý, bảo đảm yêu cầu Hiến pháp là bộ luật cơ bản của quốc gia, cơ sở của các ngành luật cụ thể và các văn bản có tính pháp luật khác của Nhà nước.

Tính khái quát khoa học cao và hợp lý trong nội dung hiến định của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trước hết được thể hiện ở phạm vi hiến định nội dung quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng thành nội dung các quy định trong Hiến pháp.

Nội dung hiến định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, trong đó chủ yếu là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Nhìn tổng quát, toàn bộ các quy định trong dự thảo Hiến pháp đã thể hiện đúng quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, song nội dung được hiến định đã được cân nhắc, lựa chọn, khái quát cao, bảo đảm đúng tầm của một đạo luật gốc. Vì quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng có nội dung bao quát rộng lớn từ những vấn đề vĩ mô ở tầm chiến lược, đến những vấn đề cụ thể trên từng lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Bên cạnh những vấn đề cơ bản, chiến lược, có tính ổn định lâu dài, là những vấn đề cụ thể thường xuyên biến động, do sự điều chỉnh, bổ sung của Đảng, nhằm đáp ứng kịp thời với sự biến đổi không ngừng của đời sống thực tiễn. Các quy định trong Hiến pháp của nước ta là sự thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, song Hiến pháp không phải là hiến định toàn bộ nội dung các quan điểm, đường lối, chính sách đó, mà chỉ hiến định những nội dung căn bản, có tính nguyên tắc chiến lược và tính ổn định lâu dài. Bởi Hiến pháp vừa có tính hiện thực, vừa mang tính cương lĩnh. Tính hiện thực trong nội dung Hiến pháp nước ta là sự tổng kết thành quả cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã giành được. Còn tính cương lĩnh của Hiến pháp là vạch ra phương hướng hoạt động cơ bản của Nhà nước và toàn xã hội trong một thời gian tương đối dài. 

Nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện được tinh thần đó, nên đã khắc phục được sự sao chép dàn trải từ văn kiện chính trị của Đảng. Chẳng hạn, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về Nhà nước ta, chỉ riêng trình bày trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) là: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân.

Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương”. Quan điểm đó của Đảng đã được hiến định tại Điều 2: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Như vậy, nội dung hiến định tại Điều 2 đã xác định đúng phạm vi, khái quát đúng bản chất quan điểm của Đảng về Nhà nước ta để hiến định, chứ không phải là sự sao chép tất cả quan điểm của Đảng để biến thành quy định trong Hiến pháp.

Tính khoa học và hợp lý trong nội dung hiến định của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn được thể hiện ở mức độ hiến định. Như trên đã đề cập, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng bao quát mọi vấn đề, từ những vấn đề có tính chiến lược, cơ bản, lâu dài, đến những vấn đề cụ thể trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Những vấn đề cụ thể không thuộc đối tượng để hiến định thành các quy định Hiến pháp, nó là đối tượng của các ngành luật cụ thể và các văn bản dưới luật như các nghị định của Chính phủ. Nội dung các quy định sửa đổi, bổ sung trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được hiến định đúng với yêu cầu về mức độ. Thí dụ: Hiến pháp năm 1992, tại Điều 19, quy định: “Kinh tế quốc doanh được củng cố và phát triển, nhất là trong những ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân”. Dự thảo sửa đổi, tại Điều 54 (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25), quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”, không đưa vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước (kinh tế quốc doanh) như Hiến pháp năm 1992 vào nội dung hiến định. Bởi việc xác định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã nói lên vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Còn vấn đề kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo như thế nào và làm thế nào để giữ vai trò chủ đạo, là vấn đề cụ thể, thuộc đối tượng của các chủ trương, chính sách và đối tượng của các ngành luật cụ thể. Hiến định như vậy về nội dung là hợp lý về mức độ, theo yêu cầu của Hiến pháp, khắc phục được sự liệt kê những vấn đề cụ thể và giải thích như một số điều của Hiến pháp năm 1992. 

Như vậy, nội dung được hiến định thành các quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đã bảo đảm sự trung thành với nội dung quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam - đảng duy nhất cầm quyền, song có phạm vi, mức độ hợp lý theo yêu cầu Hiến pháp là bộ luật cơ bản của quốc gia. 

Về kỹ thuật hiến định: Nhìn tổng thể dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với hệ thống các quy định, các khái niệm và các từ ngữ diễn đạt được sử dụng để hiến định đã thể hiện tính chuẩn mực theo yêu cầu của khoa học pháp lý đối với ngành luật Hiến pháp. 

Trước hết về quy định Hiến pháp, với 124 điều, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã bao quát được toàn bộ các quan hệ xã hội cơ bản, phổ biến, thuộc đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp. Với tính cách là đối tượng đặc thù, nên các quy định trong dự thảo sửa đổi, được cấu trúc chủ yếu gồm 2 phần là giả định và quy định, rất ít có phần chế tài như các quy phạm pháp luật cụ thể. Mặt khác, hệ thống quy định trong dự thảo đã thể hiện rõ nét yêu cầu đối với quy định Hiến pháp thuộc loại quy phạm pháp luật đặc biệt. Đó là loại quy phạm chỉ chứa đựng những nguyên tắc, nguyên lý, định nghĩa dùng làm cơ sở xuất phát và tư tưởng chỉ đạo cho việc đặt ra và thi hành những quy phạm, quy tắc pháp luật khác. Đối chiếu với từng điều quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chúng ta dễ dàng nhận thấy, toàn bộ 124 điều đều được trình bày tổng quát dưới dạng những nguyên tắc, những định nghĩa khái quát khoa học, có tính pháp lý cao. 

Các khái niệm và từ ngữ sử dụng để hiến định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, về cơ bản là tường minh, nội hàm được định hình chuẩn xác và khu biệt ngoại diên một cách rõ ràng. Vì vậy đã hạn chế tối đa việc sử dụng thuật ngữ chung chung, trừu tượng, hạn chế về tính pháp lý như Hiến pháp năm 1992 còn mắc phải.

Với nội dung và kỹ thuật hiến định đã đạt được, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đánh dấu sự phát triển mới về tư duy lý luận và trình độ lập hiến của Đảng và Nhà nước ta. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được tiếp tục hoàn thiện hơn về chất lượng, sau khi được nhân dân tham gia góp ý, được phê chuẩn trở thành văn bản có tính pháp lý cao nhất, điều chỉnh mọi hoạt động cơ bản của Nhà nước và toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

PGS, TS HÀ NGUYÊN CÁT