Quá trình quốc hội của 30 nước thành viên NATO phê chuẩn để hai quốc gia Bắc Âu trở thành thành viên chính thức của NATO cũng đang được hối thúc để diễn ra chóng vánh hơn. Châu Âu đang đứng trước một trật tự an ninh chiến lược mới khi sườn phía Đông của NATO đã thực sự áp sát Nga, gây ra những hệ lụy khôn lường cho an ninh khu vực. Nguy cơ về một cuộc chiến tranh lạnh mới đã hiển hiện.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Ảnh: THX/TTXVN 

Chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước được nhắc đến bởi một trong những căn nguyên khiến Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine là do Kiev mong muốn gia nhập NATO, dấy lên quan ngại làm mất bảo đảm an ninh của Moscow. Vậy nhưng, chính hành động của Nga với quốc gia láng giềng lại làm những người hàng xóm phương Tây lo ngại (!). Thế nên, dù có những lý do về lịch sử và địa lý khác nhau khiến Thụy Điển và Phần Lan kiên quyết duy trì vị thế trung lập với chính sách không liên minh quân sự hàng chục năm qua, tỷ lệ người dân Thụy Điển và Phần Lan ủng hộ gia nhập NATO tăng lên nhanh chóng khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Lãnh đạo hai nước Bắc Âu cùng nộp đơn chính thức xin gia nhập NATO vào tháng 5 vừa qua và chỉ hơn một tháng sau, NATO đã mở rộng cánh cửa mời Thụy Điển và Phần Lan sớm trở thành thành viên của khối.

Việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO có gây quan ngại về an ninh với Nga hay không? Câu trả lời là có thể không và có thể có. Không bởi vì dù chưa phải là thành viên NATO nhưng phương thức huấn luyện, tác chiến cũng như trang bị của quân đội hai nước này gần như đã theo chuẩn NATO. Trong khi đó, nếu NATO không có kế hoạch lập căn cứ quân sự hay triển khai vũ khí chiến lược ở hai quốc gia này thì việc có trở thành thành viên của NATO hay không cũng không uy hiếp an ninh của Nga. Điều này đúng như khẳng định của Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 27-6: “Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO không phải mối đe dọa mới với chúng tôi. Các nước này từng có quan hệ tương đối tốt đẹp với Nga, nhưng tranh chấp lãnh thổ và bất đồng với họ đã được dự báo trước. Chúng tôi đã sẵn sàng cho những bước đi đáp trả”.

Ngược lại, câu trả lời có thể là có nếu các loại vũ khí tấn công chiến lược hiện đại của NATO lại hướng về Nga từ Thụy Điển và Phần Lan. Lúc đó, giới lãnh đạo Nga sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn từ Quảng trường Đỏ khi phần lớn ở bên kia biên giới phía Tây của mình là máy bay, tên lửa cùng hàng triệu lính của NATO đang hội quân. Chính ông Medvedev cũng không úp mở rằng nếu kịch bản này xảy ra thì Moscow không còn lựa chọn nào khác ngoài triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật để ứng phó.

Điều đáng buồn là khả năng câu trả lời có lại dễ xảy ra hơn nếu nhìn lại lịch sử phát triển của NATO, cũng như sức ép ghê gớm về mọi mặt mà khối này cùng Liên minh châu Âu đang gây khó khăn cho Nga, thậm chí kể cả nhiều năm trước khi xe tăng Nga tiến vào Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Từ khi thành lập ngày 4-4-1949 với 12 nước thành viên ban đầu, NATO luôn nỗ lực mở rộng về phía Đông, là một phần của “bức màn sắt” trong Chiến tranh Lạnh chống Liên Xô. Bởi vậy, sau khi NATO ra đời, Liên Xô và 7 quốc gia Đông Âu cũng thành lập khối Hiệp ước Warszawa vào năm 1955 như một đối trọng. Trong Chiến tranh Lạnh, NATO kết nạp thêm 4 thành viên, gồm: Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Đức và Tây Ban Nha. Sinh ra để chống Liên Xô nhưng sau khi Liên Xô tan rã năm 1991 và khối Hiệp ước Warszawa cũng tự tan rã, NATO không còn đối thủ, nhưng lại không giải thể mà tiếp tục đà mở rộng về phía Đông, kết nạp thêm tất cả thành viên cũ của khối Hiệp ước Warszawa nhưng lại từ chối mong muốn xin gia nhập NATO của Nga.

Rõ ràng, NATO vẫn luôn ngấm ngầm coi Nga là một đối thủ bởi nếu không đã không mở rộng để tiếp giáp biên giới với Nga nhiều hơn. Cơ hội đến với NATO khi Nga đưa quân vào Ukraine tháng 2 vừa qua giúp khối này công khai chống Nga trên các mặt ngoại giao, kinh tế, quân sự, thông tin... y như Mỹ và phương Tây chống Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Về ngoại giao, ngoài việc loại Nga ra khỏi các tổ chức khu vực và quốc tế, quan hệ song phương giữa Nga với phương Tây như lao dốc không phanh trong những năm gầy đây khi các phái đoàn ngoại giao được cắt giảm tối đa và các kênh đối thoại gần như đã bị ngắt. Về kinh tế, hàng nghìn lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow đã gây tác động hết sức tiêu cực với nước này. Nga chật vật duy trì nền kinh tế của mình trong khi các đối tác của Nga một phần vì sợ bị trừng phạt, một phần vì không thể thực hiện giao dịch quốc tế với các đối tác Nga nên phải dừng nhiều hợp đồng lớn. Trong khi đó, trên lĩnh vực quân sự, một mặt, việc bán vũ khí và hợp tác quốc phòng của Nga với các nước khó có thể thực hiện được bởi các lệnh cấm vận kinh tế; mặt khác, NATO tiếp tục viện trợ vũ khí cho Kiev để cản bước tiến quân của các lực lượng Nga trên thực địa làm tiêu hao các nguồn lực của Moscow khi phải kéo dài chiến sự tại Ukraine.

Nga và NATO đã không giữ được các cơ chế đối thoại và hành động của NATO đẩy hai bên vào thế đối đầu căng thẳng hơn so với thời Chiến tranh Lạnh. Có nhiều nguyên nhân khiến Liên Xô tan rã, trong đó, chiến lược tổng lực của Mỹ và đồng minh khi dùng sức mạnh ngoại giao, kinh tế, quân sự, thông tin... để kìm hãm, làm suy yếu đối phương cũng đóng vai trò quan trọng. Lần này, các nguồn lực đó một lần nữa được huy động để nhằm vào Nga như phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 11-4 vừa qua: “Chúng tôi từng nhiều lần khẳng định NATO là công cụ hướng tới đối đầu”. Các nguồn lực quân sự của NATO thậm chí còn mạnh mẽ hơn bao giờ hết, bởi khi còn làm Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã ép các thành viên trong khối móc hầu bao cho đủ mức 2% GDP như cam kết cho chi tiêu quân sự. Việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine lại như một cú hích khiến nhiều thành viên NATO ở châu Âu quyết thoáng thêm hàng trăm tỷ USD cho cỗ máy quân sự khổng lồ của mình. Mọi cánh cung đều đã được giương lên.

Nước Nga rộng lớn-một cường quốc hạt nhân-bị uy hiếp an ninh nghiêm trọng bởi một NATO giờ đây đã lớn mạnh hơn nhiều; bị phương Tây cô lập về ngoại giao, kìm kẹp giao thương phát triển kinh tế ắt sẽ không thể không hành động để bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình. Bầu không khí thù địch bao trùm châu Âu trong khi thế đối đầu đã được khởi dựng, vũ khí NATO áp sát đường biên giới quân sự dài dằng dặc dọc sườn phía Tây của Nga và các kênh ngoại giao bị cắt bỏ. Hệ lụy xung đột của một NATO mở rộng sẽ rất dễ xảy ra nếu các bên không kiềm chế và tôn trọng lợi ích của nhau.

NGỌC HƯNG