 |
Gian hàng tại các siêu thị vắng khách |
Giá tăng, sức mua giảm… làm người tiêu dùng và nhà kinh doanh gặp khó. Tại nhiều siêu thị, mức chi của người tiêu dùng trên hoá đơn đã giảm rõ rệt...Trong vòng một tháng qua, nhiều nơi đã lặng lẽ tăng giá hoặc tìm cách tăng giá dưới hình thức giữ giá nhưng giảm trọng lượng sản phẩm. Giá tăng khiến sức mua nhiều ngành hàng giảm xuống.
Từ chợ tới siêu thị đều vắng
Bà Hà, tiểu thương chợ Bàu Cát cho biết khách chỉ đông chừng hơn 1 giờ đồng hồ buổi sáng ở dãy hàng thực phẩm, sau đó cả chợ lặng lẽ.
Những sạp bán thịt, cá trước đây đông khách quen, giờ cũng chỉ bán được chừng 70% so với trước. Sạp rau quả của bà Hà dù đã cố gắng lấy hàng ngon, cộng thêm bán hàng có “khuyến mãi” bằng cách tặng thêm vài quả ớt, chanh, hoặc túm hành cho người mua, nhưng mỗi ngày chỉ bán được 50% so với trước.
Các chợ Bến Thành, Tân Định cũng lâm vào tình trạng tương tự. Khách mua đông vào giấc 8 – 9h sáng, sau đó các dãy hàng thực phẩm đều vắng hoe. Thịt, cá, tôm, rau củ quả bày đầy trên các khay, các sạp và dù người bán cố gắng giữ cho sản phẩm nhìn thật tươi ngon cũng chẳng thuyết phục được khách ghé mua.
Bà Nga bán giò chả ở chợ Bến Thành nói: “Từ khi giá tăng, sức mua đã giảm. Có những khách quen ngày nào cũng đi chợ, nhưng lượn tới lượn lui 2 – 3 vòng, xem món nào rẻ nhất mới mua”.
Siêu thị cũng giảm khách đáng kể. Thống kê hoá đơn từ khách mua hàng chỉ rõ mức chi bình quân trên mỗi hoá đơn đã giảm khoảng 30%.
Bà Nguyễn Thị Hải, giám đốc siêu thị Hà Nội nói: “Cùng kỳ năm ngoái, có gần 50% số hoá hơn dao động ở mức 220.000 – 300.000đ/hoá đơn, các dịp cuối tuần trên 400.000đ. Nay hoá đơn mua sắm phần lớn ở mức dưới 200.000đ, hiếm hoi mới có hoá đơn trên 300.000đ”. Mức chi tiêu trên mỗi hoá đơn giảm, lượng khách đến mua sắm ở các siêu thị cũng giảm đến 20%.
Không còn cảnh khách chen nhau xếp hàng chờ ở quầy tính tiền như trước, cho dù đó là những ngày cuối tuần ở Metro, Co.opmart, Maximark… Bà Nguyễn Thị Hà, giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart nói: “Tạm tính sức mua giảm trên 10%”.
Đến “con chuột, bàn phím”
Anh Nguyễn Quốc Dũng (Q.11, TP.HCM) “lừng khừng” cả tháng nay mà chưa chọn được chiếc ti vi LCD để xem bóng đá cho “đã con mắt”. Anh cho rằng giá ti vi LCD dao động ở mức 10 triệu đồng không phải là quá đắt, nhưng anh chưa thể “phung phí” trong tình hình hiện nay.
Chưa có thống kê về mức suy giảm chung của nhóm hàng điện máy kể từ đầu tháng cho tới nay, nhưng theo “lượm lặt” thông tin riêng lẻ của từng siêu thị, cửa hàng… tình hình mua bán đang khó khăn.
Ông Thức, giám đốc công ty Lê Nguyễn (Q.1, TP.HCM) cho biết vào dịp này năm ngoái, có lúc bán lẻ được 15 chiếc màn hình LCD từ 17 – 19 inch (chưa kể hàng chuyển cho các đại lý tỉnh), thì nay chỉ còn… 2 chiếc/ngày.
Doanh số này kéo dài từ đầu tháng 5 trở lại đây. “Với mức lãi khoảng 40 USD/ngày làm sao đủ trả tiền lương, tiền thuê nhà và những khoản phí khác?”, ông Thức than. Không chỉ một mà nhiều hệ thống bán lẻ, từ điện thoại di động, máy tính cho đến hàng điện máy gia dụng cùng chia sẻ rằng, doanh số bán hàng trong hai tháng 5 và 6 ước chừng chỉ bằng 40 – 50% so với năm ngoái.
Ông Trần Việt Quân, giám đốc Bách Khoa Computer cho biết: “Hiện chúng tôi đang cầm cự với mức 50% doanh số so với năm ngoái. Nếu tình hình kinh doanh vẫn như thế này trong vòng một tháng nữa, chúng tôi buộc phải xem lại chính sách nhân sự, thay đổi chiến lược kinh doanh”. Vì sức mua giảm mạnh nên nhiều nhà phân phối đã “siết” lại chính sách bán hàng: chỉ cho nợ với những khách hàng lớn và có uy tín, còn những đại lý nhỏ áp dụng “tiền trao cháo múc”.
Giá trị các hoá đơn mua hàng tại các siêu thị điện máy, máy tính cũng đang giảm mạnh. Theo ghi nhận của chúng tôi, ngày càng ít có khách mua hàng có giá trị cao như ti vi LCD hoặc máy tính xách tay cao cấp. Phần lớn chỉ chịu chi cho những mặt hàng có giá thấp như bàn ủi, bếp điện, bàn phím, loa giá rẻ, máy tính xách tay giá rẻ…
(theo Sài Gòn Tiếp Thị)