QĐND Online - Câu lạc bộ 200 (CLB) do Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) thành lập mà thành viên là nông dân trồng mía đạt năng suất từ 200 tấn/ha trở lên ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Qua 8 năm hoạt động, CLB đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó có việc gắn kết nông dân với cây mía và doanh nghiệp.

Đôi bên cùng có lợi

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Măng, Giám đốc Khuyến nông CASUCO cho biết về ý tưởng thành lập CLB: “Trước đây, năng suất mía thấp, người nông dân không yên tâm trồng mía khiến chúng tôi có thể mất vùng nguyên liệu. Trước thực trạng đó, chúng tôi tổ chức một cuộc thi cho những nông dân sản xuất giỏi và lấy mốc 200 tấn/ha để họ phấn đấu. Sau khi đạt được mốc này, chúng tôi muốn nhân rộng ra các gia đình khác và tháng 5-2006, CLB 200 đã được thành lập với 45 thành viên. Mục đích thành lập CLB là nhằm phát huy hết tiềm năng của địa phương để tăng năng suất mía, giúp người dân yên tâm canh tác, qua đó phát triển vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy”.

Hội viên CLB Mía đường Lam Sơn thăm ruộng mía của hội viên CLB 200.

Ông Nguyễn Văn Nhị ở khu vực 8, phường Hiệp Thành (thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) là thành viên CLB 8 năm liền. Ông Nhị chia sẻ: “Nhà tôi có 1 ha trồng mía, trước đây năng suất chỉ đạt 140 đến 150 tấn. Khi tham gia CLB, tôi được CASUCO ưu tiên trồng giống mía mới và được hỗ trợ về kỹ thuật canh tác nên năng suất mía đạt 200 tấn hoặc hơn, thu lãi từ 90 đến hơn 100 triệu đồng. Hiện nay, tôi đang trồng giống mía R570 có khả năng chịu nước rất tốt, mặc dù thu hoạch sau các giống mía khác khoảng 1 tháng nhưng mía vẫn bảo đảm cả về sản lượng lẫn chất lượng”.

Ông Trương Văn Hiền, Chủ nhiệm CLB cho chúng tôi biết: “Hiện nay, CLB của chúng tôi có 90 hội viên ở huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy, TP Vị Thanh (Hậu Giang) và huyện Gò Quao (Kiên Giang). Để trở thành hội viên CLB, năng suất mía của hội viên phải đạt từ 200 tấn/ha trở lên. Khi tham gia CLB, hội viên sẽ được CASUCO ưu tiên trồng giống mới sau khi công ty đã khảo nghiệm để làm mô hình trình diễn; ký kết hợp đồng bao tiêu hết sản phẩm; tham gia các lớp tập huấn, học tập về kỹ thuật trồng mía; tham quan các mô hình trồng mía khác. Bên cạnh những quyền lợi đó, hội viên phải có trách nhiệm giữ vững năng suất và chất lượng mía; chuyển giao giống cho các hộ gia đình xung quanh. Nếu năng suất mía của hội viên đạt dưới 180 tấn/ha thì sẽ bị loại khỏi CLB; năng suất đạt trên 180 tấn/ha sẽ được lưu ban 1 năm. Chính vì vậy, mỗi hội viên đều tự ý thức được việc chăm bón cẩn thận cho ruộng mía của mình để được ở trong CLB lâu dài”.

Định hướng phát triển đúng đắn

Ông Trương Văn Hiền chia sẻ với chúng tôi về định hướng phát triển của CLB: “Chúng tôi nhận thấy, để cạnh tranh với đường nhập lậu thì trước hết phải giảm giá mía nguyên liệu, do đó chúng tôi khuyến khích hội viên tích cực nuôi một số loại thủy sản và trồng cây ngắn ngày xen kẽ với ruộng mía để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ từng bước cải tạo đồng ruộng và đưa cơ giới hóa vào các công đoạn trồng, chăm sóc mía; cùng nhau mua phương tiện để vận chuyển mía đến nhà máy”.

Về phía CASUCO, ông Huỳnh Văn Măng cho biết: “Qua 8 năm hoạt động của CLB, trình độ canh tác mía của người dân đã được nâng cao, năng suất bình quân tăng từ 70 đến 100 tấn/ha. Hiện nay, năng suất mía đã ổn định, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chuyển giao các giống mía có chất lượng cao (có trữ lượng đường cao) cho người dân. Bởi với mía chất lượng cao, nhà máy sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất và có lãi thì giá thu mua mía nguyên liệu sẽ được nâng cao. Để khuyến khích người dân trồng mía chất lượng cao, chúng tôi tổ chức treo thưởng cho các hộ có ruộng mía đạt 25 tấn đường/ha một chiếc máy xới đất trị giá 30 triệu đồng; năng suất từ 22 đến dưới 25 tấn sẽ thưởng một máy tưới nước; năng suất từ 20 đến dưới 22 tấn sẽ thưởng một máy phun thuốc trừ sâu. Tổng giá trị giải thưởng là 330 triệu đồng”.

Nhiều năm trở lại đây, tình trạng nông sản làm ra không được thu mua hay bị ép giá đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương, do người dân và doanh nghiệp chế biến không tìm được tiếng nói chung. Tình trạng này khiến người dân phải phá bỏ, chuyển đổi cây trồng, gây thiệt hại cho cả người dân và doanh nghiệp. Với mô hình CLB 200, người dân đã được doanh nghiệp hỗ trợ về giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, định hướng phát triển nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập. Quan trọng nhất, họ đã tự ý thức được trách nhiệm của mình và bảo đảm sản lượng, chất lượng để cùng doanh nghiệp phát triển. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng được bảo đảm về sản lượng và chất lượng nguyên liệu nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và tăng lợi nhuận. Qua đó, đã tạo sự gắn kết giữa người dân với cây mía và doanh nghiệp. Thiết nghĩ, đây là một mô hình mà doanh nghiệp chế biến ở các vùng nông sản có thể vận dụng.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN