QĐND - Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI (Benedict XVI) chính thức rút lui khỏi cương vị người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã từ ngày 28-2.  Trong bài giảng huấn cuối cùng hôm 27-2 trước khi từ nhiệm, Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI thừa nhận rằng, ông đã phải đối mặt với “những sóng gió” trong nhiệm kỳ 8 năm, nhưng cảm ơn công chúng.

Chia tay trước biển giáo dân

Hàng chục nghìn giáo dân và người dân từ khắp nơi đã tập trung tại Quảng trường Thánh Peter hôm 27-2 để nghe lời chia sẻ của Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI trước khi ông chính thức thoái vị. Sau khi vẫy chào đám đông từ một chiếc ô tô đi quanh quảng trường, Giáo hoàng cho biết, việc từ chức của ông là vì lợi ích của Giáo hội, và nhắc lại khoảng thời gian năm 2005, khi ông tiếp quản chức Giáo hoàng. “Đã có những lúc sóng gió. Nhưng tôi luôn biết rằng Chúa vẫn hiện diện trong con thuyền Giáo hội và tôi luôn biết rằng con thuyền không thuộc về tôi, không thuộc về tất cả chúng ta, mà nó thuộc về Ngài và Ngài sẽ không để nó bị chìm”, AFP trích dẫn lời Giáo hoàng Bê-nê-đích. Hàng chục nghìn người đã đứng nhiều giờ liền, mang theo cờ và khẩu hiệu để ủng hộ Giáo hoàng vào đêm ông chính thức rút khỏi đời sống công.

Hồng y Giô-dép A. Rát-din-gơ (Joseph Aloisius Ratzinger) trở thành Giáo hoàng thứ 265 của Giáo hội Công giáo La Mã từ ngày 19-4-2005, khi đã 78 tuổi và chọn tông hiệu Bê-nê-đích XVI. Trong gần 8 năm tại vị, Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI vừa bảo vệ các giá trị truyền thống của Công giáo vừa có những quyết định mang lại thay đổi sâu sắc. Ông vẫn kiên quyết phản đối hôn nhân đồng tính, phá thai, đồng thời đề cao hình mẫu gia đình truyền thống… Đôi khi bị xem là bảo thủ, nhưng cũng chính Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI đã có 2 quyết định mang tính “lịch sử” là tuyên bố thoái vị và thừa nhận vụ bê bối về các linh mục lạm dụng tình dục. Ông đã phá vỡ sự im lặng của Giáo hội, thừa nhận “rất hổ thẹn” về vấn đề này trong những chuyến công du tại Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Bồ Đào Nha… Kể từ đó, Va-ti-căng tỏ ra lắng nghe các nạn nhân và trừng phạt thích đáng những người có liên can.

Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI tại Quảng trường Thánh Peter. Ảnh: AP

Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI khẳng định, ông “vẫn sẽ phục vụ Giáo hội” dù quyết định từ nhiệm. Sau 2 tháng tạm nghỉ ở dinh thự Castel Gandolfo, ông sẽ chính thức chuyển về tu viện Mater Ecclesiae, phía sau giáo đường Thánh Phê Rô của Va-ti-căng. Tờ Le Point dẫn lời giới chức cho biết, Giáo hoàng danh dự sẽ dành toàn bộ thời gian sau khi thoái vị để cầu nguyện, nghiên cứu, viết lách và sẽ không can dự vào công việc của người kế nhiệm.

Theo Người phát ngôn Va-ti-căng Ph. Lom-bác-đi (F. Lombardi), nhà lãnh đạo của 1,2 tỷ giáo dân Công giáo La Mã vẫn có thể được nhắc tới là “Đức thánh cha Bê-nê-đích XVI” và còn có thêm danh hiệu “Giáo hoàng danh dự La Mã”. Chính Bê-nê-đích tự chọn các danh hiệu này cho ông, theo lời Lom-bác-đi. Về phẩm phục, Giáo hoàng danh dự sẽ mặc áo chùng trắng, mang giày nâu, thay cho giày đỏ như khi còn tại vị. Chiếc nhẫn ngư phủ, tín vật riêng của người đứng đầu tòa thánh, sẽ bị hủy. Tín vật này gợi nhớ về Thánh Phê Rô, Giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội Công giáo và mỗi giáo hoàng khi tiếp quản giáo hội sẽ được trao nhẫn ngư phủ mới có khắc tông hiệu của mình.

Vị Giáo hoàng 85 tuổi người Đức đã làm thế giới kinh ngạc khi tuyên bố ngày 11-2 rằng, ông sẽ từ nhiệm vào cuối tháng, với lý do tuổi tác và sức khỏe, sau 8 năm làm Giáo hoàng đầy sóng gió bị ám ảnh bởi những bê bối bên trong Giáo hội và ở tòa thánh. Những vụ xâm hại trẻ em của các linh mục và sự che giấu của những người cấp cao hơn đã phủ bóng đen lên nhiệm kỳ Giáo hoàng của ông, ngay trong những ngày cuối cùng, khi các nhà hoạt động kêu gọi các hồng y Xin Bra-đi (Sean Brady) của Ai-len và Râu-giơ Ma-ho-ni (Roger Mahony) của Mỹ phải bị cấm tham gia hội nghị hồng y vì vai trò của họ trong các vụ bê bối.

Ai sẽ kế nhiệm?

Theo truyền thông quốc tế, người kế vị Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI, chỉ nằm trong số 115 người dưới 80 tuổi trong số 210 thành viên của Hồng y đoàn được tham gia mật nghị bầu chọn. Số lượng hồng y tham gia mật nghị bầu tân giáo hoàng ban đầu là 117 người song có một hồng y đã cáo ốm và một người khác rút lui sau khi bị cáo buộc có những hành xử không đúng mực với các tu sĩ.

Các hồng y “sáng giá” được giới truyền thông nhắc đến nhiều nhất hiện tại là Mác Âu-lét (Marc Ouellet), 68 tuổi, Ca-na-đa; An-giê-lô Xcô-la (Angelo Scola), 71 tuổi, I-ta-li-a; Pi-tơ Tắc-xơn (Peter Turkson), Gha-na; Ti-mô-ti Đô-lan (Timothy Dolan), Mỹ... Dù vậy, nhiều người tin rằng vị giáo hoàng mới có thể đến từ Mỹ La-tinh và không ít ánh mắt đang hướng tới ứng cử viên hàng đầu đến từ Bra-xin - Tổng giám mục Ô-đi-lô Sê-rơ (Odilo Scherer). Nhưng hiện cũng đang nổi lên những ý kiến cho rằng đã đến lúc có một đức giáo hoàng từ châu Phi, nơi đang chứng kiến sự tăng lên đáng kể của người theo Công giáo.

Được biết, từ ngày 4-3, Hồng y đoàn sẽ họp tại Va-ti-căng để quyết định ngày bắt đầu bỏ phiếu bầu chọn giáo hoàng mới. Giáo hoàng mới là người nhận 2/3 trong tổng số 115 phiếu trong mật nghị diễn ra tại nhà nguyện Sixtine. Mỗi ngày có 2 phiên bỏ phiếu, mỗi phiên tối đa bỏ phiếu 2 lần. Những phiên chưa chọn được giáo hoàng, phiếu sẽ bị đốt bỏ, từ bên ngoài, công chúng sẽ thấy khói bay ra màu đen. Trong thời gian diễn ra mật nghị, các hồng y phải tuyên thệ tuyệt đối giữ bí mật, không tiếp xúc với người ngoài, không được xem truyền hình, đọc báo. Khi bầu được giáo hoàng, số phiếu đem đốt sẽ được trộn một loại hóa chất để cho ra khói trắng. Sau đó, tân giáo hoàng sẽ chọn tông hiệu và xuất hiện trước ban công để ra mắt giáo dân cũng như thế giới.

Trưa ngày 28-2, các hồng y đã có mặt tại thủ đô Rô-ma để chuẩn bị cho mật nghị bầu chọn giáo hoàng kế vị. Trước đó, Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI đã ra sắc lệnh cho phép tổ chức sớm mật nghị và nhiều khả năng, sự kiện này sẽ diễn ra trước ngày 15-3.

NGỌC HÀ