QĐND - Trước hai phương án về tên nước, giữ nguyên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) hay trở lại với tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sau khi tiếp thu ý kiến của nhân dân, theo tôi cả hai tên gọi đó chỉ khác nhau về hình thức, còn bản chất đều phản ánh chung một mục tiêu, lý tưởng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ngay cả đổi mới hiện nay của chúng ta vẫn là đổi mới theo định hướng XHCN. 

Vậy tại sao có hai tên gọi khác nhau về hình thức? Kiên trì con đường phát triển XHCN chính là thể hiện quan điểm trước sau như một, nhất quán của Đảng và cũng chính là của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Còn trong phương châm hành động thực tế, Bác đã dạy chúng ta "dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Tức là kiên trì mục tiêu lý tưởng, giữ vững quan điểm, nguyên tắc, còn biện pháp thì có thể thay đổi mềm dẻo theo từng giai đoạn cho thích hợp với hoàn cảnh. Chính vì thế mà tuy hai tên gọi khác nhau, nhưng đều phản ánh chung một bản chất của chính thể. 

Trong điều kiện hiện nay, khi Đảng đã xác định đường lối của cả tiến trình đổi mới và vẫn không thay đổi mục tiêu, lý tưởng được thể hiện trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát tiển năm 2011)” đã được thông qua tại Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI, thì không cần phải đặt vấn đề đổi tên nước (Tên nước là tên gọi, đó chỉ là hình thức. Cốt lõi nằm ở mục tiêu, lý tưởng, giá trị đạt đến mới là quan trọng). Giữ nguyên tên gọi CHXHCNVN là giữ sự ổn định tích cực để phát triển và thực hiện cho được mục tiêu của đổi mới là "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Nhà nước của chúng ta là nhà nước pháp quyền XHCH của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nền tảng tư tưởng của Đảng ta, của xã hội ta trước đây cũng như hiện nay vẫn lấy kim chỉ nam hành động là chủ nghĩa Mác – Lê -nin và tư tưởng Hồ Chí Minh – nghĩa là ý thức hệ đó không thay đổi. Dĩ nhiên trong quá trình phát triển của cách mạng chúng ta có bổ sung, phát triển theo những nhận thức mới để khắc phục những hạn chế, giáo điều trong nhận thức trước đây để hiểu cho đúng, làm cho đúng trong vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê -nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng là biện chứng, phù hợp với quy luật phát triển.

Thể chế CHXHCNVN có một quá trình lịch sử đến nay đã gần 40 năm, đổi mới cũng gần 30 năm. Thể chế đó đã phản ánh rất rõ lý tưởng, mục tiêu của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện rất rõ con đường và sự nghiệp mà chúng ta xây dựng là tiến lên CNXH khi cách mạng giải phóng dân tộc đã hoàn thành. 

Có ý kiến cho rằng, hiện nay trên thế giới chỉ còn rất ít quốc gia có tên gọi gắn với XHCN. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nếu vẫn giữ tên nước là CHXHCNVN thì sẽ tạo ra sự khác biệt. ý kiến này cũng cần phải hiểu đúng hơn. Bởi vì mỗi quốc gia dân tộc có quyền chính đáng của mình trong việc quyết định lựa chọn con đường nào, chế độ chính trị nào và thể chế nào. Việc lựa chọn thể chế cho mình là quyền của nhân dân, dân tộc Việt Nam được thể hiện ở đội tiên phong là Đảng lãnh đạo. Kể cả trong lý luận, cũng như thực tiễn, kể cả trong lịch sử cũng như trong tương lai đã chứng minh rằng tên gọi XHCN hay không XHCN hoàn toàn không ảnh hưởng đến diễn tiến của quá trình hội nhập. 

Tính đến tất cả điều kiện thực tế, cũng như tính đến xu thế phát triển tương lai  (kể cả phải tính đến một khía cạnh thực tế nữa là, thay đổi tên nước sẽ kéo theo rất nhiều tốn kém về kinh tế để sửa đổi văn bản hành chính) theo tôi để nguyên tên nước là CHXHCNVN là cần thiết, phù hợp và đúng đắn.

Nhận thức là một quá trình. Để tạo được sự đồng thuận cao nhất chúng ta nên mở những diễn đàn sinh hoạt dân chủ để nhân dân đóng góp ý kiến. Lẽ đương nhiên, những ý kiến cần phải đưa ra những luận cứ, căn cứ của mình và trên cơ sở thực tiễn để xác định căn cứ nào là thỏa đáng, là có thể chấp nhận được và không chấp nhận được.

Trong một sinh hoạt dân chủ có đối thoại, có tranh luận, trên cơ sở tôn trọng các ý kiến của nhau sẽ cung cấp cho chúng ta cách nhìn toàn diện, nhiều chiều để đi đến một căn cứ để chọn một phương án thuyết phục nhất. 

Các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước sẽ phải thay mặt thể hiện ý chí của dân để chọn một phương án thuận lòng dân nhất.

Dân trao cho Quốc hội quyền thay mặt nhân dân quyết định thì Quốc hội sẽ lựa chọn một trong hai phương án đó.

GS, TS Hoàng Chí Bảo